18/05/2018 07:00 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Đành rằng mọi hoạt động từ thiện đều có phát xuất hoặc có một phần nhắm đến sự xúc động và hiệu ứng từ cảm xúc chung, nên mới có câu “tùy lòng hảo tâm của mọi người”. Thế nhưng, có những trường hợp như bán hàng, đấu giá vì từ thiện lại quá nhắm vào lòng thương cảm, nghĩa là vì sự mủi lòng mà mua món hàng nào đó, đôi khi mua miễn cưỡng, mua về không sử dụng được, hoặc giá trị sử dụng rất thấp.
Gần đây, nhiều tổ chức thiện nguyện tại Việt Nam như Phẫu thuật nụ cười Việt Nam, Sống để yêu thương Việt Nam, Nhà chống lũ, các chương trình âm nhạc (còn rất nhiều nữa)… đã có cách làm khác…
Họ cũng kêu gọi mua tác phẩm nghệ thuật hoặc mua vé nghe nhạc để có tiền cho từ thiện, nhưng các sản phẩm mà họ đưa ra tự thân nó có giá trị. Ví dụ như hôm 13/5, đêm nhạc Rock’n’Share do Psychotramps13 tổ chức đã thật sự mang đến cho khán giả một đêm rock Việt có phong cách và chất lượng âm nhạc, xứng đáng với tiền vé đã bỏ ra.
Hoặc như tối 19/5 tới đây tại TP.HCM, Phẫu thuật nụ cười Việt Nam sẽ tổ chức đấu giá nghệ thuật để có tiền mổ hàm ếch, sứt môi cho trẻ em Việt Nam. Phần lớn tác phẩm nghệ thuật mà họ đưa ra tự thân nó đã có giá trị và giá cả trên thị trường, nghĩa là người mua không cần phải miễn cưỡng, không cần mủi lòng khi bỏ tiền ra mua.
Đầu tiên là “Chân dung Xuân Thống” - một chứng nhân văn nghệ độc đáo - do danh họa Bùi Xuân Phái vẽ. Đối với những nhà sưu tập thích tranh chân dung của Bùi Xuân Phái, đây hoàn toàn là một tác phẩm đáng sưu tập, chưa nói giá khởi điểm của nó quá hấp dẫn, chỉ 900 USD v.v…
Thậm chí trong một phiên đấu từ thiện trước đây do Sống để yêu thương Việt Nam tổ chức, nhằm tìm kiếm kinh phí cho Quỹ Thiện Nhân trong việc phẫu thuật dị tật đường tiểu cho trẻ em. Bức tranh Gửi đêm (mực tàu và gouache màu trên giấy, 42 cm x 31,5 cm, 1992) của nhà thơ Bùi Giáng đã bán được 27.000 USD, trong khi giá khởi điểm chỉ là 2.500 USD. Đây là lần đầu tiên một bức tranh của Bùi Giáng lên sàn đấu giá, chứng tỏ nhà tổ chức từ thiện không chỉ muốn có tiền cho từ thiện, mà còn nỗ lực tìm kiếm những tác phẩm độc đáo, hiếm gặp cho những nhà sưu tập của họ. Người sở hữu Gửi đêm hoặc Chân dung Xuân Thống hẳn sẽ lấy làm tự hào, vì đâu phải dễ tìm gặp. Ngay các nhà đấu giá chuyên nghiệp cũng rất muốn có được những tác phẩm độc đáo như thế này.
Trên đây chỉ là một số ít trong rất nhiều ví dụ về việc nghệ thuật vì từ thiện, nhưng phía tổ chức muốn hạn chế sự mủi lòng bằng các sản phẩm có giá trị tự thân. Họ muốn người tham gia cảm thấy thoải mái, có ích lợi thực sự, nhằm tạo cảm giác giống như đến những tổ chức thương mại chuyên nghiệp để mua. Hơn nữa, mục đích tối thượng của nghệ thuật là làm đẹp cuộc đời, từ thiện cũng là làm đẹp cuộc đời, nên khi “ghép chung” nghệ thuật vào từ thiện thì càng cần tốt đẹp, trong sáng hơn nữa.
Sẵn sàng giúp đỡ người khác với lòng tốt, sự vô tư không hề là chuyện dễ dàng, nên nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mới cảm thán: “Mấy ai ở đặng hảo tâm/ Nắng đun chót nón, mưa dầm tả tơi”. Nhưng không phải không có cách và không có người làm được. Chỉ mong những cách hạn chế mủi lòng trong từ thiện được nhân rộng, để ba bên (người cho, người tổ chức cho, người nhận) đều có lợi và hạnh phúc thật sự.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất