22/04/2013 07:05 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Hoạt động trải dài trong cả Ngày hội Sách và Văn hóa đọc ở Văn Miếu cuối tuần qua là bán và mua sách tại gian hàng của các nhà xuất bản và công ty sách. Bán sách tại các sự kiện về sách chẳng có gì sai, mà chính là một phần không thể thiếu của văn hóa đọc.
1. Bán sách cũng là hoạt động không thể thiếu trong Ngày thơ Việt Nam hàng năm của Hội Nhà văn. Hoặc, Hội chợ sách quốc tế - Việt Nam tổ chức 2 năm một lần, lần gần đây nhất là 2012 (lần thứ 4) thì hoạt động chính chắc chắn là bán sách (hội chợ mà). Tóm lại, các sự kiện liên quan đến sách, mang sách ra bán là đúng rồi.Sách, nói cho cùng là hàng hóa, cần tiêu thụ, thậm chí tiêu thụ càng nhiều càng tốt. Những ai không đến Ngày thơ, Ngày hội sách hay Hội chợ sách sẽ không biết được không khí mua bán sôi nổi mà ngày thường khó có được, dù ngày thường sách bán ở khắp nơi. Một không khí mua - bán tập thể, ai cũng trở nên hào phóng và hào hứng với sách hơn.
Trên sân khấu chính của Ngày hội Sách và Văn hóa đọc hôm 20/4 còn có cả diễn xiếc, khiến nhiều khán giả ồn ào tán thưởng, nhưng một số lại lắc đầu không đồng tình: diễn xiếc trong ngày hội sách để làm gì?
Một dạng hoạt động thường rất bổ ích trong các sự kiện về sách là các tọa đàm, hội thảo về sách, văn hóa đọc, giáo dục… Nhưng trong Ngày hội sách, các chủ đề về chương trình giáo dục hiện đại của nhóm Cánh Buồm hay bài diễn thuyết “Những nguyên tắc thành công” của TS Nguyễn Mạnh Hùng, dù đều bổ ích, đều không phải những chủ đề mới, không phải là đến Ngày hội Sách năm nay mới có mà đã xuất hiện quá nhiều trong nhiều năm qua.
Một sự kiện mà không có ít nhất một hoạt động chỉ riêng sự kiện đó mới có thì có hơi thiếu bản sắc.
Trình diễn truyện ngắn Những vòng đồng ký ức của nhà văn Doãn Dũng (ngoài cùng bên trái) vào sáng 20/4 gây ấn tượng mạnh cho khán giả. Ảnh: Mi Ly
Có lẽ, hoạt động gắn với chủ đề này là buổi giao lưu giới thiệu cuốn tự truyện Không gục ngã của dịch giả Nguyễn Bích Lan và 2 cuốn tự truyện của chàng trai không tay không chân nổi tiếng thế giới Nick Vujicic. Nhưng trong buổi giao lưu, chủ đề Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời cũng không được nhắc đến, thay vào đó là câu chuyện đời và cuốn tự truyện của tác giả, và một phần nhỏ là giới thiệu về chuyến thăm Việt Nam của Nick Vujicic.
Một hoạt động khác cũng ý nghĩa không kém và còn thiết thực hơn, đó là chương trình “Sách đổi sách” của anh Nguyễn Quang Thạch người sáng lập nhiều loại tủ sách cho người dân các tỉnh, được mệnh danh là “nhà cách mạng thư viện”: độc giả mang sách giấy cũ đến sẽ được đổi sách điện tử do công ty Alezza tài trợ. Đặc biệt, sách in sẽ chuyển về cho độc giả nông thôn. Có thể, nhờ đó nhiều cuộc đời sẽ được thay đổi. Tiếc là, gian hàng của anh Thạch nằm ở vị trí hơi khuất, không được treo biển bắt mắt, hơi khó nhận biết và không đông độc giả như người viết mong đợi.
Nói cách khác, chủ đề Cuốn sách làm thay đổi cuộc đời chưa được làm nổi bật qua Ngày hội sách. Đưa ra một chủ đề nhưng không thực sự đi sâu vào chủ đề đó, Ngày hội sách gợi cho người xem cảm giác chưa trọn vẹn. Tưng bừng? Có. Chiều sâu? Chưa.
Ngày hội Sách và Văn hóa đọc năm nay diễn ra tại Văn Miếu, Hà Nội trong cả ngày 20/4 cùng một số sự kiện về sách tại Thư viện Quốc gia Hà Nội ngày 21/4 nhân Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23/4).
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất