Nghệ sĩ múa Xuân Lê: Đong đầy cảm xúc khi về diễn ở Việt Nam

03/06/2024 07:34 GMT+7 | Văn hoá

Nghệ sĩ người Pháp gốc Việt Xuân Lê vừa có buổi trình diễn mang tên Phản chiếu tại IDECAF, mang lại những trải nghiệm mới về múa cho khán giả TP.HCM. Từ một vận động viên trượt patin từng vô địch nước Pháp và hạng 6 ở giải Vô địch trượt patin thế giới (thể loại tự do) năm 2009, Xuân Lê bén duyên với múa, rồi sớm nhanh chóng tạo ra nét mới.

Xuân Lê sinh ra tại Paris năm 1988, với cha là người Việt Nam, mẹ là người lai Việt Nam - Tây Ban Nha.

Xuân Lê tạo ra nét riêng bằng cách kết hợp vũ đạo, xiếc, với nghệ thuật thị giác. Ở cương vị giám đốc nghệ thuật hoặc biên đạo múa, diễn viên múa, Xuân Lê từng cộng tác với vũ đoàn Käfig của Mourad Merzouki, đoàn nghệ thuật Cirque Éloize (Montréal, Canada), Nhà hát nhạc kịch quốc gia Capitole ở Toulouse, đoàn múa Đan Mạch Next Zone của Lene Boel...

Nghệ sĩ múa Xuân Lê: Đong đầy cảm xúc khi về diễn ở Việt Nam - Ảnh 1.

Nghệ sĩ múa Xuân Lê

Năm 2016, sau khi thành lập vũ đoàn Xuân Lê, anh đã cho ra đời Vòng lặp và tiếp đó là Relfet (Phản chiếu), vở múa đã được trình diễn nhiều nơi trên thế giới.

Sau buổi diễn tại IDECAF (TP.HCM), Xuân Lê và nữ nghệ sĩ Shihya Peng mang Phản chiếu đến Huế (ngày 1/6) và Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam, Hà Nội (4/6). Nhân dịp này, Thể thao và Văn hóa có buổi trò chuyện cùng Xuân Lê.

* Anh đã đến với nghệ thuật múa từ môn trượt patin thể loại tự do (freestyle). Hành trình này thế nào?

- Tôi có niềm đam mê patin từ rất nhỏ, khoảng 5 tuổi, đã dạo chơi cùng nó trên đường phố Paris. Ban đầu tôi tập trượt patin để thi đấu, đặc biệt với thể loại freestyle. Đây là bộ môn đòi hỏi việc thực hiện các động tác tạo hình vượt chướng ngại vật.

Tôi luôn cảm nhận trượt patin là một phần của việc mở rộng cơ thể và những chuyển động của mình. Sự mượt mà và những khả năng mà patin mang lại giúp tôi tăng các chuyển động của mình lên gấp bội và khuếch đại cảm giác tự do trong không gian. Tôi đã đoạt chức vô địch Pháp năm 2009 và đứng hạng 6 thế giới cùng năm đó.

Với mong muốn tiến xa hơn trong việc khám phá các chuyển động, tôi đã tự nhiên hướng tới bộ môn khiêu vũ song song với việc tham gia các cuộc thi paitn ở tuổi thiếu niên. Sau đó là nghệ thuật múa.

Nghệ sĩ múa Xuân Lê: Đong đầy cảm xúc khi về diễn ở Việt Nam - Ảnh 2.

Xuân Lê trong vở múa “Phản chiếu”

* Tác phẩm "Phản chiếu" được trình diễn nhiều nơi trên thế giới trước khi về Việt Nam. Với anh thì điều này có ý nghĩa gì?

- Tôi xem Phản chiếu (Reflect) như một sự suy tư về nhiều mặt, trong đó có quê hương bản quán của mình. Về diễn ở Việt Nam là một cảm xúc thú vị.

Đây là màn trình diễn đôi, đặt câu hỏi về nguồn cội và mối tương quan của mỗi người giữa những chuyển động không ngừng trong cuộc sống. Đặt câu hỏi về tính hai mặt của bản thể thông qua ngôn ngữ hình thể đầy chất thơ và sự mong manh giữa những cơ thể khi gặp nhau. Đây là sự phản chiếu với người khác, nhưng cũng là sự đối diện với chính mình.

Chuyến lưu diễn này là lần thứ 5 tôi về Việt Nam. Mỗi chuyến đi đều đong đầy cảm xúc và cho phép tôi khám phá một phần nguồn gốc của mình.

* Theo anh, làm sao để khán giả có thể hiểu được các ý niệm của múa thông qua ngôn ngữ hình thể?

- Múa là ngôn ngữ toàn cầu, lại không đòi hỏi kiến thức cố định để thưởng thức. Tôi xem Phản chiếu là câu chuyện cổ tích và mỗi buổi diễn có những cấp độ diễn giải khác nhau, nơi mỗi người tự do hiểu và kể lại câu chuyện ấy theo cách của riêng mình.

Nghệ sĩ múa Xuân Lê: Đong đầy cảm xúc khi về diễn ở Việt Nam - Ảnh 3.

Nghệ sĩ múa Shihya Peng và Xuân Lê trong “Phản chiếu”

* Trong "Phản chiếu", anh có đề cập đến yếu tố nguồn cội. Đó là gì vậy?

- Một trong những cảm hứng chủ đạo là huyền thoại về người lưỡng giới, nói về nguồn gốc và sự tạo dựng của con người. Điều này được khám phá trong câu chuyện thông qua khái niệm về chu kỳ.

Trong quá trình sáng tạo, chúng tôi đặt câu hỏi về những điểm tương đồng, khác biệt và sự bổ sung lẫn nhau của tôi và bạn diễn Shihya. Điều này cho phép chúng tôi tạo nên bản sắc các nhân vật, câu chuyện giữa họ và mối liên kết giữa họ.

* Tại Pháp, múa có phải là loại hình nghệ thuật có đông đảo khán giả hay không? Nếu không thì anh sống bằng nguồn thu nhập nào là chính?

- Ở Pháp, phần lớn lĩnh vực văn hóa được chính phủ hỗ trợ. Điều này cho phép các nghề khác nhau trong lĩnh vực biểu diễn có vị thế được công nhận và giám sát. Ngày nay, chúng tôi may mắn có thể sống bằng nghệ thuật của chính mình.

Nghệ sĩ múa Xuân Lê: Đong đầy cảm xúc khi về diễn ở Việt Nam - Ảnh 4.

Xuân Lê giao lưu với khán giả TP.HCM

* Tôi đã xem vài vở múa do anh biên đạo và dàn dựng. Anh đã nghĩ về việc phối hợp múa, xiếc, và nghệ thuật thị giác như thế nào?

- Công ty chúng tôi muốn tạo ra những buổi trình diễn hoàn chỉnh, kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật và kỹ thuật khác nhau. Ở đó, tôi coi múa là nhân vật chính của câu chuyện, của các buổi biểu diễn. Các yếu tố kỹ thuật gồm âm thanh, ánh sáng, phục trang, cảnh trí là một phần quan trọng không thể tách rời của phối cảnh sân khấu. Chúng xoay quanh điệu múa để tạo thành một thể thống nhất. Chúng cho phép chúng tôi khuếch đại và biến đổi cơ thể theo các chuyển động để xây dựng nên một thế giới mộng mơ.

* Về Việt Nam, ngoài múa, anh thường đi đâu?

- Tôi thích du lịch, việc này giúp tôi khám phá ra nhiều nền văn hóa khác nhau trong các bối cảnh khác nhau. Những chuyến đi này khiến tôi suy ngẫm về nuồn cội của mình và cũng là nguồn cảm hứng lớn cho các sáng tạo.

* Cảm ơn anh.

"Chuyến lưu diễn này là lần thứ 5 tôi về Việt Nam. Mỗi chuyến đi đều đong đầy cảm xúc và cho phép tôi khám phá một phần nguồn gốc của mình" - Xuân Lê.

Nguyễn Huy (thực hiện)

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm