Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn: Chơi jazz với đàn tranh, xẩm…

14/01/2013 14:03 GMT+7 | Âm nhạc

(giaidauscholar.com) - 20h ngày 17/1 tại Nhà hát TP.HCM sẽ có buổi biểu diễn của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cùng dàn nhạc Sài Gòn Bigband. Đây có thể xem là buổi biểu diễn khá đặc biệt và là sự kiện đáng nói trong đời sống âm nhạc TP.HCM - lần đầu tiên thành phố có dàn nhạc bigband… Và điều đáng nói hơn đây là dàn nhạc được thành lập bởi một nghệ sĩ.

Theo nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thì: “Đa số các thành phố lớn ở các nước trên thế giới đều có dàn nhạc bigband; ngay ở Đông Nam Á, Bangkok cũng có dàn nhạc này. Bigband có một tầm vóc nghệ thuật riêng và là “niềm tự hào” của mỗi thành phố trong những dịp lễ nghi quan trọng hoặc tiếp đón khách nước ngoài”.

Dàn nhạc của những niềm đam mê

* Lý do nào mà anh thành lập dàn nhạc bigband?

- Thời tôi còn học ở Berklee (Mỹ) tôi là thành viên ban nhạc bigband của nhà trường, việc ước mơ có một dàn nhạc như thế khởi đầu từ đó. Tôi đã đi biểu diễn gần 50 nước trên thế giới, đa số những thành phố mà tôi đến, họ đều có dàn nhạc bigband, nó như một nét văn hóa đặc sắc của từng thành phố. Trong sự nghiệp âm nhạc của tôi, những mong ước gần như đã được thực hiện, ngoại trừ dàn nhạc bigband. Có thể nói đây là việc làm để hoàn thành những ước mơ trong âm nhạc của bản thân.

* Một cá nhân nghệ sĩ đứng ra thành lập dàn nhạc chắc sẽ gặp rất nhiều khó khăn?

- Có thể nói, trong việc vận động anh em nghệ sĩ vào dàn nhạc, tôi được sự ủng hộ của mọi người, vì các nghệ sĩ đều có cùng đam mê như tôi, muốn có một dàn nhạc quy củ để biểu diễn. Trước mắt tôi chỉ lo những chi phí mua tổng phổ, phân phổ và chi phí trong quá trình luyện tập. Anh em không đòi hỏi thù lao và không yêu cầu mình bảo đảm thu nhập cho họ. Đó là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, là những đứng mũi chịu sào, tôi vẫn tự ý thức trách nhiệm của mình là làm sao để lo cho dàn nhạc có nhiều show diễn.

Trước mắt, Nhà hát TP.HCM ký hợp đồng với dàn nhạc biểu diễn suốt năm 2013, mỗi tháng 1 buổi vào thứ Bảy tuần đầu tháng. Tuy thù lao không cao nhưng đó là sự động viên rất lớn đối với bản thân tôi và dàn nhạc. Tôi tin rằng một thành phố như TP.HCM trong rất nhiều dịp sẽ cần đến dàn nhạc bigband, vấn đề là chúng tôi phải tự khẳng định mình bằng chất lượng biểu diễn.

Saxo Trần Mạnh Tuấn sẽ chơi nhạc cụ dân tộc

* Anh có thể nói về chương trình biểu diễn đêm 17/1 sắp tới?

- Chương trình sẽ gồm 2 phần: phần đầu là biểu diễn 5 tác phẩm do tôi sáng tác và một bản xẩm Hội làng. Sở dĩ tôi chọn Hội làng bởi nó có tiết tấu phù hợp với việc biểu diễn theo phong cách jazz. Những tác phẩm của tôi sáng tác đa số cũng được xây dựng trên chủ đề của dân ca như Ru rừng, Mưa rơi… Vì vậy trong phần này tôi sẽ sử dụng một số nhạc cụ dân tộc như dàn cồng chiêng (9 chiếc), sáo Mèo… Ngoài ra còn có sự tham gia biểu diễn của nghệ sĩ Hải Phượng (đàn tranh, t’rưng), nghệ sĩ Anh Tấn (đàn kìm, đàn đáy).

Phần 2 là biểu diễn những tác phẩm nhạc jazz nổi tiếng thế giới được chuyển soạn cho dàn nhạc bigband. Đặc biệt trong phần 2 này dàn nhạc sẽ biểu diễn tiết mục Trinh Cong Son In The Mood Of Jazz - trình diễn 1 tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo phong cách jazz, hy vọng đây sẽ là tiết mục mang lại nhiều thú vị cho người xem.

* Trong phần biểu diễn của dàn nhạc tại sao có cả tiết mục múa và hát?

- Trong một chương trình toàn hòa tấu nhạc jazz, nhất là dàn nhạc bigband, dù không mới so với thế giới, nhưng khá lạ lẫm đối với công chúng âm nhạc TP.HCM, có thể khán giả chưa quen với hình thức này, nên chúng tôi cố ý đưa những tiết mục nghệ sĩ Tuyết Loan hát cùng dàn nhạc, và một tiết mục múa của nhóm Saigon Swing Cats với mục đích làm cho chương trình “nhẹ nhàng” một chút và để chương trình có thêm tính “trình diễn”. Nếu việc biểu diễn của dàn nhạc bigband mang tính “áp đặt” đối với công chúng thì mình cũng làm sao để họ quen dần…

* Trong show diễn này còn có sự có mặt của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, một chương trình hòa tấu nhạc jazz có cần thiết phải có một đạo diễn danh tiếng như thế?

- Thật ra, bên cạnh việc chú ý đến chất lượng âm nhạc là chủ yếu, chúng tôi cũng muốn đem đến cho khán giả những yếu tố khác như ánh sáng, sự kết nối các tiết mục, các phần trong chương trình nên chương trình rất cần sự chuyên nghiệp của đạo diễn Phạm Hoàng Nam. Chương trình này có thể nói là sự đóng góp “free”(miễn phí)  của những người bạn vì niềm đam mê và vì một việc làm có ý nghĩa, và anh Phạm Hoàng Nam cũng là một trong những người bạn đó.

* Cám ơn anh và chúc đêm diễn thành công.


Bình Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm