Ngô Lực – tiếp tục đưa nghệ thuật... ra đường!

19/06/2008 23:57 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - Chiều qua 19/6, một cuộc thảo luận nghệ thuật tạo hình rất thú vị diễn ra tại quán cafe 61- Lương Ngọc Quyến (HN) với chủ đề xoay quanh dự án nghệ thuật cộng đồng mang tên: Ra đường... của họa sĩ trẻ Ngô Lực (sinh năm 1978).

Họa sĩ Ngô Lực
Vấn đề được đặt ra của dự án này là: Với số đông người VN, nhất là ở thành phố, nghệ thuật tạo hình đương đại vẫn là một khu vực biệt lập và nghệ sĩ bị công chúng xem như một "thành phần khó hiểu" hay làm những trò gây hoang mang. Vậy mục đích của dự án là đưa nghệ thuật hòa vào đời sống xã hội, gọi ngắn gọn là đưa nghệ thuật "ra đường", lấy nghệ thuật làm điểm kết nối, và đại chúng hóa, tạo điều kiện để nghệ sĩ và công chúng có thêm nhiều sự đồng cảm chung, và từ đó nâng cao hiệu quả của nghệ thuật đương đại đối với người xem số đông.
 
Điểm thú vị của dự án mang tính chất "xã hội hóa" rất cao này là không do một đơn vị nào (nước ngoài hay trong nước, như hầu hết các dự án nghệ thuật đương đại từ trước đến nay) tài trợ. Nghệ sĩ Ngô Lực tự bỏ tiền túi ra để "lôi kéo" các bạn bè đồng nghiệp và cả người không liên quan đến tạo hình mấy tham gia.
 
Và thành công đầu tiên của nó là đã lôi kéo được nhà thơ Lê Anh Hoài (hiện là phóng viên báo Tiền phong) tham gia một "sô" trình diễn độc lập mang tên Tôi là cột điện. Trong buổi trình diễn này, anh Lê Anh Hoài đã đứng yên ở bên cạnh đường như một cái cột điện, và mời người xem tha hồ vẽ, dán quảng cáo, sơn xịt... thậm chí cả trẻ con "tè" vào người anh, như một cái "cột điện" thực sự.  
Nhà thơ Lê Anh Hoài và tác phẩm Tôi là cột điện

Ý tưởng của Lê Anh Hoài là muốn "đồ vật hóa chính mình" (trong khi người ta chỉ thường làm một chiều là nhân cách hóa đồ vật) để gây một hiệu ứng "lạ hóa", đặt ra những câu hỏi đại khái là: Người ta đang đối xử ra sao đối với môi trường và môi sinh đô thị? Nếu ta chính là thiên nhiên và môi trường hay đồ vật bị đối xử tàn tệ như thế. Ta sẽ cảm thấy ra sao? Ta sẽ phản ứng thế nào?...

Ngoài ra dự án còn lôi kéo được một số nghệ sĩ chuyên nghiệp, không chuyên và các sinh viên nghệ thuật khác... như họa sĩ trẻ Lê Nguyên Mạnh, Lê Minh Tú, Vũ Hoài Nam... bởi hình thức thể hiện rất cởi mở, có chỗ cho mọi đối tượng, miễn là người tham gia thực hiện hành vi có ý đồ nghệ thuật của mình trên đường phố chứ không phải trong phòng kín. Có khoảng 15 nghệ sĩ đang lưu trú ở Hà Nội sẽ tự nguyện tham gia từng bước một vào dự án nghệ thuật này (lần lượt trình bày tác phẩm trên đường phố, rồi quay phim, chụp ảnh lại). Thời gian các nghệ sĩ trình bày thể nghiệm ở Hà Nội là từ 8 -20/6/2008. Kế tiếp là đến các nhóm nghệ sĩ ở Huế và TP.HCM. Tổng kết dự án sẽ là một triển lãm những hình ảnh đã được ghi lại, dự kiến cũng xảy ra tại một địa điểm không gian công cộng nào đó, kèm theo thảo luận trực tiếp.

 ...thậm chí cả trẻ con "tè" vào người anh, như một cái "cột điện" thực sự.
Năm ngoái, họa sĩ trẻ Ngô Lực đã làm một tác phẩm mang tính ý niệm mang tên Vào chợ tại Viet Art Centre (Trung tâm Nghệ thuật Việt, 42 - Yết Kiêu, HN). Anh chép dở một vài bức tranh nổi tiếng thế giới. Sau đó mời người xem vẽ thêm, bôi gì thì tùy. Ý đồ chính là làm người xem đừng quá xa lạ, kỳ thị hoặc thờ ơ... với các tác phẩm nghệ thuật , hãy tham gia và cảm nhận với nó... Từ đó, anh liên tục kiên trì thực hiện những hành động nhằm mục đích khuếch trương ý tưởng "xã hội hóa" nghệ thuật tạo hình vì cộng đồng hơn nữa.
 
Chùm ảnh: Nhà thơ Lê Anh Hoài "Tôi làm cột điện"

Ảnh: Blog's Búp bê bằng bột

Vũ Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm