11/09/2015 16:21 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Hơn 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập úng nếu nước biển dâng 1 mét.
Đó là kịch bản biến đổi khí hậu xảy ra đối với Tây Nam bộ được ông Nguyễn Phương Lam - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ đưa ra tại diễn đàn đối thoại chính sách "Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu các nguy cơ đối với doanh nghiệp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long". Diễn đàn do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức tại Cần Thơ ngày 11/9.
Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích khoảng 40,5 ngàn kilômét vuông, dân số 17,5 triệu người, là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, góp phần rất lớn cho việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu trên thế giới. Vùng được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trong tương lai gần.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình của vùng có thể tăng từ 2,5 - 3,7 độ C, nước biển dâng trung bình từ 0,8 mét đến 1 mét. Từ đó, khiến khoảng 39% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập trong nước, ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: Thực tế hiện nay biến đổi khí hậu nhất là nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Gần đây, tác động của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phức tạp, khó lường; lượng mưa giảm, thay vào đó là dông, lốc xuất hiện nhiều hơn, nhiệt độ trung bình tăng cao, thiếu nước sản xuất xảy ra một vài nơi trong vùng, có nơi bị thiếu nước sinh hoạt ở những vùng mà từ trước đến nay chưa từng xảy ra. Theo ghi nhận, lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ít hơn những năm trước, xâm nhập mặn sớm đã lấn sâu vào nội địa và thời gian kéo dài hơn, sạt lở đất ven biển, bờ sông diễn ra ở nhiều nơi...
Trước sức ép của rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu, nhiều chuyên gia cho rằng, người dân và doanh nghiệp trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phải có bước chuẩn bị trong ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, nhất là thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với rủi ro. Bên cạnh đó, cần xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu khả thi nhất để doanh nghiệp tham gia; cần nâng cao trách nhiệm cộng đồng và doanh nghiệp trong phòng chống rủi ro biến đổi khí hậu và đặc biệt cần có một chương trình truyền thông toàn diện về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cho doanh nghiệp trong vùng.
Thanh Sang - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất