Người đã tạo ra Calcio (kỳ 1): Viết báo thể thao bằng… tiếng địa phương

02/09/2015 21:59 GMT+7 | Italy

(giaidauscholar.com)- Gianni Brera là người đã đặt tên cho vị trí libero trong bóng đá, là người phổ cập lối chơi catenaccio của đất nước Italy ra thế giới. Ngày ông mất là ngày kết thúc của sự sáng tạo. Từ thời khắc đó, những gì còn lại chỉ là thứ bóng đá tầm thường…

Dưới đây là bài viết của ký giả James Horncastle  trên tạp chí The Blizzard số 2. Bài viết được đăng 3 kỳ trên giaidauscholar.com, bắt đầu từ hôm nay, 2/9.

Dạy người Italy chơi bóng đá

Hãy rảo bộ trên một con đường đầy lá tại Coverciano, thành phố nhỏ thuộc vùng Đông-Bắc Florence, bạn sẽ không thể dằn lòng mình để bước vào Bảo tàng Calcio, tọa lạc tại đường Aldo Palazzeschi.

Trong bảo tàng ấy, giữa hàng dài những chiếc áo đấu được lưu lại qua từng thời kỳ, đặt theo thứ tự thời gian, giữa những hiện vật được cất ngăn nắp trong lớp kính, dưới trần nhà gỗ… là một chiếc máy đánh chữ màu đỏ hiệu Olivetti. Đó là một chiếc Lettera 62 cầm tay lỗi thời, cũ kỹ, một hiện vật không đáng kể, nếu không muốn nói là xấu xí.

Nhưng nó không may mắn mà có mặt ở đó, cả vị trí đặt bảo tàng này cũng vậy. Cách đó 850m là cổng vào của Coverciano, trung tâm đầu não và nền tảng của bóng đá Italy. Còn ông chủ của chiếc máy đánh chữ ấy cũng không phải một người tầm thường.

Đó là một trong 4 chiếc máy đánh chữ từng thuộc về ông, Gianni Brera, một nhà báo thể thao. Người nói không ngoa, đã cắt nghĩa cho đất nước Italy cách hiểu, suy nghĩ, trò chuyện và hơn hết, là cách để chơi môn bóng đá trong nhiều thập kỷ.

Ông không phải một HLV, nhưng bằng khả năng của riêng mình, đã soạn ra nhiều hơn ai hết những “giáo trình” bóng đá. Nhưng không phải lúc nào những “giáo trình” ấy cũng phục vụ cho lợi ích của đất nước Italy. Vì thế, ông được người Italy yêu thích, và cả căm ghét.

Gianni Brera tự coi mình là một nhà tư tưởng. Phím ngà, con chữ chính là công cụ truyền giáo của ông. Con người Brera cũng như loại rượu Barbaresco ông thường uống. Gương mặt đầy nếp nhăn, râu quai nón và mái tóc chải ngược lên, ánh màu bạc như khói pipe ông vẫn hút.

Bảo tàng Calcio và chiếc Lettera 62 từng thuộc về Gianni Brera

Tuổi thơ & chiến tranh

Gianni Brera sinh ngày 8/9/1919 tại San Zenone, tại một ngôi làng nhỏ phía Bắc tỉnh Pavia, nơi hai dòng sông Po và Olona hợp nhất. Nguồn cội Padania là thứ ảnh hưởng đến ông rất nhiều sau này, cả trong cách tư duy bóng đá. Cha mẹ ông là một thợ may và một thợ cắt tóc. Tuổi thơ của Brera là những tháng ngày rong ruổi cùng quả bóng tròn – cùng fòlberas theo tiếng địa phương Padania, cùng bè bạn trên những bãi cát, bãi đất trống hay tại nhà nguyện của nhà thờ địa phương San Bartolomeo. Về sau, ông khệnh khạng chia sẻ với Il Giorno: “Tôi từng chơi tiền đạo và là Chúa Jesus Christ của dân làng mình! Nhưng tôi không thể trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp vì không có đủ những tố chất cần thiết của một VĐV”.

Nhưng chính những kinh nghiệm chơi bóng đó, gồm cả thời gian đá tiền vệ cho một đội nghiệp dư ở Milan, đã giúp ông nhìn nhận các trận đấu sâu sắc hơn hẳn những phóng viên bình thường: “Trước tôi, quá nhiều người viết về bóng đá mà không hề xỏ giầy đá bóng. Tôi nhận thấy được sự cần thiết của việc chỉ rõ những gì tôi và các cầu thủ đã thực hiện trên sân cỏ. Những người khác, họ chỉ kể những câu chuyện cổ tích”, ông khẳng định.

Gianni Brera (1919 - 1992)

Trưởng thành, Brera là một sinh viên đại học chính trị. Ông xuất hiện lần đầu trong tư cách một cây viết bóng đá trên tờ Guerin Sportivoas, vào năm 17 tuổi. Brera viết về những giải đấu hạng thấp cho tạp chí này cho đến thời điểm bùng nổ Thế chiến thứ 2. Ông nhập ngũ và gia nhập một binh đoàn nhảy dù. Hiệp ước đình chiến được ký kết, đơn vị của Brera xuất ngũ, nhưng Brera chưa dừng lại: Ông đã mạnh dạn đăng ký vào Lữ đoàn Garibaldi số 10, phe Val d'Ossola, để tham gia ngăn chặn nỗ lực của Đức quốc xã đang ra sức phá hủy những cơ sở hạ tầng địa phương. Dù sau này, Brera khẳng định ông chưa từng bắn một phát súng nào trong cả cuộc đời…

Không thích dùng tiếng Ý toàn dân

Sau chiến tranh, Brera “gác kiếm” và được thuê viết cho La Gazzetta dello Sport. Năm 1949, khi mới 30 tuổi, ông trở thành biên tập của tờ báo màu hồng.

Tuy nhiên, Brera sinh ra để làm người cầm bút. Không phải một đạo diễn, một biên tập viên. Ông rời tòa soạn GdS năm 1954, chuyển sang viết cho tờ Il Giorno. Nơi đó, Brera đã làm nên tên tuổi bằng phong cách viết của riêng mình. Umberto Eco, nhà triết học, nhà phê bình văn học, tác giả cuốn The Name of the Rose từng có bài viết ví Brera như “một Gadda thuyết giảng cho dân chúng”.

Carlo Emilio Gadda, là người từng làm nên cuộc cách mạng táo bạo trong văn học Italy thế kỷ 20, với quyết định chỉ sử dụng tiếng địa phương để miêu tả nhân vật Romanesco trong tiểu thuyết Quer pasticciaccio brutto de via Merulana (tên tiếng Anh: That Awful Mess on the Via Merulana). Gianni Brera đã làm nên điều tương tự. Việc chỉ viết chuyên trách một mảng thể thao đã đưa tên tuổi của ông đến gần với quần chúng, nhất là quần chúng bình dân, những người phần lớn vẫn giữ lại tiếng địa phương như một niềm tự hào về bản sắc.

Italy vốn là quốc gia tương đối trẻ và tiếng Ý là một ngôn ngữ mới. Vào thời điểm thống nhất đất nước dưới thời Garibaldi, năm 1981, chỉ có 10% dân số nói tiếng Ý. Cho đến ngày nay, nhiều vùng đất vẫn còn quá nhiều khác biệt để hợp nhất lại với nhau. “Tôi đã học tiếng Italy ở trường, nhưng tôi luôn suy nghĩ bằng tiếng redefossiano (tiếng địa phương của ông). Sau khi rời trường học, để tăng tốc độ công việc, tôi cần phải tư duy thật nhanh bằng ngôn ngữ của chính mình. Đôi khi, tôi phải viết 20 trang báo trong một chiều Chủ nhật. Tôi cần những con chữ chạy ra một cách thuận tiện nhất, chúng hầu hết là tiếng địa phương. Nếu được phép viết tất cả mọi thứ bằng phương ngữ, tôi đã hạnh phúc hơn nhiều”, Brera khẳng định.

Vào những năm 1860, trục ngôn ngữ Italy đã xoay vần dần từ nguồn gốc Florence về tam giác công nghiệp phía Bắc (hình thành bởi Milan, Turin và Genoa). Nhu cầu việc làm khiến dân nhập cư ồ ạt đổ về các nhà máy như FIAT, và quyền lực của đài quốc gia (vốn lấy chuẩn của Milan và Turin) đã tác động rất lớn vào sự phát triển của tiếng Ý.

“Một ngôn ngữ trước hết phải chân thực và gần gũi với đời sống hiện thực. Và thể thao là vùng đất để ngôn ngữ thực hiện thiên chức đó. Thể thao tác động đến nhiều người, khiến chúng ta trò chuyện về nó, suy nghĩ về nó, nhớ về nó cả trong tiềm thức. Để từ đó, ta sáng tạo ra các từ mới và thành ngữ mới”, đó là quan điểm của Brera. Áp dụng vào thực tế, ông viết tường bình các trận đấu cũng bằng phương ngữ. Không chỉ bằng tiếng địa phương Lombardy mà còn từ các vùng Lazio, Campania và Tuscany. Kết quả: Các bài viết của ông được phổ biến ra rất nhiều vùng, miền trên đất nước, và lượng báo bán ra cũng nhiều như lượng người biết đến ông!

"Nếu được viết tất cả mọi thứ bằng phương ngữ, tôi đã hạnh phúc hơn nhiều"

HLV đương đại Jose Mourinho hẳn cũng là một người hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề này. Trong buổi ra mắt đội Inter năm 2009, khi được đặt câu hỏi: “Liệu các cầu thủ Chelsea (thời đó) sẽ chơi tốt tại Serie A?”, ông nhíu mày và đáp “io non sono un pirla”  (tôi không phải một thằng ngu), pilar là tiếng địa phương Milan. 

Brera còn tinh vi hơn: Đôi khi, ông sử dụng phương ngữ để… giới thiệu quê quán của các cầu thủ. Khi tường thuật “Romeo Benetti chuyền về cho Gianni Rivera”, ông dùng từ “indrio” thay “dietro”, cùng có nghĩa “trở lại” trong tiếng Ý. Qua đó, người ta biết Benetti từ vùng Veneto đến.

Lựa chọn của Gianni Brera, cũng như Carlo Gadda, những người đã sử dụng phương ngữ trong các tác phẩm của mình, là cả một bài học về quá trình phổ biến sản phẩm. Hơn thế nữa, chúng còn góp phần gắn kết một đất nước mà đến tận ngày nay vẫn còn quá nhiều khác biệt trong nội bộ.

Umberto Eco từng ví Brera như “một Gadda thuyết giảng cho dân chúng”

Carlo Emilio Gadda, người từng được nhà văn Italo Calvino và đạo diễn Pier Paolo Pasolini công nhận là một trong những nhà văn lớn nhất của Italy trong thế kỷ 20. Ông là người Lombard (Bắc nước Ý) như Brera. Cuốn tiểu thuyết Quer pasticciaccio brutto de via Merulana (tên tiếng Anh: That Awful Mess on the Via Merulana), một câu chuyện đầy ám ảnh về cuộc sống và cái chết của xã hội Roma, đã tạo ra cuộc cách mạng lớn về tiểu thuyết, khi ông đưa tiếng địa phương của mình vào tác phẩm.

Đó là một động tác táo bạo của Gadda. Vì kể từ thời của Alessandro Manzoni, cùng tác phẩm The Betrothed được coi là biểu tượng thống nhất Italy về mặt ngôn ngữ, sự kết hợp giữa chuẩn ngữ và phương ngữ trong tác phẩm này đã lập tức trở thành chuẩn mực quốc gia. Nhưng cũng từ thời đó, chưa một tác giả nào đưa sự kết hợp phức tạp này lên hàng tuyệt đỉnh như người tiền bối. 

Hành động của Gadda giống như một động tác xé rào: Ông chỉ áp dụng phương ngữ để miêu tả các nhân vật trong truyện, trong trường hợp này là nhân vật Romanesco. Động tác đó đã phát huy hiệu quả. 

Hoài Thuận

Biên dịch

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm