Ngọc Trinh, 'mua vui cũng được một vài trống canh'

11/04/2016 06:41 GMT+7

(giaidauscholar.com) - Phim về Ngọc Trinh đang gây tranh cãi, như chính cuộc đời của cô gái miền Tây. Tranh cãi bởi sự minh họa cuộc đời nhân vật đơn giản đến nhàm chán để gửi đi một thông điệp mà nhiều người khó chấp nhận.

Một cô gái sinh ra trong gia đình nghèo ở Trà Vinh, gia cảnh túng bấn, nợ nần, cô lên Sài Gòn kiếm tiền trả nợ cho cha. Ban đầu cô làm nhân viên quán bi-a, ở đây cô gặp ông bầu và về làm người mẫu diễn ở bar. Sau cuộc thi gọi là hoa hậu Đất đỏ, cô thành hoa hậu.

Sau đó là chuyện ngã giá kiểu “tình một đêm” của một anh nhà giàu. Giá cao nhưng cô không chịu. Anh tăng giá, cô không chịu, tặng quà cô không chịu. Cô chỉ nhận lời yêu anh cùng với nhà và xe anh tặng. “Bi kịch” ở phim là khi cô lái xe qua nhà phát hiện anh có vợ đẹp con ngoan.


Hình ảnh Ngọc Trinh trong phim "Vòng eo 56"

Công chúng luôn tò mò về đời tư người nổi tiếng, như gần đây, những tự truyện dồn dập “ra lò” và “đắt như tôm tươi”, hàng loạt nhân vật được biết mặt gọi tên phơi ra công chúng với phong trào hồi ký. Như Hồi ký Một đời giông bão của nghệ sĩ Thương Tín, rồi hàng loạt các tự truyện của Lê Vân, của ca sĩ Long Nhật, Tina Tình…

Không hiếm chủ nhân hồi ký tiếc rẻ ca thán khi ra mắt sách: “Cuộc đời tôi lên phim còn dữ dội hơn nhiều”. Làm phim điện ảnh thay cho tự truyện thì có lẽ mới chỉ có Trinh và cô không giấu diếm chuyện chi 18 tỉ đồng làm bộ phim về cuộc đời mình. Và dù dịu dàng hay dữ dội, lãng mạn hay trần trụi, sàn diễn hay giường chiếu thì chuyện về người nổi tiếng đều gây ra tranh cãi cả. Phim của Trinh về Trinh cũng vậy.

Nó chứa đựng nhiều tư liệu về đời tư cá nhân nhưng cũng như sách, phim có quyền hư cấu, mặc tác giả hay đạo diễn có xuất hiện và cam đoan những tỷ lệ sự thật, dù trăm phần trăm như người ta ngửa cổ dốc cạn cốc bia, hay vài chục phần trăm như người còn tỉnh táo bên bàn nhậu.

Phim của Trinh chưa đến mức khơi vết thương lòng của những người bị động chạm “giúp nghệ sĩ có tiền mua sữa nuôi con nhỏ”, như một nghệ sĩ từng ra tự truyện. Nhưng nói như báo Pháp luật TP HCM: nó có vẻ “hợp thức hóa” về mặt đạo đức những điều vốn tai tiếng thậm chí là vi phạm pháp luật đã tồn tại trong showbiz: Biểu diễn bikini ở bar, người mẫu bán dâm, người mẫu làm gái bao. Những hành vi đó được khoác lên chiếc áo nhân văn rằng kiếm tiền báo hiếu, lo cho cha mẹ…

Nó khiến người ta nghĩ tới lời thanh minh vụng về của kẻ lấy mục đích biện minh cho việc làm, như thông điệp mà đoàn làm phim muốn gửi gắm đến công chúng “dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì Ngọc Trinh vẫn luôn là một cô gái hiếu thảo, thật thà không ngừng vươn lên trong cuộc sống”, khi trong phim Ngọc Trinh làm mọi việc vì gia đình, vì lòng hiếu thảo.

Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng công chúng có sự đề kháng trước điều này. Như khi đã chấp nhận cầm trên tay một đĩa phim kinh dị, họ sẽ đề phòng về sự xuất hiện của những con ma. Có vô vàn lý do để xem một bộ phim, xem để thỏa mãn tò mò, xem vì người ta nhắc đến quá nhiều, xem để giết thời gian, để mua vui... chứ không phải để làm theo. Ngay cả khi Nguyễn Du viết Truyện Kiều cũng chỉ khiêm tốn rằng: “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Thúy Kiều chả bán mình chuộc cha làm gái lầu xanh là gì.

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm