20/01/2022 14:00 GMT+7 | Tin tức 24h
(giaidauscholar.com) - Quan điểm bao trùm của Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về triển khai chống dịch COVID-19 là "thích ứng an toàn, linh hoạt" trong tình hình mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có công văn số 4726/BGDĐT-GDTC để thúc đẩy việc mở cửa trường học, theo đó các địa bàn có nguy cơ thấp hoặc trung bình cho học sinh học trực tiếp.
Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố vẫn "án binh bất động", chưa mở cửa trường học trở lại. Trong khi đó, có những địa phương trong tâm dịch nhưng đã kịp thời thực hiện nhiều giải pháp để linh hoạt mở cửa trường học, duy trì hoạt động giáo dục an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục.
Kiên trì "mục tiêu kép"
Tính đến ngày 18/1/2022, mặc dù F0 vẫn còn nhiều và phát sinh hàng ngày, tỉnh Bắc Giang vẫn có 543 trường tổ chức dạy học trực tiếp.
Ông Mai Sơn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Bắc Giang trở thành tâm dịch từ tháng 5/2021, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, trong đó có ngành Giáo dục. Theo đó, học sinh các cấp học phải tạm dừng đến trường để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Thời điểm tháng 5/2021, có 372/760 cơ sở giáo dục Bắc Giang được trưng dụng làm khu cách ly, hầu hết các trường mầm non, tiểu học trở thành khu cách ly. Hàng trăm học sinh và cán bộ giáo viên thuộc diện F0; gần 9.000 học sinh và giáo viên thuộc diện F1; gần 20 ngàn học sinh và giáo viên thuộc diện F2 phải cách ly y tế. Cao điểm nhất, ngày 10/1/2022, toàn tỉnh có 456 học sinh F0 và đến ngày 18/1/2022, vẫn còn 362 học sinh và 22 giáo viên F0.
Hầu hết cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành Giáo dục đều tham gia các mặt trận phòng, chống dịch tại địa phương. Nhiều người trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch, chăm sóc bệnh nhân trong khu cách ly, hỗ trợ ngành Y tế, công an, quân đội...
Trong bối cảnh này, theo ông Mai Sơn, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Giáo dục chủ động linh hoạt, thích ứng an toàn, kiên trì "mục tiêu kép" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, tổ chức đa dạng các hình thức dạy học để bảo đảm nội dung, chương trình. Từng nhà trường xây dựng 3 kịch bản, 3 phương án tổ chức dạy học để sẵn sàng, chủ động trước mọi tình huống của dịch, ứng phó với mọi cấp độ dịch: Dạy học trực tiếp khi dịch được kiểm soát tốt; Dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến khi có học sinh và giáo viên không thể đến trường; Dạy học hoàn toàn trực tuyến khi học sinh hoặc giáo viên không thể đến trường.
Thời gian vàng của Bắc Giang từ tháng 9 đến 26/10/2021, các cơ sở giáo dục tổ chức học trực tiếp. Ngày 27/10/2021, dịch bùng phát tại Thượng Lan (Việt Yên), sau đó lan nhanh ở nhiều địa phương, toàn ngành nhanh chóng chuyển trạng thái sang tổ chức dạy học trực tuyến. Bắc Giang đã triển khai mô hình lớp học 2 trong 1, xây dựng 1 lớp học trực tuyến trên mỗi khối lớp để các học sinh ở khu cách ly vẫn có thể học tập, giáo viên cách ly vẫn tham gia giảng dạy trực tuyến.
Đến ngày 18/1/2022, toàn tỉnh chỉ còn 17 trường tổ chức dạy học trực tuyến; 189 trường tổ chức dạy học kết hợp và 11 trường mầm non cho trẻ nghỉ học.
Với cách làm sáng tạo này, trong tình huống nào, ngành Giáo dục vẫn có thể duy trì hoạt động dạy học, không bị gián đoạn, ứng phó với dịch trong mọi tình huống. Bắc Giang là một trong số ít tỉnh không phải điều chỉnh thời gian năm học 2020-2021, hoàn thành nội dung chương trình và chất lượng giáo dục.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh - một trong những địa phương là tâm dịch, việc mở cửa trường học cũng đang được tiến hành từng bước. Sau khi thí điểm cho học sinh xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) đi học trực tiếp vào đầu tháng 11/2021, từ ngày 13/12/2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai dạy học trực tiếp cho học sinh khối 9 và 12, từ ngày 4/1/2022 đối với khối 7, 8, 10, 11.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ đến trường của học sinh khối 7 đến khối 12 đạt 98,48%. Qua 20 ngày tổ chức học trực tiếp, có 130 trường hợp mắc COVID-19 là giáo viên, nhân viên và học sinh. Tất cả các trường hợp đã được xử lý theo kịch bản xây dựng nên việc dạy và học tại các trường vẫn triển khai bình thường.
Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã có văn bản đề xuất tổ chức dạy trực tiếp với bậc mầm non, Tiểu học và khối lớp 6, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ, từ 7/2/2022. Các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã lên kế hoạch cho sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp sau Tết nguyên đán.
Củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Trên cơ sở khảo sát, đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương, chuyên gia… có thể thấy, sau một thời gian dài nhiều địa phương do dịch bệnh chuyển sang dạy học trực tuyến đã phần nào duy trì nhịp độ học tập và bảo đảm tiến độ. Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn việc dạy học gián tiếp với các hình thức qua internet, trên truyền hình, thì tác động tiêu cực sẽ lớn dần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, cũng như sức khỏe thể chất, tinh thần của cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan.
Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, khi tỷ lệ tiêm vaccine trong cộng đồng cao, trong đó có đối tượng học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi; kinh nghiệm phòng, chống dịch, điều kiện y tế dự phòng, thuốc chữa được tăng cường; chúng ta có đầy đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện để quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc đưa học sinh quay trở lại trường học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo các địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục cần khẩn trương, kiên quyết, chu đáo để đưa học sinh quay trở lại trường.
Học sinh từ 12 đến dưới 18 tuổi đã được tiêm vaccine, việc cho các em đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên đán là phù hợp. Với trẻ Mầm non, học sinh Tiểu học, các địa phương cần có sự chuẩn bị khẩn trương, trong đó chuẩn bị về tư tưởng, nhận thức là hết sức quan trọng để tạo sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, các cấp, các ngành; đặc biệt là sự đồng thuận, hợp tác của phụ huynh.
Bộ trưởng cũng khẳng định, không có phương án tuyệt đối đáp ứng mọi yêu cầu nhưng phải chọn phương án tốt nhất, mà tốt nhất ở thời điểm hiện tại là nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường. Bộ trưởng cũng lưu ý các địa phương tránh rơi vào 2 trạng thái cực đoan: hoặc e dè chần chừ thái quá trong mở cửa, hoặc khi chuyển sang trạng thái mới tích cực đưa học sinh tới trường lại chủ quan, chuẩn bị không chu đáo, phó mặc cho nhà trường, thầy cô…
Về một số việc cần làm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản chỉ đạo điều chỉnh về cách xác định cấp độ dịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo đó cũng sẽ ban hành văn bản điều chỉnh các văn bản cũ để phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế trong tình hình mới. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ có thêm một số hướng dẫn cho bậc mầm non để tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai.
Trước khi học sinh quay trở lại trường, theo Bộ trưởng, cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và học sinh. Trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, kỹ năng khác. Bởi sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp học sinh ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp nên cần có những hỗ trợ để học sinh hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp.
Với hình thức dạy trực tuyến đã được xác lập trong 2 năm qua và tạo ra cú hích thúc đẩy công nghệ thông tin, chuyển đổi số của ngành Giáo dục, Bộ trưởng lưu ý, không vì học sinh trở lại học trực tiếp mà lãng phí hình thức dạy học này; ngược lại, cần tăng cường những yếu tố tích cực của dạy học trực tuyến để hỗ trợ dạy học trực tiếp. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trọng tâm của năm 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo. Vì vậy, khi học sinh đi học trực tiếp, các nhà trường cần tập trung hỗ trợ kiến thức, tâm lý cho học sinh, thực hiện đánh giá, phân nhóm phù hợp để hỗ trợ hiệu quả.
Thời gian qua, các địa phương, nhà trường triển khai dạy và học dựa theo nội dung chương trình cốt lõi do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, khi học sinh quay trở lại học trực tiếp, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần lưu ý vẫn tiếp tục thực hiện nội dung chương trình này. Nếu các địa phương, cơ sở giáo dục nào hoàn thành sớm thì quay trở lại củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường cũng cần cân nhắc lộ trình kiểm tra đánh giá phù hợp.
Việt Hà/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất