21/02/2013 13:05 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhà thơ Vũ Thiên Kiều, hiện làm việc tại quê hương của chị Sứ anh hùng (huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Năm 2011 chị đã đoạt giải cao nhất cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội và tạp chí Sông Hương. Mới đây, Vũ Thiên Kiều đã nhận tặng thưởng tác phẩm hay của tạp chí Nhà văn năm 2012, chị đã xuất bản 3 tập thơ: Khát; Đất, Nước và Tình thơ; Đốt miền tĩnh lặng.
Hẹn gặp Vũ Thiên Kiều trên phố Hàng Buồm khi chị vừa “băng đèo vượt suối” khăn gói từ Kiên Giang ra Hà Nội trình diễn ở Sân thơ trẻ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 11 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào đúng Rằm tháng Giêng, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với chị.
Chiếc áo không làm nên phẩm cách
* Cảm xúc của chị khi nhận tin nhóm “Link hương cửu kiếm” trình diễn ở Sân thơ trẻ trong Ngày thơ Việt Nam năm nay?
- Tôi đã đến Hà Nội, đến Ngày thơ ở Văn Miếu nhiều lần, mỗi lần đều thấy ấm áp không nguôi trước tình cảm, sự chia sẻ của bạn thơ, của những người yêu văn chương đích thực. Thật bất ngờ, hạnh phúc khi được hòa giọng, “bày cỗ” thơ của mình vào đại tiệc thơ ở một cõi thơ linh thiêng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
* Sau một ngày đưa tin về Sân thơ trẻ (TT&VH số 50, ngày 19/2), trên trang cá nhân đã có hàng nghìn bình luận về nhóm “Link hương cửu kiếm”. Có người cho rằng cái tên kiếm hiệp quá, nhóm thơ này “nghiện đế chế”, thế nhưng có người ở xa lại ao ước “cưỡi ngựa về kinh” để vừa văn kỳ thanh lại có dịp kiến kỳ hình, theo chị là…?
- Tôi cười suốt. Những bình luận của cư dân mạng thật nhiều ý nghĩa, thông minh và hài hước. Suy cho cùng tuổi trẻ nếu có “sến” một chút đã sao, “nghiện” tình yêu một chút đã sao, chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt. Một cái tên hình tượng thôi, chiếc áo chưa đủ làm nên phẩm cách con người, nhất là trong phẩm cách thi ca. Tôi nhớ nhà thơ Trần Đăng Khoa có những câu rất hay “Cái còn thì vẫn còn nguyên/ Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan”. Thời gian sẽ san phẳng và xóa đi tất cả, chỉ có những giá trị nghệ thuật thiện mỹ - chân xác, những câu thơ hay thì sẽ ám ảnh và ở lại mọc rễ, tươi tốt mãi mãi trong đời sống này.
* Con đường thi ca thường nhọc nhằn, éo le trăm nỗi, thế nhưng dường như Vũ Thiên Kiều lại rất có duyên với giải thưởng, với những sự kiện và sân khấu thơ, điều đó là do chị lao động thực sự hay còn có những lý do khác?
- Có người nói lao động sáng tạo ra loài người, tôi thích câu nói này. Làm sao có thể sáng tạo được khi thiếu lao động. Trong nghệ thuật thi ca càng phải khổ luyện, có lao động chân chính, bồi đắp ý chí, tình yêu hướng về cội nguồn, hướng về nhân dân, tổ quốc và vẻ đẹp bằng một tấm lòng son đỏ (xích tử chi tâm) mới có thể sinh được quả ngọt.
Gió, thơ trẻ và nhan sắc
* Ngày thơ năm ngoái, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo gọi chị là nữ nhà thơ mặc áo dài đẹp nhất Việt Nam. Người đẹp luôn có được sự ưu ái và nhiều cơ hội hơn trong trường văn trận bút, chị có nghĩ như vậy không?
- Đúng. Một nửa thế giới cơ mà, nhất là trong vực cảnh thi ca. Thi sĩ Bích Khê, người đã dành những câu thơ trác tuyệt nhất là viết về vẻ huyền diệu của người đẹp “Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm/ Nàng là hương hay nhan sắc lên hương”, hay vua Tự Đức đã từng phải cảm khái thốt lên “Đập cổ kính ra tìm thấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi” để mong tìm lại vẻ đẹp, hơi ấm của giai nhân mà mình yêu thương, trân kính.
* Từ huyện Hòn Đất (Kiên Giang) - quê hương của chị Sứ, là người ở xa nhất khi phải vượt hơn hai ngàn cây số để ra Thủ đô trình diễn thơ, món quà quý mà chị muốn gửi gắm đến chúng tôi, những người yêu Sân thơ trẻ đó là gì?
- Có thể chín nhà thơ (cửu kiếm) sẽ được chia nhóm: nhóm tuổi trẻ gồm Thụy Anh, Nguyễn Anh Vũ, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Minh Cường; nhóm tổ quốc có Lữ Thị Mai, Miên Di, Du Nguyên, Nguyễn Quang Hưng, Vũ Thiên Kiều hoặc thậm chí trộn lẫn, cùng “pha màu” và trình diễn, kết nối hương thơm của thi ca (link hương) trong những tổ khúc do nhà văn Võ Thị Xuân Hà - Trưởng ban Nhà văn trẻ, TBT tạp chí Nhà văn chỉ đạo.
Phụ trách nội dung chương trình và trực tiếp xây dựng kịch bản là nhà thơ Hữu Việt, nhà thơ Phan Huyền Thư, nhà văn Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy và Phong Điệp. Tôi được biết, ngoài nhóm nhạc M4U nổi tiếng trình bày bài rock Việt Bay qua biển Đông, dự kiến sẽ có những ca sĩ hàng đầu của Sao Mai - Điểm hẹn cùng trình diễn “ăn, ngủ” với thơ và thông tin ban đầu cho biết các ca sĩ chỉ kiên quyết nhận thù lao bằng… các tập thơ ngay tại sân khấu Sân thơ trẻ.
* Một cử chỉ lãng mạn và hào hiệp, các ca sĩ nhận thù lao bằng… thơ, nhưng cụ thể “món ngon” đó là gì nhỉ?
- Tôi hiểu. Tôi cũng thèm lắm rồi, chúng ta nên chờ đến giờ G trong ngày Rằm tháng Giêng. Mời bạn thời khắc đó hãy đến Sân thơ trẻ (Sân Thái Học) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng chúng tôi “khui” ra bí mật của Tuổi trẻ với Tổ quốc và cùng thưởng thức, cộng hưởng, sở hữu những vẻ đẹp lộng lẫy nhất của thi ca nhé.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Khúc Thị Hiền (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất