08/11/2019 19:08 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á tại Hà Nội – Việt Nam 2019, vừa khai mạc hôm 5/11 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) Hà Nội, và còn kéo dài đến 25/11 tới.
Đây có thể coi là lần đầu tiên tính từ Đổi mới, chúng ta mời được các nghệ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc tiêu biểu hàng đầu châu Á đến Hà Nội để giao lưu, gặp gỡ và trưng bày giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật. Ngày Cuối tuần, chúng ta cùng dạo qua triển lãm để thưởng lãm cuộc hội tụ hiếm hoi này.
Do Cục Mỹ thuật, Nhiếp Ảnh và Triển lãm và Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) phối hợp tổ chức, triển lãm giới thiệu 81 tác phẩm của 27 tác giả đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, trong đó có 8 nghệ sĩ Việt Nam. Đó là Đặng Xuân Hòa (1959), Trần Lưu Hậu (1928), Lê Quang Hà (1963), Đỗ Hoàng Tường (1960), Tạ Quang Bạo (1941), Lê Lạng Lương (1974), Khổng Đỗ Tuyền (1974) và Trần Văn An (1981).
Sự hội tụ đa dạng các hình thức biểu đạt nghệ thuật tạo hình từ hội họa, điêu khắc cho đến nghệ thuật sắp đặt góp phần làm phong phú diện mạo chung của Triển lãm bằng những tiếng nói mới mẻ và khác biệt. Cùng với đó là xu hướng kết hợp, hòa quyện, xóa nhòa ranh giới của các loại hình nghệ thuật, tạo lập một không gian đa chiều giàu tính thẩm mỹ, giúp công chúng đến với triển lãm có thể thưởng thức nghệ thuật một cách trọn vẹn nhất.
Mang tới triển lãm hai bức sơn dầu trên vải là Thời gian trôi qua và Mặt trăng và Mặt trời, họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho rằng, thực ra tất cả những bức tranh tại triển lãm là đời sống của người họa sĩ đã sống một thời gian dài, có niềm vui, có khát khao và có cái dường như là số phận trong đó. Mỗi họa sĩ là một cách nhìn khác biệt. Từ đó thúc đẩy mỗi người nghệ sĩ Việt Nam càng ngày càng phải thay đổi, tìm được thứ gần mình nhất, là của mình để thể hiện. Đó là cái riêng của mình, không thể hòa lẫn với thể giới. Có thể hòa hợp, hòa đồng nhưng không bao giờ hòa lẫn.
Trong khi đó, các tác phẩm điêu khắc tại triển lãm lại có được sự sáng tạo vô biên về tạo hình trên các chất liệu đặc biệt. Ví như tác phẩm Vô đề từ gốm và cành cây của họa sĩ Lê Lạng Lương hay tác phẩm Con gái, tác phẩm Bão tình bằng đồng của nhà điêu khắc kỳ cựu Tạ Quang Bạo…
“Vũ trụ bí ẩn của văn hóa Á châu”
“Văn hóa và nghệ thuật châu Á luôn ngẩng cao đầu với nhân loại”. Đó là chia sẻ của họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch), đồng thời là Giám tuyển nghệ thuật của Triển lãm này.
Đối sánh giữa các vùng trên thế giới, châu Á có thể bị xếp vào “vùng trũng” của bóng đá, của thể thao, nhưng văn hóa và nghệ thuật châu Á thì không bao giờ như vậy. Ngược lại, văn hóa và nghệ thuật châu Á luôn ngẩng cao đầu với nhân loại và thế giới. Nói như cách của họa sĩ Vi Kiến Thành thì “những người nghệ sĩ châu Á có bệ đỡ của tư tưởng triết học phương Đông, của văn hóa Á châu tâm linh kỳ bí”. “Bản thân mỗi bản thể nghệ sĩ là vũ trụ bí ẩn của văn hóa Á châu” – ông nói. Đây cũng chính là một trong những tiêu chí để tuyển chọn những tác phẩm của nhiều nghệ sĩ tiêu biểu tại mỗi quốc gia trưng bày tại triển lãm mỹ thuật của các tác giả hàng đầu châu Á.
Như một cách khai mở phần nào đó “vũ trụ bí ẩn” của những người nghệ sĩ châu Á, những tác phẩm của các nghệ sĩ hàng đầu như: U Lun Gyme (Myanmar), Awang Damit Ahmad (Malaysia), Fil Delacruz (Philippines), Leo Hee Tong (Singapore), Dr. Kamol Tassananchalee (Thái Lan), họa sĩ danh tiếng Trần Lưu Hậu, nhà điêu khắc nổi tiếng Tạ Quang Bạo của Việt Nam,…trưng bày tại triển lãm đã thể hiện một cách rõ nét các tiêu chí về sự giao thoa văn hóa, đặc trưng bản địa cùng chất lượng, uy tín nghệ thuật của các tác giả.
Kết nối nghệ thuật toàn cầu… nhưng cần chú trọng bản sắc
Phát biểu tại triển lãm, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông cho rằng, sự kiện này sẽ là khởi đầu cho các hoạt động nghệ thuật chất lượng cao mang tầm quốc tế do Việt Nam đăng cai tổ chức để kết nối, trao đổi nghệ thuật giữa các nước.
Việc quy tụ được những nghệ sĩ hàng đầu châu Á tại triển lãm chính là dịp để nghệ thuật Việt Nam nói chung và mỹ thuật Việt Nam nói riêng xác định vị trí của mình trong sự phát triển của văn hóa – nghệ thuật toàn cầu. Đồng thời đây cũng là cơ hội để văn hóa – nghệ thuật Việt Nam có thể hội nhập toàn cầu một cách toàn diện và sâu rộng.
“Tính toàn cầu khi hòa nhập một cách toàn diện, chính lúc này người nghệ sĩ phải nghĩ đến những yếu tố bản sắc. Điều này cần thiết không chỉ riêng với nghệ sĩ Việt Nam mà cả nghệ sĩ quốc tế. Khi đạt được ở ngưỡng ngang bằng với nhau về toàn cầu, đòi hỏi người nghệ sĩ phải bước thêm một bước nữa để khi hòa nhập phải bộc lộ được bản sắc trong từng cá nhân” – họa sĩ Vi Kiến Thành bày tỏ quan điểm.
Cũng theo họa sĩ Vi Kiến Thành thì bản chất của sáng tạo nghệ thuật là từ lịch sử văn hóa, từ thực tế cuộc sống đương đại nghệ sĩ đưa ra những ý tưởng sáng tác mà phần lớn ý tưởng là đi trước tư duy đang hiện hữu của cuộc sống. Họ là những người tiên phong, mở đường cho những ý tưởng lãng mạn, khác thường, thậm chí là viển vông, những ý tưởng đó có giá trị đặc biệt là khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo, kích thích người ta dám thay đổi tư duy, mở rộng không gian vũ trụ mới trong nhận thức và tư tưởng của con người.
Sáng tạo nghệ thuật dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần đến màu riêng của người nghệ sĩ. Giống như công việc “đãi cát tìm vàng” người nghệ sĩ bất cứ ở một quốc gia nào, ở bất cứ một thời đại nào, theo đuổi một trường phái nghệ thuật nào cũng cần miệt mài sáng tạo, tìm tòi để có cho mình một hình sắc riêng. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập toàn cầu về mọi mặt như hiện nay, việc giữ gìn bản sắc cá nhân là vô cùng quan trọng!
Chính bởi sự xuất hiện của những cá tính sáng tạo nghệ thuật khác biệt, không trộn lẫn với nhau nên sự quy tụ những tác phẩm trong Triển lãm mỹ thuật của các nghệ sĩ tiêu biểu châu Á tại Hà Nội - Việt Nam 2019 có khả năng đánh động mọi giác quan của người xem, đích đến cuối cùng là khơi gợi và nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mỹ nơi công chúng.
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất