19/04/2021 14:25 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Do yêu cầu từ thực tế, để tồn tại, phát triển, nhất là trong giai đoạn hiện nay các nhà xuất bản phải chuyển mình bằng việc thúc đẩy chuyển đổi số. Đây là một xu thế tất yếu trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có ngành xuất bản. Tuy nhiên, đó là xu thế của sự phát triển trong tương tác, chứ không phải là sự thay thế, chuyển từ sách in sang sách điện tử.
* Xu thế tất yếu
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho rằng chuyển đổi số là xu thế chung của tất cả các lĩnh vực, trong đó có xuất bản. Đây là một yêu cầu cấp thiết, là "mệnh lệnh" cho sự phát triển của hoạt động xuất bản. Khi bắt đầu xuất hiện các tác phẩm điện tử, nhiều người lo lắng về việc sẽ kết thúc kỷ nguyên của sách in. Thực tế tại các nước trên thế giới cho thấy, dù số lượng phát hành tác phẩm điện tử tăng lên nhưng số lượng sách in không giảm đi. Đây là sự phát triển trong tương tác, chứ không phải thay thế.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, nêu rõ, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là yêu cầu tất yếu nhưng đó là xu thế của sự phát triển chứ không phải sự thay thế từ sách in sang sách điện tử. Trên thực tế, sách in cũng như các hoạt động của Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ vai trò, vị trí nhất định đối với bạn đọc.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản đã được các đơn vị xuất bản thực hiện từ nhiều năm nay, bắt đầu từ việc số hóa dữ liệu, số hóa khâu bán hàng… Đi sâu hơn, nhiều nhà xuất bản đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, kinh doanh. Nhiều dòng sách như ebook, audio book ra đời phục vụ nhu cầu bạn đọc. Quy trình quản lý, quản trị hoạt động xuất bản cũng được thay đổi dựa trên ứng dụng công nghệ. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử lý các nội dung mà trước đây chỉ dành cho lao động trí tuệ cao như khâu biện tập, cũng đã được một số nhà xuất bản thực hiện.
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc nghiên cứu về tiến trình chuyển đổi số ở các nước trên thế giới cho thấy, chuyển đổi số được thực hiện từ các doanh nghiệp nhỏ, bởi với quy mô nhỏ các doanh nghiệp dễ dàng chuyển đổi hơn. Tuy nhiên, hiện nay dù khó nhưng nếu các doanh nghiệp lớn không chuyển động thì sẽ không thể tồn tại, phát triển.
Ông Nguyễn Nguyên nhận định, việc chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản hiện nay có khá nhiều thuận lợi. Số lượng người sử dụng các thiết bị điện tử, truy cập internet tại nước ta cao là tiền để để các nhà xuất bản phát triển mảng xuất bản điện tử. Nhưng việc khai thác hiệu quả thị trường này là vấn đề đặt ra với không riêng ngành xuất bản mà cần sự chung tay của nhiều ngành. Năng lực xuất bản của các nhà xuất bản trong nước không yếu nhưng điều quan trọng là phải phát triển văn hóa đọc, lan tỏa văn hóa đọc để mọi người dân đều có thói quen đọc sách.
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), do tác động của dịch COVID-19, các chỉ số về sản lượng, doanh thu của hoạt động xuất bản đều giảm so với năm 2019. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ được các nhà xuất bản đẩy mạnh. Năm 2020, số lượng nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử đã tăng 50%, lên 9 đợn vị. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện xuất bản điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản còn chậm, chưa có sự bứt phá. Số lượng nhà xuất bản tham gia xuất bản phẩm điện tử tăng nhưng số lượng xuất bản phẩm điện tử giảm.
Năm 2020, tổng số xuất bản phẩm của các nhà xuất bản trong cả nước là 36.218 xuất bản phẩm (giảm 2,4%) với 403,5 triệu bản. Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in là 32.158 cuốn (giảm 2,0%) với hơn 363 triệu bản (giảm 10%); xuất bản phẩm dạng điện tử là 2.050 (giảm 14,6%) với 1,5 triệu lượt truy cập... Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 4,13 bản/người/năm (giảm 8,3%).
* Mạnh tay với vi phạm bản quyền
Là đơn vị tiên phong trong thực hiện mảng sách điện tử ebook tại Việt Nam, đến nay Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 10 năm tham gia lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Trưởng phòng Sachweb (Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ: Dù tiềm năng có thể phát triển mảng sách điện tử nhưng khi bắt tay vào thực hiện đơn vị đã gặp không ít khó khăn.
Trong đó “đau đầu” nhất là phải đối diện với nạn vi phạm bản quyền vì việc làm giả phiên bản ebook rất dễ, việc chia sẻ sách điện tử miễn phí hoặc bán với giá rẻ khiến cho thị trưởng sách điện tử bị thu hẹp lại. Trong khi đó, nền tảng công nghệ để thực hiện hoạt động xuất bản, phát hành điện tử cũng như vấn đề bảo mật là bài toán khó đặt ra đối với nhà xuất bản bởi còn thiết nguồn lực đầu tư cho công nghệ. Mặt khác, mảng sách này khó đến với bạn đọc ở vùng sâu vùng xa do không có thiết bị, việc tiếp cận để đọc sách điện tử khó.
“Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng người đọc sách điện tử tăng mạnh, đặt ra yêu cầu với nhà xuất bản phải tăng nhanh các xuất bản phẩm điện tử để đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Nhưng trên thực tế nền tảng, hạ tầng công nghệ của đơn vị lại không đáp ứng được nhu cầu của số lượng lớn người truy cập và yêu cầu truy cập nhanh. Khắc phục hạn chế này, đơn vị đang có kế hoạch nâng cấp hạ tầng công nghệ để phát triển sách điện tử. Cùng với thuận lợi của một thị trường tiềm năng thì công nghệ vẫn là một nền tảng quan trọng để các đơn vị có thể phát triển mảng sách điện tử”, bà Nguyễn Thị Diễm Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh đọc sách qua ứng dụng, hiện Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai đọc sách qua web để đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Nhưng theo bà Nguyễn Thị Diễm Phương, hiện nay mỗi đơn vị xuất bản có một ứng dụng riêng để đọc sách điện tử, bạn đọc phải tải nhiều ứng dụng nếu muốn đọc sách của nhiều đơn vị. Để thuận lợi cho bạn đọc tiếp cận sách của các nhà xuất bản, các đơn vị quản lý nên có định hướng, xây dựng một nền tảng chung, tạo hệ sinh thái để các đơn vị xuất bản tập trung và lan tỏa các xuất bản phẩm.
Cũng đặc biệt quan tâm vấn đề bản quyền, ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ WeWe - đơn vị kinh doanh sách nói Voiz FM, chia sẻ, bản quyền là vấn đề mà công ty rất trăn trở và quyết liệt thực hiện. Thông qua nhiều biện pháp, tính đến tháng 7/2020, công ty đã gỡ được hơn 30.000 nội dung vi phạm bản quyền trên các kênh khác nhau. Số lượng bạn đọc sử dụng loại hình sách nói của đơn vị dần tăng lên dù họ phải trả tiền để nghe nội dung. Điều này cho thấy, bạn đọc đã dần thay đổi nhận thức trong việc tôn trọng bản quyền.
Từ thực tế nêu trên, ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định, quá trình chuyển đổi số luôn có hai mặt. Công nghệ phát triển, các hoạt động phi pháp dựa trên nền tảng công nghệ cũng tăng theo, việc làm giả các xuất bản phẩm điện tử cũng dễ dàng hơn. Đây là một trở ngại rất lớn đối với các nhà xuất bản. Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan quản lý cần có giải pháp hữu hiệu, chế tài mạnh hơn đối với hành vi vi phạm bản quyền.
Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Nguyên, để thúc đẩy chuyển đổi số, trước hết các đơn vị xuất bản phải thay đổi nhận thức, đây là điều tất yếu mà các nhà xuất bản buộc phải thực hiện. Về mặt quản lý, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng các giải pháp chuyển đổi số.
Trong đó, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ xây dựng chính sách đầu tư khuyến khích cho xuất bản điện tử phát triển; cùng với giải pháp tuyên truyền về bảo vệ bản quyền, phải có chế tài mạnh mẽ hơn đối với hành vi vi phạm bản quyền. Mặt khác, Nhà nước sẽ đầu tư nguồn lực cho một số nhà xuất bản, đơn vị trọng điểm để phát triển.
T.Hoài/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất