Ngẫm ngợi cuối tuần: Mẹ tôi kể...

02/08/2014 08:31 GMT+7

(giaidauscholar.com) - “Tôi tuổi Tí, sinh năm 1911. Lên ba tuổi mất mẹ. Lúc ấy chưa biết đi và chưa biết nói, còi cọc lắm.Tôi được một người trong họ nhận nuôi. Bà ấy nói với bố tôi rằng: Nuôi hộ bác đến mười tám tuổi tôi trả lại cháu.

Y hẹn, mười tám tuổi tôi được trả về. Bố vẫn đi dạy học xa. Tôi ở với anh trai và chị dâu một thời gian. Anh chị cũng không mắng mỏ gì. Nhưng rồi tôi vẫn quyết định ra ở riêng, vì nghĩ rằng sớm muộn gì thì cũng đi lấy chồng, không thể ở với anh chị mãi được, tự lập sớm ngày nào cho quen ngày ấy. Mười tám tuổi, nhưng người yếu lắm. Đi chợ gánh được ba nhăm cân là phải cố. Mình làm mình ăn thôi, ăn ít thì làm ít vậy. Nhưng có lần gặp món hàng rẻ, cố một tí, nặng hơn nên tham, mua thì phải gánh, thế mà đau bại mấy ngày, tưởng gẫy chân.

Hai mươi mốt đi lấy chồng. Ăn hỏi rồi nhưng lại vướng tang, nên lại hoãn một năm…”.

Câu chuyện của mẹ tôi thường đứt quãng. Bà nhớ đâu nói đấy nhưng trí nhớ thật hơn người. Mặc dầu không biết chữ nhưng đi chợ buôn rau buôn cỏ chợ nọ chợ kia mãi, quen tính nhẩm, biết làm tròn các số khi nhân chia cộng trừ nên thường nhanh hơn người cầm bút tính trên giấy.

Cho đến 2013, lúc vào tuổi 103, bà vẫn còn nhớ ngày sinh tháng đẻ của bảy anh chị em tôi vào những năm nào. Không những thế, đám con ông anh trưởng ở quê bà cũng nhớ như in ngày tháng năm sinh của từng người.

Bà dạy con cái rất cẩn thận. Tôi còn nhớ năm 11 tuổi, tôi học lớp hai. Một buổi đi học sớm nhặt được gói giấy, giở ra có trên bốn đồng. Tôi đưa khoe với mẹ, mẹ bảo: Đưa cho u để u trả lai cho người ta. Bốn đồng rưỡi này là tiền cả một gánh rau nặng đây! Tôi bảo sao u biết thì mẹ bảo: Nhìn gói giấy là u biết của ai rồi, u có rất nhiều bạn cùng đi chợ con ạ.

Ngày hôm sau đi bán rau về, mẹ đưa cho tôi tấm mía và cái bánh tẻ. Lần đầu một mình được quà to thế. Thấy tôi ngạc nhiên, mẹ bảo: “U trả người ta, được cảm ơn và cho quà con đây”. Tôi tin là thật. Nhưng mãi sau này mới nghĩ ra rằng mẹ nói dối, không muốn để con cầm tiền rồi nuôi lòng tham. Đó có lẽ là lời nói dối duy nhất của mẹ với tôi để dạy cho con tính thật thà. Sau này tôi hiểu ra nhưng không bao giờ hỏi lại để mẹ tin rằng con cái luôn tin tưởng ở mẹ.

Một đời không biết chữ. Thời con gái rất ngắn. Sinh con đầu năm 23 tuổi và rồi sinh tiếp hai con nữa cho đến năm 1945 cả nhà kéo lên xã Bản Ngoại, tỉnh Thái nhận ruộng phát canh của chủ đồn điền Bùi Huy Khuê sinh sống. Mẹ sinh thêm sáu đốt nhưng bỏ mất hai, còn bốn.

Cuộc đời mẹ là chuỗi ngày vất vả trên đồng ruộng và còn chút thời gian thì chợ búa nhặt nhạnh nuôi cả đàn con. Ba năm từ 1957 đến 1959 gia đình bị quy sai là phú nông, bị bài xích đày đọa, gây quá nhiều uất ức. Nhưng sau năm 1959 thành phần gia đình được sửa sai, bà đã dần tha thứ cho những người từng điêu toa đấu tố, lại đi lại đối xử bình thường. Mẹ tôi bảo rằng: “Họ cũng là người tốt, chỉ vì ngu nên nghe xui dại thôi. Giờ người ta biết rồi còn chấp làm gì”.

Suốt đời mẹ tôi sống bình dị, vì con cái và gia đình, nuôi nấng bảy người con trưởng thành, hòa thuận với làng xóm, gần gũi với mọi nhà, đó là thành tích lớn duy nhất của bà với đất nước.

Sinh ngày 25/8/1911 tại thôn Hiệp Phù, tổng Nành, huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh và lên đất Bản Ngoại, Đại Từ này từ đầu năm1945 và ở lại cho đến ngày hôm nay với đàn con cháu. Đây trở thành quê hương thứ hai của mẹ, và cũng là của chúng tôi từ ngày ấy. Chúng tôi gắn bó mãi mãi với mảnh đất này.

Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm