Nguyễn Các Ngọc: Người đàn bà mê… chợ

27/04/2014 08:25 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) - Cuối tuần qua, tiểu thương và ban quản lý chợ Bến Thành đã kỷ niệm 100 năm thành lập chợ. Cùng thời điểm này nhà báo Nguyễn Các Ngọc cũng cho ra mắt tác phẩm Chợ Bến Thành qua cuộc trăm năm do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Một cuốn sách thuộc dạng biên khảo về một ngôi chợ nổi tiếng trên cả nước và là một trong những biểu tượng của TP.HCM.

Viết lịch sử trăm năm về một làng, một chợ quả là không dễ vì thiếu rất nhiều tư liệu, chưa kể các học giả rất ít mặn mà với công việc nhỏ nhoi đó. Với nhà báo Nguyễn Các Ngọc lại khác, chị luôn quan niệm chợ là nơi thể hiện văn hóa một vùng đất, là cái “cân sức khỏe” kinh tế của một địa phương. Do đó, dù đi công tác ở bất kỳ tỉnh, thành nào trong cả nước, chị cũng chọn chợ là điểm đến ưu tiên số một, rồi mới đi xem thắng cảnh, danh lam.


Nhà báo Nguyễn Các Ngọc

Chuyên viết về chợ

Nhớ có lần đi khảo sát tour ở Ba Hòn (Kiên Giang), đơn vị lữ hành tổ chức bố trí cho chị nghỉ ở khách sạn sát biển cách chợ Ba Hòn gần 10 cây số. Chiều đến, cơm nước xong, cả đoàn ca hát vui bên lửa trại, chị đi hỏi thăm dân làng đường ra chợ Ba Hòn, tìm xe ôm “hợp đồng” sáng mai 4h đưa ra chợ. Đi thăm chợ, hỏi han bà con, chờ trời sáng, chụp vài kiểu hình để dành làm tư liệu là chị quay trở lại khách sạn đúng giờ quy định, bỏ cả bữa điểm tâm.

Ở  Sài Gòn cũng vậy, viết về chợ đầu mối thịt heo Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP.HCM), chị phải xuất phát từ 3 giờ sáng. Còn với chợ đầu mối Thủ Đức, chợ đầu mối Hóc Môn thì lại đi đêm, lựa thời điểm chợ đông đảo nhất, nhộn nhịp nhất để mô tả chính xác sinh hoạt của chợ.

Nhờ đam mê với chợ, nên 15 năm qua, Nguyễn Các Ngọc đã cho ra đời hai cuốn sách ghi chép lịch sử, hoạt động hàng trăm chợ trên cả nước. Những cuốn sách đã ra đời từ chợ, như: Đời chợ và Chợ tỉnh chợ quê (viết chung với Lương Minh) đã mang đến cho người đọc nhiều thông tin thú vị về sinh hoạt văn hóa, đặc sản các chợ và đời sống người dân địa phương. Có lẽ vì có duyên với chợ nên tiểu thương chợ Bến Thành đã khuyến khích chị viết cuốn sách chi tiết về chợ mà trước đây chưa có ai làm.


Bến Thành - ngôi chợ quốc tế

Chợ Bến Thành do nhà thầu Brossard et Maupin (tiền thân của hãng gạch bông Thanh Danh) khởi công từ năm 1912, đến cuối tháng 3/1914 thì hoàn tất. Chợ được xây bằng gạch chịu lực, bộ khung sắt, cột, kèo bê tông, mái ngói đỏ. Chợ rộng 13.000m2, có 16 cửa ra vào gồm 4 cửa chính và 12 cửa phụ, chiều dài từ cửa Nam đến cửa Bắc là 136m, từ cửa Đông đến cửa Tây là 96m. Trong lồng chợ có hai lối đi chính giao nhau, tiểu thương gọi là “đường chữ thập”: từ cửa chính Nam đến cửa chính Bắc và  từ cửa chính Đông đến cửa chính Tây, mỗi lối rộng 5m.

Nổi bật nhất trên nóc chợ ở mặt tiền hướng nam – đông – tây có gắn đồng hồ vuông vức. Tháp đồng hồ vững chãi cả trăm năm, chứng kiến biết bao đổi thay của thành phố phương Nam này.  

Ít ai nghĩ rằng đây là chợ dành cho khách du lịch, cho người nước ngoài, nói cách khác là chợ quốc tế. Nguyễn Các Ngọc đã mô tả cách thức bán buôn của những thương hiệu lâu đời ở chợ, những tiểu thương cha truyền con nối nhiều đời, những sạp hàng độc đáo kinh doanh theo thời kỳ mới, trong đó có việc xuất khẩu hàng ra nước ngoài. Chị còn giới thiệu về một nơi thờ “thần chợ” dành cho tiểu thương, một nhu cầu về tâm linh mà ít ai được biết.

Chợ Bến Thành qua cuộc trăm năm không phải là cẩm nang mua sắm, nhưng người đọc có thể tìm thấy trong đó những món ăn ngon, những người bán hàng uy tín của từng mặt hàng trước khi vào chợ.

Nếu như người Việt xa quê hương nhớ nhà, lập nên biểu tượng chợ Bến Thành ở các ngôi chợ người Việt ở nước ngoài thì việc đọc sách này sẽ là dịp ôn lại những kỷ niệm ngày xưa với chợ, trong đó những thương hiệu Nguyễn Thế Tài, Nguyễn Thế Năng (tiệm vàng),  nhà may Văn Quân, nhà thuốc Hoành Sơn dược hãng, hiệu thuốc tây Pharmacie Dương Hữu Lễ, tiệm thuốc tây Nguyễn Văn Cao, tiệm bánh Nguyễn Văn Đắc; nước mía Viễn Đông, quán cơm Thanh Bạch, quán kem Mai Hương, nhà hàng Kim Sơn, tiệm bánh trung thu Tân Tân, cơm chay Vạn Lộc.

Dù cho tác giả cố gắng nhiều, nhưng quyển Chợ Bến Thành qua cuộc trăm năm vẫn còn thiếu sót vì là công trình của cá nhân. Tuy nhiên, nói như nhà văn Sơn Nam thì đây chỉ là bước khởi đầu để những cây bút có thiện chí khác cùng chung tay góp sức cho một công trình tương tự ở tương lai.

LƯƠNG MINH
Thể thao & Văn hóa


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm