Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Tháng 7 bên đôi bờ Thạch Hãn

18/07/2025 19:30 GMT+7 | Văn hoá

Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn là những địa danh tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước của dân tộc. 

Tháng 7, những địa danh thấm đẫm máu xương năm nào nay trở thành điểm hẹn linh thiêng trong hành trình tri ân của hàng triệu người con đất Việt. Từng đoàn người từ khắp mọi miền Tổ quốc lặng lẽ tìm về, thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những người lính đã hóa thân vào đất mẹ để đất nước được nở hoa độc lập.

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Tháng 7 bên đôi bờ Thạch Hãn - Ảnh 1.

Người dân đến viếng tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Bản tráng ca bất tử

Những ngày giữa tháng 7, thời tiết ở Quảng Trị nắng nóng kèm theo gió phơn Tây Nam (gió Lào) khô nóng thổi mạnh. Thế nhưng, dòng người vẫn xếp hàng dài từ sáng sớm đến đêm khuya để vào viếng, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã mãi nằm lại ở Thành cổ Quảng Trị.

"Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng" (Phạm Đình Lân)... Những câu thơ ấy không biết tự khi nào trở thành lời nhắn nhủ thiêng liêng mỗi khi ai đó đặt chân vào khuôn viên Thành cổ Quảng Trị. Từng viên gạch, mét tường thành rêu phong phủ kín, nhành cỏ, thân cây đều như đang kể chuyện về cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm lịch sử năm 1972.

Nằm ở bờ Nam sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị (phường Quảng Trị) gắn liền với chiến công của "mùa hè đỏ lửa" cách đây 53 năm. Trong 81 ngày đêm từ ngày 28/6 - 16/9/1972, Thành cổ và thị xã Quảng Trị (cũ), nay là phường Quảng Trị phải oằn mình hứng 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Tháng 7 bên đôi bờ Thạch Hãn - Ảnh 2.

Người dân đến viếng tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Trung bình mỗi chiến sỹ của chúng ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 đạn pháo của địch. Các chiến sỹ dù phải chịu đựng sự ác liệt chưa từng có của chiến tranh nhưng vẫn bám trụ kiên cường trong từng trận địa, quyết bảo vệ Thành cổ đến hơi thở cuối cùng.

Chiến công Thành cổ là bản tráng ca hào hùng của quân dân Quảng Trị và cả nước, góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn đàm phán để tiến tới Hiệp định Paris; tạo đà cho cuộc tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói về sự kiên cường, bất khuất của quân và dân ta trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị: "Chúng ta chịu được không phải chúng ta gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng mà chính chúng ta là con người, con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trước Tổ quốc, trước thời đại".

Thành kính dâng hoa, dâng hương ở Đài tưởng niệm trung tâm Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, bà Nguyễn Thị Hà, đến từ Cao Bằng chia sẻ, bà đến nơi này bày tỏ sự tri ân lớn lao đối với các anh hùng liệt sỹ, những người đã không tiếc máu xương để đất nước được hòa bình, thống nhất và phát triển như ngày hôm nay.

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Tháng 7 bên đôi bờ Thạch Hãn - Ảnh 3.

Người dân đến viếng tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Đài tưởng niệm trung tâm Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị - Tháp chuông - Quảng trường Giải phóng - Đền tưởng niệm và bến thả hoa bờ nam, bờ bắc sông Thạch Hãn là trục "không gian linh thiêng". Được gọi là trục "không gian linh thiêng", bởi năm 1972, hàng nghìn chiến sỹ với lòng quả cảm đã vượt sông Thạch Hãn vào Thành cổ Quảng Trị chiến đấu. Trong những lần vượt sông, không ít chiến sỹ mãi mãi nằm lại trong mênh mông sóng nước. Máu xương các anh đã hòa vào dòng Thạch Hãn linh thiêng và nằm lại trên mảnh đất này khi tuổi còn đôi mươi.

Nếu như Đài tưởng niệm trung tâm của Thành cổ Quảng Trị là biểu tượng của nấm mồ chung, sông Thạch Hãn là biểu tượng của "nghĩa trang không bia mộ". Đứng bên bờ Thạch Hãn, không ai khỏi nghẹn lòng khi nghe kể về những ký ức của một thời hoa lửa hào hùng. Đó là câu chuyện về những chàng trai mười tám, đôi mươi từ miền Bắc nghe tiếng gọi Tổ quốc, gác bút nghiên, rời giảng đường vào chiến trường Quảng Trị, quyết "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".

Có người lấy thân mình làm cầu nối thông tin dưới bom đạn, có người trước khi vượt sông Thạch Hãn đã chuẩn bị cho buổi lễ truy điệu chính mình, có những chiến sỹ chủ lực giữa lằn ranh sinh tử vẫn nở "nụ cười chiến thắng" sau từng trận đánh giành giật từng góc thành, căn hầm.

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Tháng 7 bên đôi bờ Thạch Hãn - Ảnh 4.

Người dân đến viếng tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Bến thả hoa ở bờ bắc hay bờ Nam sông Thạch Hãn thường xuyên có đông khách hành hương. Ban ngày, dòng người đến nơi này dâng hương, thả hoa tưởng nhớ, tri ân các liệt sỹ. Ban đêm, hàng ngàn đèn hoa đăng được thắp sáng và thả trôi lấp lánh ở đôi bờ. Tự tay thả đèn hoa đăng ở bờ nam sông Thạch Hãn, ông Nguyễn Văn Sơn, 58 tuổi, đến từ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, ánh đèn hoa đăng lung linh trên sông nước Thạch Hãn thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với những liệt sỹ - những người có công lao to lớn với đất nước. Đồng thời nguyện cầu cho quê hương, đất nước hòa bình và phát triển.

Nơi ký ức bất tử và điểm hẹn tâm linh

Sông Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị là nghĩa trang không mộ chí của hàng ngàn anh hùng liệt sỹ, trở thành điểm hẹn tâm linh của hàng triệu đồng bào, chiến sỹ trong hành trình hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội. Những ngày này, từng dòng người tìm về Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị thắp nén tâm nhang của lòng thành kính và biết ơn dành cho các anh hùng liệt sỹ.

Có người là thân nhân của các anh hùng liệt sỹ, có cả cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại đây hơn 50 năm trước và có những học sinh - thế hệ tương lai đang nỗ lực chung tay viết tiếp câu chuyện hòa bình. Dù khác nhau về tuổi tác, quê quán, công việc nhưng tất cả mọi người đều chung một nỗi niềm xúc động và sự biết ơn.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, trú xã Đông Anh, thành phố Hà Nội chia sẻ: "Tháng 7 đúng dịp nghỉ hè, gia đình đưa các con đến tri ân tại Thành cổ Quảng Trị, để các con hiểu rằng, có được ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ. Từ đó, các con biết yêu Tổ quốc, biết ơn thế hệ đi trước và nỗ lực trở thành người có ích".

Bà Cáp Thị Thiên Trang, Trưởng Ban Quản lý khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thành cổ Quảng Trị cho biết, tháng 7 là thời điểm Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị đón lượng khách hành hương tri ân đông nhất trong năm. Có những ngày cao điểm, số lượt khách lên tới hơn 4.000 người/ngày. Ban Quản lý huy động toàn bộ lực lượng, tổ chức phục vụ du khách với phương châm "còn người còn phục vụ". Mọi công tác được triển khai khoa học, kịp thời và bảo đảm tôn nghiêm.

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Tháng 7 bên đôi bờ Thạch Hãn - Ảnh 5.

Người dân đến viếng tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Không chỉ là nơi ghi dấu những chiến công bất tử của bộ đội và nhân dân ta, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, Thành cổ Quảng Trị cũng là nơi ký ức trĩu nặng của cựu chiến binh năm xưa.

Cựu chiến binh Dương Mạnh Việt (tỉnh Thái Nguyên) từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị xúc động chia sẻ, ông rất xúc động khi nhớ đến đồng đội đã chiến đấu hy sinh anh dũng nơi đây, trong đó, có người em ruột của mình - liệt sỹ Dương Văn Minh, hy sinh năm 1972, đến nay vẫn chưa tìm thấy phần mộ. Mang nỗi khắc khoải có thể tìm được di cốt của người em trai, suốt hơn 30 năm qua, ông đi khắp chiến trường tìm hài cốt đồng đội để đưa các anh về gia đình, quê hương.

Giữa đoàn người hành hương còn có cả các em nhỏ đang chăm chú nghe hướng dẫn viên thuật lại những ngày tháng chiến đấu khốc liệt mà các anh hùng liệt sỹ đã trải qua tại Quảng Trị năm 1972. Em Lâm Hoài Anh (11 tuổi, Hà Nội) lần đầu được bố mẹ đưa về tri ân tại Thành cổ Quảng Trị, đôi mắt trong veo ánh lên sự xúc động. "Con sẽ học thật giỏi để không phụ công các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì đất nước" - lời em vang lên như một lời hứa chân thành giữa không gian linh thiêng.

Ngày nay, đôi bờ Thạch Hãn đã thay da đổi thịt. Những cây cầu hiện đại kết nối hai bờ, nhà máy, trường học hồi sinh bên chiến hào, ao sen nở hồng trên hố bom ngày ấy… minh chứng cho sự hồi sinh mạnh mẽ của vùng đất từng bom cày đạn xới. Nhưng sâu trong lòng đất, ký ức một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên.

Tháng Bảy - mùa tri ân, đôi bờ Thạch Hãn vẫn vỗ về "bản tráng ca bất tử". Những đoàn người vẫn nối dài, những ngọn đèn hoa đăng vẫn trôi, những đóa hoa tươi vẫn được dâng lên. Và những câu thơ lại vang lên trong lòng mỗi người khi đứng bên dòng Thạch Hãn "Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm (Lê Bá Dương)".

Tường Vi/ TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm