13/02/2012 09:33 GMT+7
(TT&VH Online) - Không phải Maxi, người đã lôi Milan từ cõi chết trở về. Không phải Shaarawy, vị cứu tinh trẻ tuổi mang trong mình dòng máu Ai Cập và dáng vóc của một Faraon, hình ảnh ấn tượng nhất đêm qua, với tôi, là Allegri.
Ở cái tủ lạnh Friulli âm ba độ C, Allegri hò hét đến vã mồ hôi. Phải, đó là khuôn hình ấn tượng nhất. Người đàn ông 44 tuổi với những nếp nhăn khắc khổ đứng ngoài sân, trong một bộ măng tô lịch lãm, khua tay múa chân, ôm đầu chán nản, rồi trầm tư đứng một mình buông những tiếng thở dài. Ông hò hét như muốn nổ tung những chiếc micro dọc đường biên, tranh cãi với trọng tài về một chuyện gì đó, rồi như gỡ bỏ được gánh nặng lúc Milan ấn định tỉ số, hét thẳng vào mặt những anh chàng đỏ đen đang ôm nhau vui sướng trên sân như thể muốn nói: Có thế chứ! Milan rốt cuộc cũng đã toả sáng và ấm lên sau hơn 1 giờ đồng hồ đóng băng, từ phút 66, thời điểm Max đưa Maxi thay Nocerino, đến khi hết trận. Niềm vui vỡ oà với số ít Milanista trung thành bám trụ trên đất Udine lạnh lẽo. Nhưng với Max, như người ta vẫn nói, đó không phải là hạnh phúc, nó đơn giản chỉ là điểm đến sau một hành trình.1. Max đúng!
Nói đến Scudetto 19 vào thời điểm này chỉ như một trò hề. Phân tích Allegri ngay bây giờ cũng chỉ là một việc thừa thãi, vì trái bóng vốn tròn và những gì gắn với nó cũng đầy màu sắc và khó nói trước như số phận của một đời người. Nhưng nhắc lại Scudetto 18 và những gì Max đã làm từ ngày ông đến, cũng là một cách hay để hoài niệm và suy ngẫm.
Ngay từ lúc này, trong lòng cộng đồng yêu Milan vẫn tồn tại những quan điểm trái chiều: “Sa thải gã đó đi” và “Để cho Max được yên”. Allegri, trong tiếng Ý, nghĩa là vui vẻ. Nhưng ai cũng thấy, ông không chỉ có thứ cảm xúc dễ chịu ấy từ ngày đến Milan, mà còn là những căng thẳng, lo lắng, và đôi khi, cả sợ hãi.
Ở một đội bóng đặc biệt như Rossoneri, làm thuê dưới trướng ngài (giờ là cựu) thủ tướng đồng bóng, giàu tham vọng, thích chăn gối như Berlusconi, cũng chẳng dễ dàng gì. Max đã thành công khi Berlusconi chấp nhận làm ngơ cho ông với quyết định dứt khoát gạt khỏi đội hình một Dinho béo phệ, ưa nhảy múa nhưng lười tập luyện, một Pirlo đã không còn phù hợp với triết lý mới, tống Pippo già nua lên ghế dự bị và Seedorf giờ cũng phải biết chờ đợi. Ông cơ bắp hoá tuyến giữa, ít bay bướm hơn, nghèo ý tưởng hơn, nhưng bù lại, luôn như một boongke che chắn cho hàng phòng ngự đã chẳng còn trẻ trung gì. Ông nhào nặn Boateng, từ một gã công nhân từng chém gãy chân và khiến Ballack lỡ World Cup trên đất Nam Phi, thành một hộ công mạnh mẽ, giỏi sút xa và tận dụng khoảng trống. Ông đưa bộ não đội bóng từ con Pháo Pirlo lên phía trên, trao cây gậy cho Ibra, để anh làm phép. Ông đã đúng, vì sáng suốt nhận ra rằng Milan cần phải thay đổi với những con người hạn chế trong tay, cần phải làm mới chính mình sau một giấc ngủ quá dài từ 2007. Ông đã đúng, vì ngài Scudetto đã mang đến Via Turati chiếc khiên nhỏ thứ 18, vì sự can đảm và kiên định đáng ngợi khen.
2. Max sai?
Nhưng Max mới chỉ 44, mới dẫn dắt duy nhất Cagliari tạm gọi là ở đẳng cấp cao nhất của bóng đá Ý, trước khi đến Milan. 2 năm ở Cagliari, và đến nay, 2 năm với Milan, ông còn quá trẻ để trở thành một phiên bản hoàn hảo của chính mình. Những xì xào về Scudetto 18 thiếu thuyết phục trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh suy yếu bỗng dưng trở thành cơ sở luận tội ông sau những bết bát mùa này. Đi cùng thất bại lấm lưng trắng bụng và có quá ít lý do để biện hộ trước một Tottenham trẻ trung mùa trước ở Champions League, là sự non nớt ở đấu trường châu Âu vốn là sân chơi ưa thích của Milan cũng như những hạn chế về khả năng đọc trận đấu và xoay chuyển tình thế.
Từ Cagliari đến Milan, vẫn luôn chỉ là 4-3-1-2 đôi khi trở nên cứng nhắc, thiếu biến hoá và cũ kĩ. Milan Allegri có quá ít những phương án dự phòng, một sơ đồ khác, một cách chơi khác, những con người khác. Hình như những Juve, Napoli, Lazio, Udinese luôn chơi phản công rất hay và tỏ ra cực kì thoải mái khi gặp Milan mùa này là vì thế? Milan quá dễ bị bắt bài.
Tại sao cứ luôn phải 2 tiền đạo, 1 hộ công và không số 9, khi 3 cái tên tối quan trọng Boateng, Cassano, Pato vẫn nằm viện dài ngày? Milan có thể chơi với cây thông 4-3-2-1 hoặc 4-2-3-1 khi không có Boateng trên sân mà vẫn duy trì bộ khung 3 tiền vệ giữa sân, không chú trọng đá cánh và giữ được sự cân bằng. Nhìn sang Juve mùa này, Allegri thực sự thua kém Conte, không chỉ ở chiều sâu đội hình, những cá nhân Conte có trong tay, mà còn ở những phương án chiến thuật. Juve mùa này chơi đầy biến hoá và khó lường, khi là 4-2-4, khi là 4-2-3-1, hoặc thỉnh thoảng 3-5-2. Juventini có quyền tự hào về Conte, bởi ông đủ tự tin và tỉnh táo nhìn ra những gì Juve còn thiếu, những sai lầm của người tiền nhiệm, và giống như một người chơi Bingo xuất sắc, thông minh, giỏi xoay chuyển tình hình.
Inzaghi nữa, tại sao lại đối xử với anh như thế? Pippo, đồng ý, đã quá già cỗi và thiếu sức rướn trầm trọng so với chính anh thời đỉnh cao. Nhưng cái gọi là bản năng của một huyền thoại đã ghi 70 bàn ở các cúp châu Âu sẽ còn cho đến khi anh chơi bóng. Inzaghi có thể tạo nên đột biến trong những hoàn cảnh cụ thể bằng khát khao và những phẩm chất hiếm có. Max đúng khi để anh thành kép phụ, nhưng ông sai và có phần bất công với những nỗ lực của anh, đồng thời, bảo thủ và lãng phí vì dùng Inzaghi quá ít.
Còn nữa, một trong những nhức nhối lớn nhất của Milan – Allegri năm thứ hai là vẫn để Ibra chi phối quá nhiều đến lối chơi và tâm lý đội bóng. Ông không thuần hoá được gã khổng lồ Bắc Âu, đã 30 mà vẫn cứ như một Peter Pan thích nổi điên và mang tai hoạ đến vào những thời điểm quan trọng. Nếu có những phương án không Ibra được minh chứng qua những thử thách, xoay vòng nhiều hơn để những nhân tố quan trọng không kiệt sức vào mùa xuân, Milan, có lẽ, đã không khốn khổ thế này.
3. Phẩm chất người chiến thắng
Allegri không hoàn hảo nhưng không ai trách cứ ông. Ông cần thời gian. Tất cả cần hiểu rằng, với 14 tinh binh đang “nô đùa” trong Milan Lab, không thể đòi hỏi quá nhiều. Một HLV của Milan, không đơn giản chỉ cần khoác lên người những bộ vest lịch lãm của Dolce & Gabbana, cười thật tươi trước báo giới, tóc tai gọn gàng, cư xử như một quý ông, mà đôi khi, phải biết chờ đợi trong cam chịu và biết cách khiến Berlusconi hài lòng. Sacchi đã từng kiên quyết như một chú nhím xù lông khi giữ và dùng bằng được Rijkaard thay vì Borghi. Capello đã phải chơi chiêu với sếp hói khi nói thẳng vào mặt Savicevic rằng: “Nếu ông chủ có hỏi vì sao anh chạy loăng quăng ở bên phải, thì cứ nói, vì anh thích thế”. Ancelotti đã suýt bị đá đít ra đường nếu không giành Champions League 2003, bị “hắt xít” vì không dùng Rivaldo, cục cưng của Berlusconi, và lúc nào cũng văng vẳng bên tai câu nói của ông chủ: “Phải đá hai tiền đạo”.
Thế rồi Sacchi hoàn thiện bộ khung Hà Lan bay cho Milan vĩ đại nhất trong lịch sử, giành 2 cúp C1 liên tiếp năm 89, 90. Capello đánh bại Dream Team kiêu ngạo của thánh Johan với kẻ đóng thế vĩ đại, Savicevic, được dùng theo cách ông cho là đúng. Carletto đại đế đi vào sử sách với 2 Champions League, 1 Scudetto và cây thông Noel bất tử. Allegri giờ cũng phải như thế: kiên định, bướng bỉnh, một chút cam chịu để rồi bừng sáng ngày vinh quang.
Trước mắt, các pháo thủ đang đợi kia rồi. Forza Milan! Forza Allegri! (Tiến lên Milan! Tiến lến Allegri!)
Xeko
(Từ acmilan.vn và facebook.com/ludoandoden)
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân
của độc giả. Bạn đọc có thể phản hồi ngay trong mục comment dưới đây,
hoặc gửi ý kiến, bài vở về vấn đề được bàn luận trong bài hoặc các vấn
đề về bóng đá thế giới khác vào địa chỉ hòm thư điện tử
[email protected].
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất