'Phố đi bộ' quanh Hồ Gươm: Đừng bàn lùi!

17/08/2016 06:56 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - "Nâng lên đặt xuống" khá lâu, cuối cùng thì việc tổ chức các tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm cũng sẽ chính thức bắt đầu vào 1/10 tới.

Cụ thể, thông tin từ thành phố Hà Nội cho biết, từ mốc thời gian này, 10 tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm sẽ được thí điểm cấm xe cơ giới lưu hành để chuyển thành phố đi bộ vào các tối của 3 ngày cuối tuần. Sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm đến Tết âm lịch 2017, đề án này sẽ được áp dụng chính thức nếu đạt kết quả tốt.

Nhiều phát sinh...

Thực tế, từ hơn chục năm qua, ý tưởng biến không gian quanh Hồ Gươm thành trục phố đi bộ cũng đã được giới quy hoạch liên tục nhắc tới. Đặc biệt, sau khi nhiều tuyến phố đi bộ từ khu phố cổ vắt sang Hồ Gươm được tổ chức vào các năm 2004 như Hàng Ngang, Hàng Đào và 2014 là Đào Duy Từ, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện..., điều này dường như chỉ còn là vấn đề thời gian.

"Đơn giản, hầu như bất cứ mỗi thành phố lâu đời nào trên thế giới cũng đều có không gian đi bộ cho riêng mình. Với Hà Nội, việc lựa chọn Hồ Gươm, biểu trưng văn hóa lịch sử lâu năm của thành phố, là tự nhiên và tất yếu" – PGS Nguyễn Quốc Thông, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết.


Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn... sẽ là điểm nhấn trung tâm trên tuyến phố đi bộ quanh hồ Gươm. Ảnh: Quốc Khánh-TTXVN

Nhưng, cũng rất nhiều lần, kế hoạch xây dựng không gian đi bộ quanh Hồ Gươm được giới chuyên môn chỉ ra những khó khăn trong việc triển khai và chuẩn bị, mà cụ thể nhất là việc xử lý tổng thể các vấn đề về phân luồng giao thông, cũng như quy hoạch các bãi gửi xe lân cận.

KTS Trần Huy Ánh cho biết: "Tuyến phố Đinh Tiên Hoàng – Lê Thái Tổ - Hàng Khay chạy quanh Hồ Gươm được người Pháp quy hoạch theo loại hình boulevard, nghĩa là đường trục trung tâm có trồng cây. Trục giao thông này giữ vai trò quan trọng như một tuyến đường xuyên tâm Bắc – Nam của Hà Nội. Nếu cấm xe, việc đảm bảo không tắc nghẽn tại các tuyến phố nhỏ chạy song song với trục đường này cần được tính rất kĩ".

Khi ý tưởng thành lập phố đi bộ Hồ Gươm trong 2 ngày cuối tuần được đưa ra, KTS Hoàng Thúc Hào, từng giành giải nhì cuộc thi thiết kế không gian Hồ Gươm do UBND TP Hà Nội tổ chức năm 2008, cũng từng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa những băn khoăn về mở các bãi gửi xe biệt lập quanh Hồ Gươm.

Theo KTS Hoàng Thúc Hào, giá đất quanh Hồ Gươm vô cùng đắt và không dễ xây dựng những bãi gửi xe cao tầng. Có nghĩa, nếu sử dụng phương tiện cá nhân, lượng du khách tới đây trong những ngày cuối tuần sẽ rất lúng túng vì tìm "bước trung gian" trước khi vào phố đi bộ.

Nhưng không bàn lùi

Tuy vậy, khi chia sẻ với Thể thao & Văn hóa, các KTS Hoàng Thúc Hào vẫn bày tỏ sự đồng tình với kế hoạch xây dựng phố đi bộ Hồ Gươm mà Hà Nội đang triển khai. Cho dù, theo dự kiến, không gian đi bộ mới này không chỉ "bao" hết Hồ Gươm, mà còn mở rộng ra những trục phía Đông Nam như Đinh Lễ, Lê Lai, Nguyễn Xí...

Thạc sĩ, KTS Lại Thành Tín, nhận xét: "Tôi hy vọng, sau một thời gian thí điểm, chúng ta không "lùi về" với những phương án theo kiểu chỉ tạm thời... đi bộ một phần quanh Hồ Gươm và vẫn để một trục Hàng Khay hoặc Lý Thái Tổ lưu thông xe. Làm theo cách đứt đoạn như vậy, không gian đi bộ quanh hồ không thể trọn vẹn. Có thể, vận hành được vài tháng, kế hoạch này sẽ gặp những phức tạp nhất định. Nhưng, những khó khăn ấy cần được nghiên cứu trên thực tế để khắc phục tiếp, chứ không thể là lý do để việc tổ chức đi bộ quanh hồ lại bị đẩy tiếp về thì tương lai".

Thẳng thắn, KTS Tín cho rằng ở thời điểm hiện tại, những du khách muốn chiêm nghiệm không gian đi bộ quanh hồ hãy chấp nhận phương án gửi xe từ xa hoặc đi bus tới các điểm dừng gần đó rồi... đi bộ thêm vài trăm mét.

KTS này dẫn chứng: "Câu chuyện này cũng giống như chuyện đi cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng hoặc vào hang Sơn  Đoòng. Nghĩa là, nếu thật sự yêu quý và trân trọng Hồ Gươm, thì thêm vài bước chân qua các tuyến phố không là điều gì đáng kể".

Ở góc độ cá nhân, KTS Trần Huy Ánh cũng cho rằng đề án này của Hà Nội cho thấy "Sự dũng cảm cần được hoan nghênh”.

KTS Trần Huy Ánh khẳng định: “Ai cũng hiểu, để thành công, một phố đi bộ đúng nghĩa cần rất nhiều yếu tố về cảnh quan, tiện ích, sự tương tác với không gian xanh và hệ thống dịch vụ. Khi đã quyết như vậy, chúng ta cứ làm theo tinh thần "ném đá dò đường" để điều chỉnh và hoàn thiện dần không gian đi bộ này trong tương lai".

Theo KTS Ánh, quanh Hồ Gươm, khu vực 2 phố Đinh Lễ, Nguyễn Xí vốn đã tiềm ẩn nhiều yếu tố để trở thành phố đi bộ khi là những con phố ngắn, thu hút lượng khách tới mua sách hàng ngày khá đông và khiến xe cơ giới ít chạy qua. Trước mắt, trong hệ thống phố đi bộ quanh Hồ Gươm, 2 con phố này cần được tổ chức không gian thật tốt, đồng thời tạo ra hiệu ứng dây chuyền để du khách bước sang những trục phố xung quanh...

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm