Ngẫm về những phận người 'nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương'

25/07/2014 08:48 GMT+7

(giaidauscholar.com) - 1. Gần đây, dư luận xôn xao về chuyện cho nhận con nuôi. Ngoại thành Hà Nội có chùa Bồ Đề rất đặc biệt và nổi tiếng. Bởi nơi đó không chỉ văng vẳng tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ, mà còn có tiếng khóc, tiếng bi bô của hàng trăm trẻ thơ, những sinh linh bị bỏ rơi... được chùa nuôi dưỡng. Nhưng tất cả bỗng dưng chao đảo trước nghi vấn về việc cho nhận con nuôi.

Trẻ em luôn là những điểm nhạy cảm của cộng đồng và hình ảnh đứa trẻ cô đơn không nơi nương tựa luôn dễ làm lay động nhân tâm con người trong bất cứ xã hội nào.

Có một đứa trẻ từng được cho đi làm con nuôi từ thủa lọt lòng: Steve Jobs. Trong bài diễn văn bất hủ trước hàng nghìn sinh viên trường Đại học Stanford, điều đầu tiên Steve Jobs nói tới ký ức thủa lọt lòng bị bỏ rơi.

Mẹ ruột Steve là một nữ sinh viên trẻ, độc thân và bà đã quyết định cho con đi làm con nuôi của những người đã tốt nghiệp đại học. Vì thế, tất cả mọi chuyện đã được sắp đặt để Steve Jobs trở thành con nuôi của một cặp vợ chồng luật sư.

Tất cả chuyện đó đã bị thay đổi ở phút cuối khi chú bé vừa cất tiếng khóc chào đời, vợ chồng nọ đã đổi ý và muốn nhận một đứa bé gái làm con nuôi chứ không phải Steve Jobs.

Cuối cùng, mẹ nuôi của cậu bé là một người chưa tốt nghiệp đại học và bố nuôi chưa tốt nghiệp trung học, nhưng họ đã làm tất cả để cậu bé được đi học đại học. Những người nghe đã lặng đi xúc động trong sự cảm phục. Bởi ai cũng thấy Steve Jobs đã thành công như thế nào.

2. Chúng ta còn nhớ trong Không gia đình của Hector Malot, Rémi, một em bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc chó, khỉ, rồi dẫn đầu đoàn ấy đi lưu lạc khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh. Em bé Rémi ấy đã lớn lên trong gian khổ. Em đã chung đụng với mọi hạng người, sống khắp mọi nơi và tôi nhớ mãi câu đúc kết của Hector Malot về tuổi thơ của em: "Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương".

Em đã lao động để sống, dưới sự dạy dỗ của một ông già từng trải và đạo đức. Dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn giữ cho mình lòng tốt, sự ngay thẳng và sự hy sinh.

Để rồi một ngày hạnh phúc đã mỉm cười với Rémi. Em đã gặp lại người mẹ của mình, được đoàn tụ được với gia đình và  trở thành người có ích, đền đáp lại công ơn của những người đã giúp đỡ mình.

Không gia đình đã vượt qua biên giới nước Pháp và tồn tại mãi mãi với thời gian. Nhưng chúng ta cũng đã từng thấy một người không gia đình khác, Chí Phèo: “Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên một lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và đem về cho một người đàn bà góa mù". Và chúng ta đã thấy Chí Phèo bị hủy hoại trong một xã hội bất lương như thế nào.

Những đứa trẻ không được chọn bố mẹ trước khi sinh ra, nhưng trớ trêu, những người tạo ra chúng lại có quyền từ bỏ. Đứa trẻ ấy hoàn toàn phụ thuộc vào sự sắp xếp của số phận và cuộc đời của em phía trước hoàn toàn có thể đổi thay từ một hành xử nhỏ của người lớn.

Vì vậy, khi đề cập đến câu chuyện này, chỉ mong người lớn hãy thận trọng và nhân từ.

Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm