Không thể để 'thợ trùng tu' phá di tích

18/07/2014 07:15 GMT+7 | Di sản

(giaidauscholar.com) - Thái độ sai, trình độ kém, nhận thức yếu thì không thể trùng tu được di tích. Bởi đã không hiểu di tích, không có sự bảo hộ chuyên môn ắt dẫn đến tu bổ không có cơ sở khoa học, sai pháp luật khiến di tích bị phá hoại. Và câu hỏi nghiêm túc lúc này là: Có nên để đơn vị như vậy trùng tu nữa không?

Đó là quan điểm của GS Trần Lâm Biền về sự vụ “thảm họa” trùng tu tại di tích quốc gia chùa Sổ (Thanh Oai, Hà Nội) mà TT&VH đã đưa tin trên số báo hôm qua.

Căm giận với trùng tu

GS Biền kể: Cách đây chừng nửa tháng, tôi có xuống chùa Sổ tham khảo các mẫu tượng để làm tượng Quang Trung. Tượng chùa Sổ là điển hình của điêu khắc thế kỷ 17. Những mảng chạm đẹp đặc sắc như những chữ viết thời xưa gửi tới cho đời sau về tâm tình, ước vọng của tổ tiên.

“Song khi thấy hiện trạng đăng tải trên báo chí, tôi không những thấy xót xa mà còn căm giận. Không căm giận sao được khi nhìn những mảng gốm lớn với hổ phù và những nét đao mác nay bị vứt chỏng chơ như đồ bỏ. Hiện, chùa Sổ là số ít chùa còn giữ được những mảnh gốm độc đáo này. Nhưng nay vỡ nát cả rồi còn đâu.”- GS Trần Lâm Biền nói.


Những bức tượng quý chùa Sổ đang là mối quan ngại lớn nhất với các học giả. Ảnh: Phạm Mỹ

Đồng tình với GS Trần Lâm Biền, ông Trần Hậu Yên Thế, Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho hay: “Nếu nhìn từ nền móng, với cách hạ giải như vậy, những viên gạch có hoa văn hình long, phượng, hổ viền quanh thềm sẽ là hạng mục đầu tiên bị xâm phạm. Dạng thức hoa văn này chỉ còn thấy lác đác một số di tích như chùa Bối Khê, chùa Đậu. Với kiểu thức trang trí kiến trúc  rất đặc sắc này cần có giải pháp bảo vệ nghiêm cẩn khi trùng tu. Nhưng đơn vị thi công không làm được điều đó”.

GS Biền cũng thẳng thắn rằng, những người thi công coi tu bổ như sửa nhà cửa chứ không phải tu bổ di sản văn hóa. Cần nhắc lại, đây là tu bổ chứ không phải tu sửa. Tu sửa chỉ lo phần vỏ vật chất bên ngoài, không chú tâm vào tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của công trình. Việc nhầm lẫn này dẫn tới thảm họa “trùng tu” như Thể thao& Văn hóa đã nêu.

Phải bảo vệ tượng cổ bằng mọi giá

Ngoài những bức xúc về cách hạ giải và xây mới di tích, điều các chuyên gia đau đáu nhất vẫn là việc bảo vệ hệ thống tượng có giá trị riêng có của chùa Sổ. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, cán bộ Cục Mỹ thuật Triển lãm Nhiếp ảnh (Bộ VHTTDL) cho hay: “Chùa Sổ là di tích duy nhất hiện nay còn bảo lưu được hệ thống tượng thờ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17. Tượng ở đây quý hiếm không phải bởi tuổi đời của nó, mà qua các bức tượng những nhà nghiên cứu còn khai thác được đặc điểm tạo tượng, trang phục, hoa văn trang trí, cách bày đặt tượng của giai đoạn thời Lê - Trịnh. Nên việc bảo vệ tượng cổ bằng mọi giá trong quá trình trùng tu là tối quan trọng.”

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế thực sự lo ngại: “Chúng ta trùng tu để ngôi chùa có một cơ ngơi khang trang xứng đáng với những bức tượng vào hàng kiệt tác trong di sản mỹ thuật Việt. Giá trị và ý nghĩa của việc trùng tu sẽ không còn nếu sau thời gian sửa sang ngôi chùa các bức tượng bỗng nhiên biến mất!?”.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm