Ngẫm từ cuộc tranh cãi về tuổi thanh xuân: Bạn chỉ sống một lần, và người khác cũng thế

08/08/2018 07:14 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Những ngày vừa qua, cuộc tranh cãi xung quanh một phim ngắn về tuổi thanh xuân lại khiến cộng đồng đặt nhiều câu hỏi xung quanh triết lý sống của tuổi trẻ hiện đại.

YOLO - You Only Live One (Bạn chỉ sống một lần) là một trong những tuyên ngôn tiêu biểu nhất của thế hệ trẻ hiện nay. Ý nghĩa phía sau câu nói này là hãy trân trọng từng ngày được sống trên đời.

Đây là một lý tưởng rất cao đẹp nhưng đã bị không ít người trẻ cố ý hiểu sai, để rồi lấy đó biện minh cho những hành động thiếu suy nghĩ của mình…

Theo những nghiên cứu về lứa tuổi thanh niên, thì đây là giai đoạn hình thành “cái tôi”, nảy sinh cảm nhận về sự trưởng thành của bản thân, và bắt đầu hình thành thế giới quan trong cuộc sống. Ham muốn được khám phá thế giới bắt đầu được len lỏi trong những người trẻ.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đó là lý do văn hóa xê dịch được người trẻ ở khắp nơi hưởng ứng nhiệt tình. Vì chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống, thế nên vì sao không đi khắp nơi cho thỏa chí tang bồng. Những giai điệu của “Đưa nhau đi trốn”, “Cho tôi đi theo”, “Bài ca tuổi trẻ",… vẫn đang vang lên khắp nơi cổ vũ tinh thần tuổi trẻ xách ba lô lên và đi.

Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như việc thỏa mãn “cái tôi” của người trẻ không ngừng gây ảnh hưởng tới người khác. Cách đây không lâu, một nhóm phượt thủ bị bắt gặp nằm ngủ ven đèo Bình Thuận. Hè năm ngoái, người ta đã chứng kiến chân núi Hàm Lợn, Sóc Sơn, Hà Nội ngập rác thải sau những chuyến “đổ bộ” của dân phượt. Phượt thủ trộm rau su su của dân địa phương, lạng lách đánh võng, phá vườn hoa chỉ để có một vài bức ảnh đẹp… Những ví dụ để minh họa cho bức tranh “xê dịch thiếu ý thức” vẫn còn rất nhiều.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những vết bút xóa ghi tên họ lên thân cây, mảng tường tại rất nhiều điểm du lịch. Tới bức tường vàng nổi tiếng của Tiệm bánh Cối Xay Gió ở Đà Lạt cũng thỉnh thoảng được “ưu ái” vài bức vẽ bậy để rồi phải sơn lại liên tục. Những nội dung được ghi nguệch ngoạc trên đó thường là tên người, chữ ký, dấu hiệu riêng. Giống như là đóng một dấu ấn cá nhân vào cuộc đời. Thật đáng tiếc! Thông điệp mà chúng đem lại chỉ là sự phiền phức và thiếu văn hóa.

Giống như câu chuyện trong phim ngắn “Chuyến đi của thanh xuân” mới được đăng tải gần đây. Mọi người tranh cãi về hành động quẹt sơn màu vào đế giày và đi khắp nơi xung quanh Đà Lạt để “in dấu chân tuổi trẻ”. Sự phản đối của dư luận đã khiến ê-kíp sản xuất phải có lời xin lỗi. Bởi chẳng lẽ chỉ cần viện cớ tuổi trẻ thì thích làm gì thì làm? Chẳng lẽ “cứ sai đi vì cuộc đời cho phép”?

Thật ra không ai trong chúng ta là có thể hoàn toàn tránh được những sai lầm. Vấn đề là thái độ của mỗi người đối với những sai lầm đó ra sao. Bạn sẽ được chào đón và chấp nhận nếu coi sai lầm như những bài học, những kinh nghiệm đắt giá để hoàn thiện bản thân. Nhưng nếu bạn biết đó là sai mà cứ làm chỉ vì sở thích cá nhân, thì hãy coi chừng hệ lụy xảy ra.

Dẫu rằng cuộc sống hữu hạn và bạn chỉ sống một lần trên đời, nhưng rồi bạn vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm cho những gì mình gây ra. Trên thực tế nhiều khi bạn không đủ khả năng. Sẽ có những sai lầm không thể nào cứu vãn và để lại hậu quả cho rất nhiều người. Hãy tôn trọng cuộc sống của người khác. Họ cũng như bạn, chỉ được sống một lần trên đời. Đừng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác chỉ bằng những hành động ích kỷ của bản thân.

Khi phượt thủ 'phá' nhiều hơn 'khám'

Khi phượt thủ 'phá' nhiều hơn 'khám'

Mới đây, khi báo chí đưa tin vụ các phượt thủ (du lịch tự khám phá) đập chóp tọa độ của núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, trên mạng đã có những lên án kiểu như: “Dân phượt - nghĩ mà sợ!”. Đây không chỉ là giọt nước làm tràn ly một vài lần, bởi “chuỗi thành tích” phá hoại của các phượt thủ dài hơn cả một tờ sớ và trải dọc từ Nam chí Bắc.

Hạ Hồng Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm