07/06/2022 16:00 GMT+7 | Văn hoá
“Đặt hàng” là cách nói vui. Còn thực tế, đó là câu hỏi: Các em thiếu nhi muốn được đọc nội dung gì (và viết như thế nào) từ những sáng tác tương lai mà các cây bút chuyên nghiệp sẽ dành cho đối tượng này?
Câu hỏi ấy được đặt ra trong buổi giao lưu có tên Trang sách hồng nằm mơ màng ngủ, do NXB Kim Đồng tổ chức vào cuối tuần qua, nhân kỷ niệm 65 năm thành lập đơn vị xuất bản này. Tại đó, trước rất nhiều nhà văn “người lớn”, các độc giả nhí đã có dịp trả lời câu hỏi - và bộc bạch suy nghĩ của mình - dù là trực tiếp hay gián tiếp qua video clip gửi tới...
“Em thích có một bộ truyện dài kỳ của Việt Nam về thế giới phép thuật như Harry Potter”; “Em thích có thêm truyện về loài vật”; “Em thích có sách kể về chuyện học của chúng em trong dịch Covid-19”. Những lời đề nghị ấy được đưa ra và sự tán đồng của các nhà văn có mặt. Như chia sẻ của họ sau đó, quả thật, văn học cho thiếu nhi hiện chưa có nhiều những tác phẩm giả tưởng về thế giới phép thuật, trong khi những sáng tác về cuộc sống của các em trong đại dịch cũng chỉ vừa được nhen lên.
Nhưng, tới tâm sự của một cô bé mang tên Bảo Châu, thì sự suy tư hiện rõ trên khuôn mặt của nhiều nhà văn. Châu nhắc tới những tác phẩm dành cho tuổi mới lớn và thẳng thắn nói rằng đa phần trong số chúng vẫn nói về những “mặt sáng của xã hội”.
“Độ tuổi mới lớn bây giờ gặp nhiều áp lực của gia đình, của xã hội, có nhiều tâm sự và thậm chí dễ mang chút hơi hướng nổi loạn” - Châu nói - “Chúng em chưa có những cuốn sách kể về những câu chuyện này, để từ đó có thêm sự đồng cảm và được an ủi rằng cuộc sống cũng có rất nhiều bạn gặp hoàn cảnh như mình, rằng tất cả cần biết cách vượt qua những suy nghĩ tiêu cực hay buồn giận nhất thời”.
Những suy nghĩ và đề xuất ít nhiều gây “giật mình” của Châu rồi cũng được phản hồi. Nữ nhà văn Thùy Dương thẳng thắn nói rằng mảng đề tài Châu nói ít nhiều là “cái góc mà chúng tôi còn thiếu, và chắc chắn từ nay khi viết thì tôi sẽ nghĩ nhiều tới em hơn”.
Kể câu chuyện về cô con gái nhỏ của mình một lần vờ ốm để nghỉ học, rồi say sưa ngắm cảnh đường phố khi mẹ đưa tới cơ quan, nữ nhà văn chia sẻ thêm: “Tôi hiểu rằng, trẻ em bây giờ đầy đủ về vật chất, nhưng lại có phần thiệt thòi hơn chúng ta về đời sống tinh thần. Khi xưa, chúng ta học ít hơn, chơi nhiều hơn, giao tiếp thường xuyên với cộng đồng, với thiên nhiên, và có cả thời gian cho những trò tưởng như vô bổ nhưng lại đầy ý nghĩa. Các bạn trẻ bây giờ bị đặt áp lực lên vai nhiều quá...”.
***
Chuyện tại buổi giao lưu của NXB Kim Đồng tất nhiên không thể thay thế cho tất cả ý kiến của các độc giả nhí bây giờ. Nhưng, nó gắn với một thực tế đã được nhiều nhà phê bình chỉ rõ: Viết cho trẻ em không hề dễ. Đó không chỉ là câu chuyện về sự kiên nhẫn của người viết để hiểu về suy nghĩ, cảm xúc của các em (và phần nào, tạm gác bỏ những tư duy “người lớn” của mình), mà còn là nhu cầu nắm bắt những vấn đề đang đặt ra với mỗi thế hệ trong từng giai đoạn phát triển.
Những cuộc vận động sáng tác, hay những giải thưởng dành cho sáng tác về thiếu nhi (như giải Dế Mèn của Thể thao và Văn hóa), xét cho cùng, cũng là sự khuyến khích để đội ngũ cầm bút xích lại gần các độc giả nhỏ tuổi, và cố gắng thấu hiểu, nắm bắt suy nghĩ của các em khi cầm bút.
Bởi, cầm bút và viết cho trẻ em, cũng có nghĩa là chúng ta chấp nhận một quy luật riêng: Chỉ những bạn đọc nhỏ tuổi mới có quyền quyết định giá trị của tác phẩm.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất