Nghệ thuật móc túi trẻ em

06/10/2014 09:21 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Có một quảng cáo âm thầm chạy ở Mỹ, và chẳng cần rầm rộ nhưng chắc chắn sẽ tạo nên một cơn sốt ở mùa Giáng sinh: Hãy mua búp bê Elsa với giá 39,99 USD (chưa bao gồm thuế).

Đó là một con búp bê cao gần 40 cm, diện chiếc váy màu xanh, cổ đeo một chiếc vòng đá lấp lánh, mô phỏng nhân vật chính trong bộ phim hoạt hình Frozen nổi tiếng của Hãng Disney đã thu được hơn 1 tỷ USD từ các phòng vé toàn cầu chỉ sau gần nửa năm ra mắt.

Những con búp bê váy xanh Elsa cho mùa Giáng sinh chỉ là thế hệ sản phẩm thứ hai mà các nhà sản xuất đồ chơi của Hãng Mattel ăn theo bộ phim dựa trên hợp đồng mua bản quyền của Hãng Walt Disney.  

Tôi vẫn chưa quên cái cảnh người Mỹ (chứ không có nhiều người Trung Quốc trộn lẫn chờ mua iPhone chuyển về Trung Quốc kiếm lời) rồng rắn xếp hàng cả tiếng đồng hồ ở các cửa hàng Disney Store chờ được mua đồ chơi rồi trả tiền hồi đầu năm.

Những vật dụng như cái áo, cái khăn, đôi giày… liên quan tới bộ phim Frozen xếp trên kệ chỉ sau vài phút là hết, và mỗi người chỉ được mua hai món (giống như iPhone chỉ mua hai cái). Còn hàng bán trực tuyến trên mạng Internet giỏi lắm chỉ tồn tại được nửa tiếng là “bay”.

Cơn sốt ấy chỉ nguội đi hồi đầu Hè năm nay còn các chuyên gia ở Mỹ tính toán doanh thu từ đồ chơi liên quan tới bộ phim Frozen sẽ mang về cho Disney khoảng 1 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2014.

Nếu so với chi phí khoảng 150 triệu USD để sản xuất bộ phim thì Disney đã lãi to và họ sẽ còn sống trong cảnh chỉ việc ngồi đếm tiền thu về từ Frozen trong nhiều năm nữa.

Cách đây mấy hôm, truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin Disney bỏ Hãng Mattel để ký với Hasrbo và nhận về khoảng 4 tỷ USD từ việc nhượng lại quyền sản xuất các con búp bê công chúa ra đời từ các bộ phim hoạt hình của hãng này.

Chưa hết, giá trị gia tăng từ Frozen mà Disney kiếm được còn từ việc tổ chức các show diễn “Disney On Ice” (show múa hát trên băng) mà vé thường được bán hết trước vài tháng.

Thực ra, câu chuyện ăn theo Frozen chỉ là sự tiếp nối trong lịch sử tồn tại của Disney với những bộ phim đi ra thẳng thế giới đồ chơi như chuột Mickey, Aladin, Nàng bạch tuyết, Xe hơi…

Và nó cũng chỉ là một trong các công ty đang tạo ra các cỗ máy kiếm tiền bằng cách “đầu độc” trẻ em qua những bộ phim hoạt hình như The Lego Movie của Lego đã giúp hãng này bán ra hàng trăm triệu USD đồ chơi chỉ trong năm nay, hay đồ chơi liên quan tới Ninja rùa, Người dơi…

Như một lẽ tất yếu, đồ chơi đi ra từ phim hoạt hình đang góp phần biến những món đồ chơi kinh điển trở nên lạc hậu như doanh số bán búp bê Barbie mỗi năm một giảm, đồng thời cứu các nhà sản xuất đồ chơi ở Mỹ trong bối cảnh thị trường đồ chơi không thể tăng trưởng sau khi đã đạt tổng doanh thu chừng 21 tỷ USD vài năm qua.  

Hoạt hình ở Mỹ, vì thế không chỉ là nghệ thuật làm phim, mà còn là nghệ thuật móc túi phụ huynh thông qua bọn trẻ.

Chúc anh chị sức khỏe và hẹn ở tuần sau!

Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm