Nghệ sĩ Tiến Hợi 'bén duyên' vai Bác Hồ từ 'Đêm trắng'

14/02/2022 07:35 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Bạn hữu nghệ sĩ thảng thốt trước hung tin NSƯT Tiến Hợi - người nghệ sĩ thể hiện thành công nhất hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, điện ảnh, truyền hình từ năm 1987 đến nay đã phiêu du về miền mây trắng. Bệnh tật không chừa một ai. Người nghệ sĩ đã gửi lại cõi tạm tuổi 63 tuổi vào sáng mùng 10 Tết.

Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi: Người giữ kỷ lục với các vai diễn về Bác Hồ

Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi: Người giữ kỷ lục với các vai diễn về Bác Hồ

Thông tin Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Hợi qua đời ở tuổi 63 khiến nhiều đồng nghiệp và khán giả vô cùng tiếc thương. Với khoảng 40 vai diễn về Bác Hồ ở các thể loại sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình...

Tôi dậy sớm đọc, viết và bất ngờ, thảng thốt chạm vào thông tin trên Facebook của nhà văn Nguyễn Quang Vinh: “4 giờ sáng nay, mùng 10 Tết, trái tim của bạn tôi, NSƯT Nguyễn Tiến Hợi ngừng đập. Vĩnh biệt bạn. Vô cùng thương xót. Một lời hẹn cho Chương trình ngày 7/5 còn đâu, Tiến Hợi ơi!”.

NSND Thu Hà xa xót, tiếc thương người đồng chí, đồng nghiệp cùng đơn vị từ Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn (Quân khu 2) đến Nhà hát Kịch Hà Nội: “Cháu không thể quên chú Hợi đẹp trai trong bộ quân phục ngày đầu tuyển cháu vào Đoàn. Chú hiền hậu, thanh cao sẽ mãi sống trong lòng những người yêu thương chú. Chú ra đi thanh thản nhé!”…

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ tiến Hợi (phải) và sau khi hóa trang thành Bác Hồ

Cái duyên ban đầu lưu luyến ấy

NSƯT Nguyễn Tiến Hợi sinh ngày 8/8/1959, quê cha ở thành phố Vinh (Nghệ An), quê mẹ ở Hà Nội. Anh sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật. Năm 1978, đứng trước lựa chọn nghề nghiệp, chàng trai tuổi Kỷ Hợi có gương mặt điện ảnh điển trai, dáng thư sinh đã trúng tuyển lớp đào tạo diễn viên kịch nói của Trường Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Sau khi tốt nghiệp, anh về đầu quân cho Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn (Quân khu 2) và bén duyên từ vai diễn đầu tiên…

Kịch bản Đêm trắng được Trung tá Lưu Quang Hà viết xong từ năm 1980 và trong quá trình, ông luôn bổ sung, chỉnh sửa cho hoàn thiện. Đêm trắng là kịch bản hấp dẫn, thu hút nhiều đoàn nghệ thuật dàn dựng cho các loại hình khác nhau.

Năm 1987, Đại tá Hồ Ngọc - Trưởng đoàn - quyết tâm dàn dựng vở kịch Đêm trắng cho Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn. Việc tìm diễn viên đóng vai Bác Hồ đã được Đoàn quan tâm ngay từ đầu. Đoàn có ý định mời nghệ sĩ lớn tuổi hơn, hoặc mời nghệ sĩ ở đoàn khác. Song, việc mời diễn viên ở đoàn khác sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi mỗi đoàn thường xuyên phải di chuyển. Không có cách nào khác, phải phát huy nội lực của đội ngũ nghệ sĩ trong đoàn.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Đạm Thủy hóa trang cho chồng vào vai lãnh tụ Hồ Chí Minh

Đạo diễn chọn và mời 2 diễn viên, trong đó có nghệ sĩ Tiến Hợi. Năm đó, anh mới 28 tuổi. Nhờ phép màu bàn tay “phù thủy” của nghệ sĩ hóa trang nổi tiếng của Hãng phim Truyện Việt Nam - NSƯT Nhữ Đình Nguyên mà diễn viên Tiến Hợi được đánh giá giống Bác Hồ từ vóc dáng, chiều cao, khuôn mặt, ánh mắt… Sau khi ngắm sản phẩm của mình, bác Nguyên cũng phải thốt lên “Tiến Hợi giống Bác lắm. Điều kiện thuận lợi như này Tiến Hợi đóng vai Bác là quá hợp lý”.

Được giao vai lãnh tụ Hồ Chí Minh, cơ duyên đến khiến anh tự hào, xúc động, nhưng cũng đầy lo lắng. Nghệ sĩ Tiến Hợi sắp xếp cho mình thời gian biểu tập luyện chung và nghiên cứu riêng hợp lý. Cứ sáng lên sàn tập cùng anh em. Chiều ngồi xem các bộ phim tư liệu về Bác. Tối tìm nơi yên tĩnh để nghe băng ghi âm giọng Bác Hồ nói chuyện và luyện theo giọng nói của Bác. Tiến Hợi cần mẫn học làm theo phong thái, dáng đi, cách làm việc của Bác.

Chú thích ảnh
NSƯT Tiến Hợi hóa thân thành Bác Hồ tại hang Pác Bó

Vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch Đêm trắng là bước khởi đầu thành công của anh.

Từ kịch bản hấp dẫn, diễn viên say nghề, dưới sự dàn dựng khéo léo của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, vở Đêm trắng ngay sau khi công diễn đã ghi dấu ấn đặc biệt với hơn 300 buổi diễn, được khán giả yêu mến đón nhận nồng nhiệt, trở thành một điểm sáng sân khấu những năm 1987 - 1988…

“Truyền nhân” của NSƯT Tiến Hợi

Là nghệ sĩ từng có hơn 40 vai diễn về lãnh tụ Hồ Chí Minh, hóa thân hàng trăm vở diễn lớn nhỏ trên sân khấu, truyền hình, điện ảnh, khi được hỏi ai sẽ là người kế tiếp đóng vai Bác Hồ thành công, NSƯT Tiến Hợi đã trả lời ngay: “Tôi ấn tượng với diễn viên Minh Hải của Nhà hát Kịch Việt Nam. Cậu ấy đã cố gắng thể hiện được phần nào tinh thần của Bác và tôi tin Minh Hải sẽ tiến bộ nhanh”.

Thể hiện thành công vai Bác Hồ trong nhiều thể loại nhất

Năm 1988, nghệ sĩ Tiến Hợi chuyển công tác về Nhà hát Kịch Hà Nội. Là diễn viên, anh đóng nhiều thể loại vai trong nhiều vở kịch do Nhà hát dàn dựng, như: Xin lĩnh án tử hình, Vùng lạnh, chùm hài Oái oăm đời, Sám hối, Vòng đời, Vị thánh trong mơ, Những người con Hà Nội… Là diễn viên, phải hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau, song nghệ sĩ Tiến Hợi tự thấy bản thân phù hợp đóng các vai chính kịch hơn. Cùng đóng nhiều kiểu vai, anh tham gia thể hiện hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Anh cố gắng đầu tư, chăm chút chuẩn bị cho từng vai diễn, như: Tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, nghe bác Vũ Kỳ kể chuyện về Bác Hồ…

Ngoài sân khấu, anh tham gia đóng nhiều tác phẩm điện ảnh - truyền hình, như: Hà Nội mùa Đông năm 46, Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hoa ban trắng, Hoa ban đỏ, Dãy bàn 4 người, Cảnh sát hình sự, Người phán xử, Bi kịch chưa đặt tên…

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Tiến Hợi (trái) đóng vai thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn”

Năm 1989, nghệ sĩ Tiến Hợi được đạo diễn Long Vân mời đóng vai Nguyễn Tất Thành trong phim Hẹn gặp lại Sài Gòn. Năm đó, anh ngoài 30 tuổi hóa thân vai Bác Hồ 21 tuổi (năm 1911) bắt đầu hành trình đi tìm đường cứu nước. Anh hiểu, cách thể hiện trên sân khấu kịch khác với cách thể hiện của phim điện ảnh. Sân khấu cách điệu, nhưng đặc trưng của điện ảnh là phải diễn ra như đời thực.

Với sân khấu, Tiến Hợi đã có thâm niên, nhưng với điện ảnh mới lần đầu chạm ngõ. Nhưng dẫu khó đến đâu cũng sẽ có cách gỡ. Anh đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu đặc trưng loại hình, tìm hiểu nhân vật lãnh tụ từ ngôn ngữ, ánh mắt, điệu bộ…và quan trọng nhất phải toát lên thần thái. Nghệ sĩ Tiến Hợi vào Huế để tìm hiểu thanh niên ở giai đoạn đó từ trang phục, sinh hoạt, phong tục tập quán, tình yêu…

Đến năm 1996, tham gia bộ phim Hà Nội mùa Đông năm 46, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trước đó. Vào vai lãnh tụ Hồ Chí Minh năm 1946, anh đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lịch sử gắn với chặng đường hoạt động của Bác từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc. Độ chênh tuổi tác khi Bác Hồ 56 tuổi và diễn viên gần 40 tuổi không chỉ ở hình thức thể hiện. Điều cốt lõi, anh phải tìm ra lối diễn thể hiện được thần thái, tâm tuệ của lãnh tụ. Biết là khó, nhưng khi tập trung cao độ, chuẩn bị kỹ lưỡng, hóa thân sâu sắc anh đã thành công.

Là đạo diễn tâm huyết có nghề, NSND Đặng Nhật Minh đã khơi mở, giúp diễn viên sáng tạo, phát huy nội lực, tỏa sáng được chân dung lãnh tụ trong cuộc chiến khốc liệt. Ở vai nào, nghệ sĩ Tiến Hợi đều nuôi dưỡng cảm xúc nguyên vẹn, tươi mới mỗi lần hóa thân hình tượng Bác Hồ. Bộ phim Hà Nội mùa Đông năm 46 công chiếu vào năm 1997 mang đến rất nhiều cảm xúc cho công chúng.

Chú thích ảnh
NSƯT Tiến Hợi đóng vai Hồ Chủ tịch trong phim “Hà Nội mùa Đông năm 46”

NSND Đặng Nhật Minh cho biết: "Hôm thực hiện quay cảnh đầu tiên có Tiến Hợi trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi tôi vừa hô tắt máy đã có tiếng vỗ tay rào rào. Tôi quay lại và thấy anh em trong đoàn phim đều hân hoan. Cả đoàn phim đều hồi hộp theo dõi việc chọn người đóng vai Bác Hồ. Những tràng vỗ tay đầu tiên dành cho bộ phim làm tôi vững tâm rất nhiều".

Đạo diễn đánh giá cao sự hóa thân của nghệ sĩ Tiến Hợi là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công cho bộ phim. “Có lẽ, Hà Nội mùa Đông năm 46 là đóng góp của Tiến Hợi. Anh diễn chân thật và quan trọng là giống nhất trong cả ngoại hình lẫn tiếng nói. Đúng là số trời đã định. Vai Hồ Chí Minh phải do Tiến Hợi đảm nhiệm, chứ không thể có ai khác”.

Bộ phim đã đoạt giải Bông sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam XII.

Ngoài sân khấu, điện ảnh, truyền hình, anh được các đạo diễn mời thể hiện hình tượng Bác Hồ trong hàng trăm lễ hội, lễ kỷ niệm, sự kiện lớn nhỏ.

Làm nên thành công thể hiện hình tượng vai diễn “đinh” ấy phải kể đến người nghệ sĩ hóa trang đồng hành cùng sự nghiệp của anh. Chị là Vương Đạm Thủy người cùng quê Bác ở Nam Đàn (Nghệ An), có ngày tháng sinh trùng với ngày tháng sinh của Bác (19/5). Trước khi tham gia vở Đêm trắng, Tiến Hợi và Đạm Thủy đã đến gặp NSƯT Nhữ Đình Nguyên - nghệ sĩ được đào tạo bài bản ở Nga để hóa trang và học kinh nghiệm hóa trang của nghệ sĩ nổi tiếng. Không chỉ giúp nghệ sĩ Tiến Hợi có tạo hình hóa thân vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở Đêm trắng mà kể từ đó đến nay, nghệ sĩ Đạm Thủy đã đồng hành với anh để hóa trang trong hàng trăm chương trình sự kiện, vở diễn sân khấu, truyền hình. Nghệ sĩ Đạm Thủy chính là người bạn đời của anh.

Kể từ đó, cơ duyên dường như “đóng đinh” nghệ sĩ Tiến Hợi với vai diễn về hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh. Tự hào được nhận sứ mệnh cao quý này, nghệ sĩ Tiến Hợi đã nỗ lực không ngừng, nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi, tham khảo băng hình, mượn, học theo chất giọng trầm ấm của Bác khi nói chuyện, chúc Tết… “Học thầy không tày học bạn”, Tiến Hợi luôn có ý thức học hỏi cách thể hiện hình tượng Bác ở mỗi nghệ sĩ. Ngoại hình là một yếu tố quan trọng có thể nhờ qua nghệ thuật hóa trang, nhưng điều cần quan tâm là phát huy diễn xuất nội tâm, thể hiện tinh thần bên trong của Người; khả năng xử lý tình huống và điều quan trọng là nuôi dưỡng cảm xúc nguyên vẹn khi thể hiện hình tượng lãnh tụ.

Các giải thưởng của NSƯT Tiến Hợi: Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 với vai diễn trong vở Xin lĩnh án tử hình; Huy chương Bạc với vai diễn trong vở Vùng lạnh tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc năm 2018.

Năm 2013, sách Kỷ lục Guinness của Việt Nam đã xác nhận Tiến Hợi là "Nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ trong nhiều thể loại nhất".

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm