Ngày Tết nghe GS Lê Văn Lan nói về đốt vàng mã: Người ta tự bịa rồi tự lo lắng

04/02/2019 09:24 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Đốt vàng mã lãng phí là do người ta quá sốt sắng mà ít trí tuệ, tưởng tượng ra những điều mà chắc chắn không có thực.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nói gì về đề xuất xóa bỏ tục đốt vàng mã?

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nói gì về đề xuất xóa bỏ tục đốt vàng mã?

Sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn đề nghị loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam, gần đây, Bộ VH,TT&DL cũng chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Ngày nay đang xảy ra hiện tượng rất nhiều gia đình lãng phí tiền của để mua những đồ vàng mã xa xỉ. Họ thực hành tín ngưỡng với một niềm tin ở cõi khác mà con người sống sau khi chết thì cũng sinh hoạt như hiện nay. Tức con người cũng cố gắng vươn tới các tiêu chuẩn, biểu hiện ở các hàng hóa sang trọng: nhà lầu và xe hơi. Nhưng liệu đây có phải một quan niệm đúng đắn?

Nhân dịp Tết Nguyên đán, Thể thao & Văn hóa đã trao đổi cùng giáo sư Lê Văn Lan về vấn đề này:

Chú thích ảnh
Giáo sư Lê Văn Lan trong buổi trao đổi với báo Thể thao & Văn hóa tại nhà riêng nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019 - Ảnh: Nguyễn Thành

Hiện tượng đốt vàng mã lãng phí cũng tương tự việc thờ cúng sai cách mà tôi đã trả lời báo Thể thao & Văn hóa trước đó. Chúng ta kêu ca rằng việc đốt vàng mã lãng phí gây nên tốn kém bao nhiêu tấn giấy, bao nhiêu tiền. Cái đó thì nhìn nhỡn tiền. Nhưng nguyên nhân nền tảng vẫn ở điểm mà tôi đã nói. Đó là người ta quá sốt sắng mà ít trí tuệ. Chúng ta đã “bịa” ra những điều mà chắc chắn không có thực.

Tôi gọi hiện tượng đốt vàng mã lãng phí là một sự phát triển kép. Đó là tự anh “bịa” ra rồi tự lo lắng vì điều mà mình đã “bịa”.

Như vậy, đốt vàng mã một cách lãng phí là sự phát triển thái quá và biến tướng mà không có cơ sở. Tất cả cơ sở mà người ta đang thực hành chỉ gói vào bốn chữ: “Trần sao âm vậy”. Tức cuộc sống thực bây giờ ra sao thì ở cõi bên kia, cái thế giới mà chẳng ai biết có hay không, cũng vậy. Nên họ lo lắng về chúng. Ở “cõi trần”, sở hữu nhà lầu, có xe hơi đang là lí tưởng và mục đích vươn tới của nhiều người. Suy ra, “cõi âm” cũng giống như vậy. Do đó chúng ta đã đốt vàng mã mô hình nhà lầu hay xe hơi. Trên đây là cấp thứ nhất: tức tự tưởng tượng ra những điều không có cơ sở.

Sau khi tự bịa ra thì anh ta lo cuống lên về chính những điều mà mình đã tự bịa ra. Đó là cấp độ thứ hai. Như vậy, đốt vàng mã lãng phí là một biểu hiện của mô hình mà tôi đã nói.

Và nền lý thuyết của sự thực hành tín ngưỡng một cách tốn kém này cũng không có. Nói cho nhẹ nhàng, bây giờ người ta “tưởng tượng”. Còn nói cho đúng thì con người đã tự mình “bịa” ra rất nhiều thứ mà tưởng là khuôn phép phải theo. Sau đó, anh ta quá lo lắng vì không biết thực hành thế nào cho phải. Nhưng cơ sở của sự thực hành là bịa đặt thì anh ta làm sao thực hành đúng được.

Những điều trên đây chính là chỗ tế nhị của sinh hoạt tinh thần. Từ nguyên nhân gốc rễ, chúng mới dẫn tới lãng phí, mê tín dị đoan, làm phiền phức, phiền nhiễu. Và việc đốt vàng mã chỉ là một biểu hiện của vấn đề căn bản mà tôi đã nêu.

Nguyễn Thành (ghi chép)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm