Bài 4: Những design công nghiệp đầu tiên - Máy ảnh và xe lửa

04/10/2014 14:31 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Xã hội Việt Nam bắt đầu thay đổi chóng mặt vào những năm 1890, khi càng ngày càng nhiều kỹ nghệ của thời đại công nghiệp đổ sang phương Đông, khiến phương Đông hình thành cả nỗi khiếp sợ kỹ nghệ phương Tây.

Với hơn hai trăm lính Pháp mà hai lần tấn công thành Hà Nội có tới 20 ngàn lính phòng thủ vẫn không giữ được thành, khiến cả chủ tướng Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu phải tìm đến cái chết. Trước sức mạnh của hỏa lực pháo binh và súng trường bộ binh bắn hiệu quả, những người lính triều đình đã lùi bước, mặc dù còn nhiều lý do khác cho những cuộc bại trận của người Việt trong giai đoạn này.

Chiếc xe kéo tay và chiếc xích lô là hai thiết kế trong thời kỳ xe động cơ còn chưa phổ biến ở phương Đông, dù nó đã được chạy ở các phố phường phương Tây. Người ta cho rằng, việc gắn chiếc xe đạp vào xe tay đã hình thành nên cái xích lô, điều này không sai, vì nó hợp lý về cấu tạo. Ở Thượng Hải và New Delhi, loại xích lô người đạp ngồi phía trước quả là đúng với việc gắn xe đạp vào xe lôi, nhưng ở Hà Nội và Sài Gòn hầu hết xích lô người đạp ngồi phía sau chỗ ghế ngồi trên hai bánh của khách, cũng là một cách thiết kế khác. Xe xích lô ở Hà Nội thấp hơn xích lô ở Hải Phòng và Sài Gòn, tuy nhiên ghế ngồi lại rộng hơn, có thể cả đôi vợ chồng ngồi cũng vừa. Một phương tiện khác là xe ngựa đóng hộp ngồi như buồng ô-tô có cửa mở hai bên cũng thấy xuất hiện ở Sài Gòn. Kiểu thức này từng thấy trên hình khắc đồng Cửu đỉnh ở Huế, xe có bốn bánh do hai ngựa hay bốn ngựa kéo. Kiểu xe như vậy xuất hiện ở châu Âu phổ biến trong thế kỷ 18, có lẽ đã ảnh hưởng kiểu thức sang phương Đông.


Khai thông tuyến đường sắt Đông Dương 1882. Tư liệu ảnh do người Pháp chụp cuối thế kỷ 19

Nhiếp ảnh và máy ảnh đến Việt Nam cùng với người phương Tây, nhưng trong những năm giữa thế kỷ 19, khi phương tiện này chưa ra đời và phổ biến thì đi theo các nhà buôn và quân đội thực dân vẫn là những họa sĩ vẽ tay, và họ cố gắng truyền đạt chính xác những gì trông thấy theo lối họa tả thực cổ điển. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp Pháp đã chụp ảnh lâu dài ở Việt Nam, tiêu biểu như Albert Kahn và Le Dulefilf. Song một tên tuổi được ghi nhận là người Việt Nam đầu tiên, ông tổ của nghề ảnh Việt Nam là Đặng Huy Trứ (1825 - 1874). Ông là một viên quan nhà Nguyễn, ham công nghệ và buôn bán. Năm 1869, ông mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội. Những hiệu ảnh lúc đó chủ yếu chụp chân dung người đương thời nếu có nhu cầu, song như một thói quen truyền thống người Việt Nam chụp ảnh để sau này cho con cháu thờ, chứ ít nghĩ đến việc ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc đời mình. Đặng Huy Trứ nói rằng: “Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt, tuy ứng theo lòng, chụp ảnh tái hiện được tinh thần”, “ngoài nghìn dặm mà vẫn y trước mắt, khiến mọi người đều tỏ được tấm lòng thành hiếu”…

Năm 1865, khi đi sứ Trung Quốc, Đặng Huy Trứ đã  tới Hương Cảng (Hong Kong) với nhiệm vụ “Thám phỏng dương tình”, nhằm xem xét thái độ của người phương Tây với Việt Nam. Ở đây, ông đã chứng kiến kỹ thuật nhiếp ảnh do người Anh đưa sang, được nhiều người ưa chuộng. Tại Hong Kong, ông đã chụp thử hai bức chân dung: một bức mặc triều phục, một bức ông mặc như thương nhân Trung Quốc và thử vẽ hai bức chân dung nói trên để so sánh. Điều đó cho thấy ý định học nghề ảnh và mở hiệu ảnh ở Hà Nội cũng được hình thành ngay trong chuyến đi ấy. Hai năm sau, 1867, Đặng Huy Trứ lại được cử sang Trung Quốc với nhiệm vụ mua sắm vũ khí. Nhân thể, ông thuê một người Trung Quốc tên là Dương Khải Trí mua sắm giúp các dụng cụ máy móc về nhiếp ảnh và ông học cách chụp ảnh để về nước mở hiệu ảnh. Khi trở về nước, ông lấy hiệu Lạc Sinh Công Điếm và cho sửa sang lại thành tiệm chụp ảnh lấy tên là Cảm Hiếu Đường ở phố Thanh Hà, Hà Nội (nay là phố Ngõ Gạch). Tiệm ảnh này được khai trương vào ngày 14.3.1869 (trích tham khảo từ Quê hương/kyluc.vn và Danviet.vn, Citi News 1/4/2013).

Nghề vẽ truyền thần vẫn không mất đi, khi không phải máy ảnh lúc nào cũng sẵn, và trong nhiều giai đoạn, ảnh chân dung còn đắt hơn vẽ truyền thần. Nghề truyền thần phát đạt trong suốt thế kỷ 20 và còn kéo dài đến tận ngày nay. Những năm 1940, ở Hà Nội có những họa sĩ truyền thần đẹp và chính xác đến mức nom bức truyền thần giống hệt một bức ảnh đen trắng.

Việc phát minh ra động cơ hơi nước là bước tiến đưa loài người vào cuộc đua tốc độ, những xe lửa và tàu thủy chạy bằng động cơ nay hình thành thúc đẩy nhanh chóng các cuộc xâm chiếm cũng như mở mang khai thác thuộc địa. Vào đầu thế kỷ 19, một người Việt đi từ Hà Nội đến Sài Gòn bằng đường bộ mất cả năm trời, thì với đường sắt những năm 1976 mất khoảng một tuần, còn đến nay mất chừng 2 - 3 ngày. Tốc độ đã rút ngắn khoảng cách, nhưng cảm giác về đất nước không còn dài rộng như thời phong kiến.

Ngày 20/7/1885 tuyến xe lửa đầu tiên ở Đông Dương, Sài Gòn - Mỹ Tho căn bản hoàn thành, nhưng vì cầu qua sông Vàm Cỏ Đông chưa làm xong, nên hành khách phải xuống ga Bến Lức. Đến tháng 5/1886, thì xe lửa đã chạy được suốt Sài Gòn - Mỹ Tho trên quãng đường dài 71 km. Nếu đúng như dự tính của người Pháp thì con đường này sẽ nối tuyến đường sắt đi Phnom Penh, Campuchia, nhưng điều đó đã không được thực hiện và đến năm 1958, thì tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho bị loại bỏ. Tuy nhiên từ đó đến năm 1936, thì người Pháp tiếp tục xây dựng các tuyến đường sắt xuyên Việt Nam khác. Năm 1902, xây dựng xong tuyến Hà Nội - Đồng Đăng và Hà Nội - Hải Phòng. Năm 1906, Hà Nội - Lào Cai, 1931. Năm 1931, Tháp Chàm - Đà Lạt. Năm 1933, Sài Gòn - Lộc Ninh. Năm 1889 - 1936, xây dựng xong tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đặc biệt tuyến xe lửa đi Đà Lạt do dốc núi nên có thiết kế đường ray bánh răng cưa ở chính giữa hai đường ray, cho một bánh phụ răng cưa gầm xe lửa bám vào đó, nhưng sau cả tuyến đường sắt này cũng bị bỏ (tham khảo nguồn Bưu điện Việt Nam. Tin mới).

Cái máy ảnh và cái tàu hỏa, tất nhiên cùng với nhiều kỹ nghệ du nhập khác từ phương Tây sẽ thay đổi xã hội Việt Nam cổ xưa mãi mãi. Người ta dùng chúng, và cảm giác chúng ngẫu nhiên có mặt trên đất Việt Nam, nhưng công nghiệp vừa là phúc vừa là họa đối với đất nước nông nghiệp hàng ngàn năm này.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm