29/08/2018 15:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Là một trong những thiên tài âm nhạc nổi danh từ khi chưa đầy 5 tuổi, nghệ sĩ độc tấu dương cầm người Trung Quốc - Lang Lang từng được tạp chí Time của Mỹ bình chọn nằm trong Top 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Vào 31/8 tới đây, anh sẽ có buổi diễn ở Nhà hát lớn (Hà Nội)…
Ở tuổi 36, Lang Lang được biết đến không chỉ là tay đàn tài hoa, điêu luyện của nền âm nhạc cổ điển thế giới, một nhà giáo mà anh còn là một trong những người tiên phong đưa “hơi thở” âm nhạc hiện đại vào cổ điển.
Từ một “thần đồng” 3 tuổi đến một sự nghiệp thăng hoa
Lang Lang sinh ngày 14/6/1982 tại thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc. Từ khi mới lên 3, Lang Lang đã bắt đầu làm quen với những phím đàn và chưa đầy 2 năm sau đó, cậu bé người Mãn Châu khi ấy chính thức biểu diễn trước công chúng, giành chiến thắng đầu tiên ở cuộc thi cấp thành phố nơi quê nhà. Vừa chạm ngưỡng tuổi 13, Lang Lang đã đạt được giải Nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Tchaikovsky dành cho tài năng trẻ.
Cuối những năm của thế kỷ 20, Lang Lang bắt đầu gây được sự chú ý ở phương Tây khi anh thay thế nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Andre Watts (người Đức) tại Nhạc hội Ravinia diễn ra ở Mỹ.
Nhiều tờ báo, trang tin khi ấy dành cho Lang Lang không ít mỹ từ và tung hô anh là nghệ sĩ độc tấu dương cầm tài năng nhất trong nhiều năm ở thời điểm đó. Tất nhiên rằng, chàng trai 17 tuổi năm ấy ngoài sự đón nhận của một bộ phận người yêu nhạc cũng không thể thoát khỏi sự hoài nghi của giới phê bình âm nhạc.
Dù “đánh dấu” cho bản thân lẫn giới nghệ thuật “sự kiện lịch sử” khi đêm diễn của Lang Lang ở Royal Albert Hall cháy vé hay được đánh giá cao khi trình diễn với Dàn nhạc Giao hưởng Berlin thì nhiều người cho rằng những buổi diễn của Lang Lang nhàm chán và không chứa đựng nhiều cảm xúc bởi thiên về kỹ thuật nhiều hơn. Dẫu vậy, cho đến khi gặp chấn thương gân tay và phải nghỉ ngơi hai năm qua, cái tên Lang Lang vẫn là một trong những nghệ sĩ dương cầm được đón chờ nhất thế kỷ 21.
Lang Lang đã được mời biểu diễn ở những khán phòng, nhà hát danh tiếng nhất thế giới, trước những khán thính giả đều là các nhân vật tầm cỡ: Nữ hoàng Elizabeth đệ nhị; cựu Tổng thống Barrack Obama… hoặc đứng chung sân khấu với nhiều tên tuổi lớn như nhóm rock huyền thoại Metallica; Pharrael Williams… Bên cạnh đó là những sự kiện mang tính toàn cầu: Thế vận hội Olympic; FIFA World Cup hay Gala dinner giải Nobel.
Tên tuổi của Lang Lang không chỉ vươn tầm thế giới bằng tài năng âm nhạc mà còn là sự bảo đảm doanh thu cho hầu hết các nhà hát danh giá toàn cầu, phải kể đến như Nhà hát Opera Sydney; Royal Albert Hall hay Carnegie Hall. Sự có mặt của anh luôn làm cho những nơi này được phủ kín bởi lượng người đến xem và thưởng thức âm nhạc cổ điển qua sự tài hoa, tinh tế trong mỗi tiếng đàn được trình diễn bởi cái tên Lang Lang.
Năm 2008, Lang Lang đi tiên phong kết hợp với Google và YouTube để tổ chức Hòa nhạc giao hưởng YouTube. Sau đó năm 2010, Lang Lang ký hợp đồng với Sony Music.
Sự xuất hiện tại Golden Globe với chiến thắng cho phần nhạc phim xuất sắc nhất của bộ phim điện ảnh The Painted Veil hay Album nhạc của anh cùng với dàn giao hưởng Paris đoạt No.1 bảng xếp hạng Traditional Classical Billboard… là những minh chứng khó thể chối cãi về tài năng của Lang Lang.
Ngoài một sự nghiệp rực rỡ, Lang Lang còn là một nhà hoạt động xã hội và là một nhà giáo. Tính đến thời điểm này, quỹ âm nhạc phi lợi nhuận mang tên anh đã có hơn 10 năm hoạt động. Quỹ Lang Lang này nuôi dưỡng tài năng cho các nghệ sĩ dương cầm trẻ và phát triển giáo dục âm nhạc. Chính nhờ điều này, ở Trung Quốc đã có hơn 40 triệu trẻ em tìm đến với piano và còn lan dần tới Mỹ. Lang Lang còn được đích thân Tổng thư ký Liên hợp quốc chỉ định trở thành Đại sự Hoà bình.
“Khi gặp lại tôi, khán giả sẽ thấy một Lang Lang nhiều khác biệt”
Năm 2017, việc Lang Lang mắc căn bệnh viêm gân tay được anh công bố trên trang cá nhân là một sự bàng hoàng đối với những ai dành cho anh sự ngưỡng mộ và hơn ai hết, đối với chính anh khi phải tạm hủy tất cả các buổi biểu diễn.
Chắc chắn rằng, với quãng thời gian sống với những tiếng đàn tương đương với số năm sinh ra và lớn lên, việc phải xa rời cây dương cầm, âm nhạc và khán giả là một cú sốc lớn đối với bất cứ ai không chỉ Lang Lang. Anh chia sẻ với ê-kíp của Hublot - đơn vị sẽ mang anh đến với khán giả Việt Nam rằng: “Tôi đã quá quen với việc biểu diễn thường xuyên, lúc nào tôi cũng muốn được trở lại sân khấu. Dường như sân khấu và âm nhạc là nguồn năng lượng của tôi. Mỗi nơi tôi đến biểu diễn mọi thứ thật khác biệt, từ văn hóa, truyển thống cho đến con người, thật tuyệt vời”.
Những chuyến biểu diễn được xem là hơi thở và máu thịt của Lang Lang như vậy nhưng anh vẫn phải chịu theo sự sắp đặt của số phận. Bác sĩ đã phải đưa ra lời cảnh báo đối với Lang Lang và nhiều nhận định cho rằng, những lần biểu diễn của anh trong giai đoạn sau này sẽ không còn được dày đặc như trước bởi sự thận trọng cần có đối với căn bệnh anh mắc phải.
Hơn một năm điều trị cũng là dịp hiếm hoi anh nghỉ ngơi trong sự nghiệp của mình. Đầu năm 2018 mới đây bác sĩ mới đồng ý cho Lang Lang trở lại với ánh đèn sân khấu và những phím dương cầm nhưng điều đó cũng buộc phải có giới hạn nhất định. Sự có mặt của anh trong sự kiện Grammy vinh danh và tưởng nhớ nhà soạn nhạc lừng danh Leonard Bernstein tại Carnegie Hall hồi đầu năm nay đánh dấu cho sự hiếm hoi ấy nhưng cũng để “báo hiệu” cho sự tái xuất của một thiên tài.
Đáng trông đợi nhất đối công chúng yêu nhạc Việt Nam đó là sự có mặt của Lang Lang trong buổi hòa nhạc Hublot Love Arts tại Nhà hát Lớn (Hà Nội) vào 31/8/2018. Trước khi đến với buổi biểu diễn này, Lang Lang bày tỏ: “Thời gian nghỉ ngơi vừa rồi tôi đã chiêm nghiệm được nhiều điều, tôi nhớ lại tuổi thơ của mình với những kí ức tập luyện khắc nghiệt, rồi những khi mệt mỏi vì liên tiếp đi lưu diễn. Khoảng lặng vừa qua đã cho tôi nhận ra nhiều cảm xúc và chiêm nghiệm, để khi gặp lại khán giả trên sân khấu lần này, họ sẽ thấy một Lang Lang có nhiều điểm khác biệt, họ đã thấy tôi bước sang một trang mới trong cuộc sống”.
Minh Thư
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất