28/01/2021 07:32 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Đêm 28/1/2021 tại phòng trà WE TP.HCM, NSND Bạch Tuyết có một show diễn kỷ niệm 60 năm theo nghiệp hát của mình. Đúng là 60 năm làm nên một tên tuổi danh xưng đáng tự hào.
Năm 1963 Bạch Tuyết đoạt giải Thanh Tâm cùng 5 nghệ sĩ khác: Mộng Tuyền, Trương Ánh Loan, Tấn Tài, Thanh Tú, Diệp Lang. Trong số đó, có thể nói Bạch Tuyết là người vẫn còn làm nghề cho tới bây giờ, lại còn đa năng kiêm luôn cả công việc đạo diễn, sáng tác kịch bản, viết sách, và dạy học. Bà được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân trong năm 2012 cũng chính vì những đóng góp quá đa dạng ấy.
Cải lương như một định mệnh
9 tuổi mồ côi mẹ, Bạch Tuyết được cha gởi vào trường dòng để học, chịu sự rèn luyện nề nếp của các ma-sơ. Nhưng lạ sao, bà vẫn tìm đến với nghệ thuật như một định mệnh. Nghệ thuật cải lương mơ mộng, bay bổng, mà ngay chính bà cũng không dám nghĩ mình sẽ bước chân vào.
Những lần đi xem cải lương chui, “con bé” Bạch Tuyết chen vô xin hình của nghệ sĩ Út Bạch Lan, Thẩm Thúy Hằng, Thanh Nga… rồi ngồi vẽ lại trên giấy cho đỡ ghiền. Định mệnh tiếp tục đưa đẩy Bạch Tuyết làm quen với soạn giả Điêu Huyền, ông giới thiệu cô gái trẻ tiếp xúc với những tay đàn cự phách như Ba Luông, Chân Vân, Vũy Chỗ, học ca một cách mùi mẫn. Thế là 16 tuổi, Bạch Tuyết bước hẳn vào thánh đường cải lương. Chỉ sau 1 năm đi đoàn tỉnh, bà đã về đoàn Út Trà Ôn, và cũng 1 năm sau thì đoạt giải Thanh Tâm. Chỉ 3 năm bắt đầu sự nghiệp mà Bạch Tuyết đã đến đỉnh vinh quang.
Sự nghiệp ấy còn rực rỡ khi Bạch Tuyết về đoàn Dạ Lý Hương, kết hợp với Hùng Cường làm thành “đôi sóng thần” tung hoành khắp sân khấu miền Nam. Bà được báo chí gọi là “Cải lương chi bảo”, là một “danh hiệu” quý giá đã theo bà suốt đời. Sau 1975, bà tiếp tục phát triển rực rỡ, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú rồiNghệ sĩ Nhân dân.
Những đóng góp phong phú
NSND Bạch Tuyết không chỉ đi hát, mà bà còn có những đóng góp phong phú cho cải lương. Việc bà lấy được bằng Tiến sĩ là một vết son cho giới nghệ sĩ vốn ngày xưa bị xem là “xướng ca vô loài”. Bạch Tuyết hồi tưởng: “Những năm sau giải phóng, nghệ sĩ Sài Gòn chúng tôi có dịp tiếp cận với nhiều cán bộ cách mạng, trong đó có anh Ba (Lê Duy Hạnh). Một bữa nọ, anh Ba nói thẳng vô mặt tôi: “Cô hát thì hay thiệt, nhưng không có nền tảng học vấn thì người ta cứ xem là dốt”. Trời đất ơi, tôi như bị tạt gáo nước lạnh. Tôi hỏi: “Học sao hả anh?”. “Thì học văn hóa, nâng cao trình độ mọi mặt”. Thế là tôi tức quá, về nhà cắp cặp đi học lại, lấy xong bằng lớp 12, thi luôn vô Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, miệt mài cho bằng được cái bằng Cử nhân năm 1985. Rồi bay luôn qua Bungaria học tiếp, lấy văn bằng Tiến sĩ năm 1988 khoa đạo diễn ở Viện Hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh tại Sofia. Trong những năm này, gia đình tôi cũng gặp nhiều thăng trầm, nhưng tôi vẫn quyết chí học. Sau này tôi mới biết anh Ba “kích” tôi để tôi phấn đấu, tôi cảm ơn anh Ba suốt đời”.
Nhờ nền tảng học vấn ấy mà Bạch Tuyết có thể viết sách như Lá thư bạn đạo, Bay qua đỉnh mặt trời, Tập tản văn Bạch Tuyết… sáng tác và đạo diễn nhiều kịch bản đầy chất văn học như Trần Nhân Tông, Tứ đại oán, Mùa Thu trong mắt mẹ… viết những trường ca Phật giáo như Pháp Cú, Phật giáo trong lòng dân tộc…dạy học, và viết những trích đoạn cho lớp trẻ dự thi, ngồi ghế giám khảo cho các cuộc tranh tài Chuông Vàng vọng cổ, Trần Hữu Trang, Bông Lúa Vàng… Công việc bà nhiều và thú vị như thế, nên lúc nào cũng thấy bà tràn đầy năng lượng.
Vai diễn để đời
Cho đến giờ, NSND Bạch Tuyết vẫn có những vai diễn để đời không ai thay thế nổi. Một Thái hậu Dương Vân Nga (vở Dương Vân Nga) bản lĩnh, giọng nói, giọng ca lúc khắc khoải nỗi niềm, lúc hào sảng, anh hùng, quyết không vì tình riêng mà quên nợ nước, dũng cảm trao ngôi báu cho người ngoài hoàng tộc. Một nàng Nguyệt Nga (vở Kiều Nguyệt Nga) đẹp từ hình thể cho tới khí chất, giữ trọn thủy chung với mối tình đầu. Một Thúy Kiều (vở Kiều) số phận nổi trôi, trong bi kịch vẫn thấy sự sang trọng. Một cô Tần (vở Tần nương thất) vì cứu gia đình mà phải đi làm vũ nữ, rồi lên xe hoa với người chồng lớn tuổi, rồi chồng đột ngột qua đời, cô lọt vào cạm bẫy của tay bác sĩ gian manh. Cuối cùng, cô bắt đầu cuộc tình oan trái với đứa con riêng của ông chồng vừa mãn hạn tù trở về.
Bạch Tuyết còn một điểm son nữa với nhân vật vũ nữ. Đó là cô Lê Thị Trường An trong vở Tuyệt tình ca. Đây là vở làm rơi nước mắt biết bao khán giả, để lại dấu ấn sâu sắc suốt mấy chục năm nay, trong đó không chỉ bật lên tài năng của Bạch Tuyết, mà còn có những vai diễn để đời của NSND Út Trà Ôn, NSƯT Út Bạch Lan, NSƯT Thanh Sang.
Và vở Đời cô Lựu đã để lại một “tượng đài” nghệ thuật với vai cô Lựu đau khổ khi mất chồng, mất con, bị cưỡng hôn, và sống cuộc đời tù túng. Bà cùng NSND Diệp Lang đã trở thành những hoài niệm khó quên trong lòng khán giả.
Có thể nói, những vai diễn mà Bạch Tuyết khai phá đã trở thành khuôn mẫu cho nhiều thế hệ đi sau. Nhất là trích đoạn Dương Vân Nga, Đời cô Lựu và Kiều Nguyệt Nga đã xuất hiện trong hàng trăm cuộc thi, vì mang tính học thuật kinh điển. Bạch Tuyết xứng đáng là một “chi bảo” mà cải lương có thể tự hào.
Hoàng Kim
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất