Nghệ sĩ cần gì để vươn ra thế giới?

10/06/2024 06:56 GMT+7 | Văn hoá

Trên hành trình vươn ra khu vực và thế giới, nghệ sĩ Việt Nam cần gì? - Đó là chủ đề chính được nêu ra tại tọa đàm Kỹ năng cho nghệ sĩ khi ra khơi được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của cuộc thi UOB Painting of the Year 2024 diễn ra cuối tuần qua ở Hà Nội.

1. Tại tọa đàm, họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Trưởng ban giám khảo UOB Painting of the Year 2024 bày tỏ, làm nghệ thuật trước hết phải bằng một trái tim và tâm hồn mang tinh thần dấn thân:

"Đối với nghệ thuật chúng ta luôn là những đứa trẻ. Và, những trải nghiệm cuộc sống, quan sát xã hội, cảm nhận thiên nhiên luôn là những người thầy vĩ đại nhất cho những người làm nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng".

Ông Hòa cho biết thêm, những thế hệ họa sĩ thời kỳ trước như ông đã làm nghệ thuật với đủ biết bao những khó khăn, thiếu thốn. Việc vẽ chỉ bắt đầu từ những cây bút chì, mẩu than trong điều kiện sáng tác bó hẹp của thời đại. Nhưng, trên hết những người họa sĩ lớp trước làm nghệ thuật bằng tất cả sự nhiệt huyết của trái tim và tâm hồn người nghệ sĩ thuần khiết và trong sáng.

"Trong khi đó, các họa sĩ hiện nay có điều kiện sáng tác tốt hơn và lan tỏa tác phẩm dễ dàng hơn khi họ được sống trong bối cảnh xã hội ổn định, nền kinh tế có nhiều thành tựu, quan điểm nghệ thuật cởi mở, cộng với sự hỗ trợ từ nhiều bên" - ông Hòa cho hay - "Từ những thuận lợi đó, để có thể làm công việc này đến nơi đến chốn còn đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một tâm hồn, một trái tim, một tình yêu mãnh liệt với nghệ thuật, đôi khi phải bất chấp cả tuổi tác, xuất phát điểm và thời gian".

Nghệ sĩ cần gì để vươn ra thế giới? - Ảnh 1.

Tọa đàm “Kỹ năng cho nghệ sĩ khi ra khơi”. Từ trái qua: Điều phối Uyên Ly, họa sĩ Trịnh Tuân, họa sĩ Đặng Xuân Hòa, giám tuyển Ace Lê

Thế nhưng, cũng theo họa sĩ này, tình yêu thôi chưa đủ để nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ trẻ bước ra khu vực và thế giới. Quan trọng hơn, họ cần chuẩn bị cho mình một hành trang vững chắc.

"Các họa sĩ trẻ nên quan sát và tự trang bị cho mình những kiến thức tối thiểu. Đó là những kiến thức đại cương, căn bản về mỹ thuật, cũng như tiếp cận những quan điểm về đời sống xã hội, về toàn cầu hóa trong cái nhìn hiện đại. Những kiến thức này có thể học ở nhà trường, bạn bè và xã hội. Phải có kiến thức để không chơi vơi khi "bơi ra" quốc tế" - ông Hòa bày tỏ - "Còn đi đến đâu và làm được gì trong nghệ thuật thực tế rấtkhó xác định, và thực sự là thách thức lớn đối với nghệ sĩ. Thực tế này, họ phải chấp nhận, thậm chí phải trả giá. Nghệ thuật là thế, xa vời nhưng cũng rất thực tế!".

Từ đây, họa sĩ Đặng Xuân Hòa còn nhấn mạnh đến việc nghệ sĩ phải biết tự nhận biết bản thân mình như là một "thao tác" trước tiên và đặc biệt quan trọng khi làm nghệ thuật.

"Đã chấp nhận là một nghệ sĩ, là người theo đuổi nghệ thuật ở thời buổi nào cũng thế, từ cổ chí kim, trước tiên đều phải tự nhận biết ra bản thân mình. Đó là hành trình nhìn vào đời sống xung quanh, nhìn từ cái cũ tới cái mới, để định hình ta là ai, ta sẽ làm gì, để lựa chọn loại hình nghệ thuật phù hợp với khả năng" - ông khẳng định - "Phải tự đốt đuốc đi tìm chính mìnhbằng tình yêu với nghệ thuật. Đừng vội nghĩ đến sự nổi tiếng hay thị trường,… đó là những điều ở phía sau. Trước tiên, nghệ sĩ phải sáng tạo để thỏa mãn chính mình, rồi làm thỏa mãn được những người yêu nghệ thuật và sau cùng là thỏa mãn được những người sưu tập nghệ thuật".

2. Ở góc nhìn của một giám tuyển, nhà nghiên cứu Ace Lê nhận thấy họa sĩ Việt Nam hiện nay có nhiều thuận lợi trong quá trình "ra khơi" để vươn mình ra khu vực và thế giới.

Nghệ sĩ cần gì để vươn ra thế giới? - Ảnh 2.

Sự kiện nhận được sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ trẻ. Nguồn: nguoidothi.net.vn

Theo Ace Lê, nghệ thuật Việt Nam đang có chỗ đứng rất độc đáo và vững chãi, các họa sĩ đang đứng trên đôi vai của những tượng đài Mỹ thuật Đông Dương. Trong khu vực, nghệ thuật Việt Nam đã được định vị về nội dung sáng tác, về mỹ cảm, thẩm mỹ chung với nhóm đồng văn. Do đó, họa sĩ đương đại khi sáng tác có thể nhìn vào những thành tựu mỹ thuật để"đứng trên vai người khổng lồ" và nhìn xuống chiều sâu của văn hóa và lịch sử mỹ thuật như một sự kế thừa cần thiết.

Còn họa sĩ Trịnh Tuân, thành viên Ban giám khảo UOB Painting of the Year 2024 cho rằng nghệ sĩ muốn "ra khơi" với những bước đi vững chắc cần phải chú trọng tạo ra hệ sinh thái trong các hoạt động kết nối mang tính cộng đồng.

Là thành viên đồng sáng lập Asia Art Link (AAL) - một tổ chức cộng đồng nghệ sĩ khu vực châu Á - họa sĩ Trịnh Tuân cho biết, khi mới thành lập vào năm 2005, AAL gặp nhiều khó khăn nhưng đã sớm được định hình trở thành một cộng đồng nghệ thuật để nghệ sĩ có môi trường giao lưu, trao đổi và hợp tác lẫn nhau. Đến nay, AAL tổ chức nhiều triển lãm, workshop quốc tế tại Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia… với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đến từ các nước châu Á, châu Âu, châu Mỹ La-tinh.

Từ trường hợp của AAL có thể thấy rằng, ngoài làm công việc chuyên môn, để vững bước "ra khơi", nghệ sĩ còn cần thêm những hoạt động kết nối, giao lưu trong các cộng đồng mang tính quốc tế. Hoặc nói cách khác, làm nghệ thuật để có thể phát triển vững chắc cần phải có cộng đồng, rộng ra là hệ sinh thái nghệ thuật (giám tuyển, phòng tranh, không gian nghệ thuật và truyền thông).

Ngoài ra, họa sĩ Trịnh Tuân còn lưu ý kỹ năng để nghệ sĩ khi bước ra sân chơi khu vực, xa hơn là thế giới còn phải có kiến thức về "nơi định đến, định đi". Nghệ sĩ phải xác định được những nơi chốn đó có những yêu cầu gì để có thể tiếp cận, đáp ứng.

"Hơn nữa, đi ra bên ngoài còn cần kiến thức về ngôn ngữ khác với ngôn ngữ đang dùng. Ngoại ngữ cần đủ để làm mình tự tin hơn, cần thiết để giao lưu, trao đổi trong giới nghệ thuật. Ở đây, ngoại ngữ là "vũ khí" cần thiết để ra khơi" - ông Tuân nói thêm.

Vài nét về cuộc thi "UOB Painting of the Year"

Là cuộc thi nghệ thuật lâu đời nhất tại Singapore và là một trong những cuộc thi danh tiếng nhất tại khu vực Đông Nam Á, UOB Painting of the Year (UOB POY) được tổ chức lần đầu vào năm 1982, với mục tiêu công nhận các nghệ sĩ ở khu vực Đông Nam Á và tạo cơ hội giúp họ giới thiệu tác phẩm của mình tới cộng đồng rộng lớn hơn. Sau khi có mặt tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, cuộc thi đã được mở rộng sang Việt Nam từ năm 2023.

Cuộc thi UOB Painting of the Year năm thứ 2 sẽ nhận bài dự thi từ 7/5 đến hết ngày 1/8 tại trang web www.UOBandArt.com. Lễ trao giải và triển lãm các tranh xuất sắc nhất sẽ diễn ra tại TP.HCM vào tháng 10 năm nay.

Hội đồng Giám khảo của cuộc thi năm nay gồm: họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam- Cố vấn nghệ thuật; họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Trưởng Ban giám khảo; họa sĩ Trịnh Tuân và họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm