23/08/2019 09:30 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - “Khó thể tưởng tượng các giải bóng đá phong trào thời gian gần đây lượng người xem còn nhiều khi hơn cả một trận V-League. Đơn giản bởi đây là sân chơi vô cùng hào hứng mà bất cứ khán giả nào đến sân cũng cảm thấy thỏa mãn. Như giải bóng đá Thiên Long Cúp Hele 2019 khai mạc cuối tuần qua thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả đến sân Trung tâm Thể thao Công an TP.HCM”, nhà báo - cây bút kỳ cựu của làng thể thao Việt Nam, Quang Tuyến, đã viết như thế trên báo Thanh Niên, cách đây ít ngày.
Người ta không thể so sánh tầm vóc hay quy mô giữa một trận đấu - giải đấu bóng đá phong trào, đôi khi gom góp vào để chơi và được chơi, với bóng đá chuyên nghiệp ngốn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng được. Nhưng nếu bóng đá là sự phục vụ, tận hiến, là mang lại lợi ích cho cộng đồng, là sòng phẳng, là nơi mà “lợi ích nhóm” không tồn tại…, thì xem ra bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam còn phải theo “sới phủi” dài dài. Đó là lý do các giải bóng đá phong trào ngày một thu hút và thậm chí lấn cả sân chuyên về sự quan tâm, theo dõi, cũng như số lượng CĐV đến sân.
Minh bạch, chuyên nghiệp…, là những cụm từ mà các đội bóng tham dự giải, cũng như khán giả, dành tặng cho những giải bóng đá phủi như HPL (Ngoại hạng phủi Hà Nội) hay Thiên Long League (hệ thống giải đấu sân 11 ở Sài Gòn), được tổ chức đều như... "vắt chanh". HPL sắp bước vào mùa thứ 7, trong khi Thiên Long League cũng vắt qua mùa giải thứ 5.
Trung bình một lượt trận của HPL thu hút khoảng 5 ngàn khán giả đến với sân C500 của Đại học An ninh, hoặc sân Bộ Công an. Trong khi đó, nhân viên bãi xe thậm chí không thể kiểm soát hết số lượng người đến sân Trung tâm Thể thao Công an TP.HCM ở ngày bế mạc giải Thiên Long League các mùa giải 2017- 2018. Ngay tại ngày khai mạc giải Thiên Long League phủi – Cúp Hele 2019, một giải đấu được xem là hạng Nhất của hệ thống giải Thiên Long, dành cho các cầu thủ phong trào thuần túy, tức là không có “cầu thủ” chuyên, đã có hàng ngàn người trẩy hội, với màn cổ động rất chuyên nghiệp.
HPL đã có giải hạng Nhất, hạng Nhì, thậm chí là hạng Ba, rất khoa học. Trong khi đó, Thiên Long cũng có đến 4 hạng mục giải đấu chính hàng năm là Giải các đội mạnh Thiên Long League, Thiên Long League “phủi”, giải Lão tướng 3 thế hệ dành cho các cầu thủ trên 40 tuổi và giải tập huấn dành các CLB chuyên nghiệp Việt Nam và nước ngoài, trước thềm mỗi mùa giải mới.
Một trận đấu hay một lượt đấu là một ngày hội thực sự, có cả những games show dành cho khán giả, có bốc thăm trúng thưởng những chiếc điện thoại thông minh, có cả góc bán quà lưu niệm mà người ta hay gọi là fan-zone; từ các cô gái tuổi ô mai đến các gia đình 2-3 thế hệ, kéo đến sân để cổ vũ bạn trai, hoặc là con em của họ thi thố. Họ chỉ mong những ngày làm việc qua nhanh để đến cuối tuần là đến sân. Đây là tâm lý rất thật. Tất cả được tận hưởng một bầu không khí bóng đá thực sự, không có sự nghi kỵ, mạnh được yếu thua, nhưng sau tất cả, lợi ích thuộc về xã hội, về cộng đồng.
Bóng đá phong trào há chẳng phải chân đế của bóng đá chuyên nghiệp, ấy vậy mà không ít người từ chối sân chuyên, chỉ gắn với “sới phủi”, cũng là có lý do cả đấy. “Bọn em không muốn “dính hạng” nên đã từ chối rất nhiều những lời đề nghị từ các đội bóng, bởi lên chuyên rồi quay về phủi phải mất nhiều năm. Vả lại, đá phủi tốt, thu nhập còn tốt hơn cả hạng Nhất, hạng Nhì quốc gia”.
“Cùng nhau chơi, cùng nhau tận hưởng” là khẩu hiệu của những giải bóng đá phủi, ở đó, cả người chơi và người xem cũng có những cơ hội để chia sẻ trách nhiệm với cộng động thông qua các hoạt động thiện nguyện đồng hành. Và đấy chính là giá trị cốt lõi của bóng đá, chứ không hẳn là danh hiệu.
Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, với hệ thống các giải bóng đá quốc gia, vắt qua tuổi 20, đã làm được những gì cho cộng đồng, hay vẫn mãi bị xem như “tằm ăn rỗi”, ngốn bao nguồn lực của xã hội?
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất