19/06/2019 07:58 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - So với các bộ tứ mỹ thuật còn lại, trong nước, Nghiêm - Liên - Sáng - Phái có lẽ nổi tiếng hơn, do họ gần như gắn bó chặt chẽ với thăng trầm của nền mỹ thuật nửa sau thế kỷ 20. Đây cũng là giai đoạn mà về phê bình, về thị trường, về định vị thương hiệu… diễn ra mạnh mẽ hơn trước đó. Tên tuổi của bộ tứ này đều đã có tên đường và góp 4 tác phẩm vào bảo vật quốc gia.
Trong bộ tứ này, Bùi Xuân Phái (1/9/1920 - 24/6/1988) lớn tuổi nhất, nổi tiếng hơn, có nhiều giải thưởng hơn, nhưng chưa có tranh được công nhận là bảo vật quốc gia. Nguyễn Tư Nghiêm (20/10/1922-15/6/2016) có bức Gióng (sơn mài, vẽ năm 1990), Nguyễn Sáng (1/8/1923-16/12/1988) có 2 bức là Kết nạp đảng ở Điện Biên Phủ (sơn mài, 1956) và Thanh niên thành đồng (sơn mài, 1967-1978), Dương Bích Liên (17/7/1924-12/12/1988) có Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc (sơn mài, 1980). Đặc điểm chung của 4 bảo vật là sơn mài - một vật liệu không phải là thế mạnh của bộ tứ, trừ Nguyễn Sáng; Bùi Xuân Phái thì gần như không vẽ sơn mài.
Những độc đáo của “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”
“Nhìn vào tiến trình phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, chúng ta thấy rõ hơn sự độc đáo của cá tính nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm. Ông là người đi đầu trong những thử nghiệm nghệ thuật và sự đa dạng phong cách tạo hình. Đây là hoạ sĩ sớm chuyển dịch từ các đề tài lịch sử sang huyền sử” - nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nhận định.
Kết hợp lập thể, kỷ hà và bút pháp biểu hiện của Tây phương vào quan niệm thẩm mỹ, họa tiết, hoa văn truyền thống của người Việt để “tạo hình vuông” độc đáo, riêng biệt. Xem các tranh mà Nguyễn Tư Nghiêm vẽ thánh Gióng, vẽ các điệu múa cổ, vẽ Truyện Kiều, vẽ con giáp… có thể nhận ra nét vuông vức đặc trưng. Đây là một đóng góp to lớn của Nguyễn Tư Nghiêm vào lịch sử tạo hình của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Họa giới có câu thành ngữ “phố Phái, gái Liên” nhằm chỉ những đề tài mà hai họa sĩ này rất thành công. Trong mấy chục năm vẽ Hà Nội, có thể chia phố Phái ra 3 giai đoạn chính: từ 1960 đến 1970 là thời kỳ nâu; từ 1970 đến 1980 là thời kỳ ghi xám; từ 1980 đến 1988 là thời kỳ lam. Ông vẽ thành công đến mức mà phố Phái không còn là cái nhìn riêng tư, nó trở thành nỗi niềm chung của những ai yêu Hà Nội, nơi phôi pha và trường tồn gần như song hành.
Có lẽ vì vậy mà ngay sau 1975, phố Phái đã được giới chơi tranh quốc tế rất yêu thích. Ông gián tiếp trở thành một gương mặt đại diện cho thị trường mỹ thuật, từ sức hút với phố Phái mà các tác giả khác cũng bán được tác phẩm.
Nếu khoảng 2/3 tác phẩm Bùi Xuân Phái dành cho phố, thì 2/3 tác phẩm Dương Bích Liên dành cho phụ nữ. Vượt thoát quy chuẩn mô phạm, Dương Bích Liên nhanh chóng tạo cho mình một phong cách vẽ thiếu nữ không giống ai, vì vậy mà độc sáng. Các tranh thiếu nữ như: Thiếu nữ và hoa phong lan, Thiếu nữ bên hồ, Thiếu phụ, Thiếu nữ và hoa cúc trắng, Chân dung Tuyết Mai… (còn nhiều nữa) có thể xếp vào hàng kiệt tác tranh chân dung của hội hoạ Việt Nam hiện đại.
Nguyễn Sáng nổi tiếng với khả năng lọc hình, ẩn dụ và tượng trưng, không thích sự tỉa tót. Chính vì vậy mà ông đã mở ra được lối tạo hình và cách xử lý bảng màu riêng, nó là sự kết hợp từ truyền thống tranh thủy mặc của Đông phương và tranh giải phẫu bố cục, hình thể của Tây phương.
Đến nay chỉ có Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Sáng là những người có số lượng 2 tác phẩm được công nhận bảo vật quốc gia.
Vai trò của phê bình với “Nghiêm - Liên - Sáng - Phái”
Bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái chịu nhiều thăng trầm, nhưng nghiệm lại thì điều đó làm nên hương vị cuộc đời và danh tiếng cho họ. Đời một nghệ sĩ mà bình yên, phẳng phiu quá cũng không hay. Tuy phê bình mỹ thuật khủng hoảng vào cuối thế kỷ 20, nhưng suốt nửa thế kỷ trước đó, dù có thể chưa phát huy hết vai trò và đẳng cấp, phê bình đã luôn hiện diện và hữu hiệu.
Bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái gần như được sự đồng hành của nhà phê bình mỹ thuật tài danh Thái Bá Vân (1934-1999), cũng như nhiều người khác, có cả nước ngoài, nên địa vị tác phẩm của họ liên tục được phân tích, tôn vinh. Ví dụ một đoạn bình trác tuyệt về phố Phái của Thái Bá Vân: “Ông đã vẽ nó từ nguyên hình thể đến trừu tượng, khi nó chỉ còn là nhịp điệu và ánh sáng gần, xa của kỷ niệm. Tôi đã gọi nó là phố tiềm thức trong một cuộc triển lãm gần đây tại nhà riêng của ông”.
Và một nhận xét khác: “Nếu Nguyễn Tư Nghiêm là mệnh đề đứng riêng trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam, thì đó là, bởi ông đã tự chối bỏ cả chính mình, để mặc cho sự cám dỗ bí mật và tôn thiêng của cái đẹp luôn cuốn đi” - Thái Bá Vân nhận xét.
Hay như sau này nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng viết về Dương Bích Liên: “Ông không bám vào một cảnh trí như Bùi Xuân Phái, không trầm kha vào các ý tưởng số phận như Nguyễn Sáng, mà tinh tế đứng bên ngoài cái mình vẽ ra, vừa như là một sự kiện hiện hữu có thực, vừa như chuyện bịa, cảnh nằm mơ”.
Nhà nghiên cứu Nghiêm Nhan khi nhận định về Nguyễn Sáng đã viết: “Tranh Nguyễn Sáng hiện đại, bởi hội hoạ của ông không bao giờ là minh hoạ. Hội hoạ của ông là thái độ. Mỗi nhát cọ của ông đều là kiệt cùng cảm xúc và nhát nhát cọ ấy đều tới độ. Không có chỗ cho những hình vẽ hời hợt”.
Những nhận xét như thế này ăn sâu vào trí nhớ, vào tình yêu nghệ thuật của biết bao người.
Chính vai trò của phê bình, cũng như sự trỗi dậy của thị trường kịp lúc, trong đó có những nhà sưu tập lớn như Đức Minh (1920-1983) đã định vị tên tuổi, đẳng cấp bộ tứ này. Không phải ngẫu nhiên mà khi bắt đầu với sưu tập tranh Việt thời kỳ đầu, Bùi Xuân Phái luôn là cái tên được ưu tiên nhắc đến. Với nhiều nhà sưu tập quốc tế, bức tranh Việt đầu tiên mà họ mua cũng sẽ là phố Phái.
Có một điều đặc biệt nữa, dù rất nổi tiếng, nhưng tranh của bộ tứ này đến nay giá bán vẫn còn khá “dễ chịu”, ít có bức tranh nào vượt quá 100 ngàn USD, nhiều bức có giá chỉ 4-5 ngàn USD, nên càng thu hút giới sưu tầm.
Những chuyện đời đầy ám ảnh Trong bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, chỉ có Bùi Xuân Phái là sớm lập gia đình và có con cái, 3 người còn lại thì gần như sống đơn độc một đời. Nguyễn Tư Nghiêm đến năm 70 tuổi (năm 1991) mới lấy vợ, với câu nói nổi tiếng: “Sinh lực tôi đã cạn kiệt, chỉ có tình cảm dành cho em”. Chính tinh thần “thân bất do kỷ” này mà xung quanh đời họ có nhiều câu chuyện thi vị, những giai thoại đáng kể lại và đáng ghi nhớ. Những tháng cuối đời của Dương Bích Liên được Ý Nhi viết thành thơ: “Dương Bích Liên uống rượu/ lặng im/ và vẽ” (Đắc đạo). Gần 20 ngày cuối đời, ông “tịch cốc” (không ăn), chỉ uống rượu liên tục và chết. Di nguyện của Dương Bích Liên được Nguyễn Hào Hải ghi lại: “Sau này, trong cái ngày tiễn đưa tôi về bên kia thế giới, tôi không muốn có ai là người lớn, tôi muốn đến đưa tiễn tôi là một đứa bé, ăn mặc thật đúng điệu. Chỉ có đứa bé ấy, đi lững thững theo chiếc xe ngựa chở cái xác không hồn của tôi ra nghĩa trang”. Còn trong sổ tang Nguyễn Sáng, Trịnh Công Sơn viết: “Tôi chưa bao giờ đến viếng một đám tang nào lặng lẽ cô đơn đến thế. Đêm tối càng làm cho cái thân xác nằm yên trong những tấm gỗ hòm trơ trọi hơn thêm. Tội cho anh Sáng quá. Tranh của anh thì hào hoa, mà đời rượu của anh thì tồi tàn, tội nghiệp quá thể”. Trong điếu văn Nguyễn Sáng, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu nhắc lại lời của Nguyễn Sáng: “Khi liệm tôi, các ông trổ hai lỗ tròn ở hai vách áo quan để hai bàn tay tôi thò qua đó cho thiên hạ biết rằng khi vào đời Nguyễn Sáng chỉ có hai bàn tay không và khi ra đi cũng vậy”. Những chuyện đời như thế này, tuy buồn thê lương, nhưng chắc chắn sẽ còn lưu truyền lâu dài. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất