Tranh cãi trong ngày: Bóng đá Việt Nam sắp sản sinh ra Park Ji-Sung?

18/11/2012 07:52 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Từ sự kiện HLV Arsene Wenger triệu tập 4 cầu thủ trẻ của Học viện Hoàng Anh Gia Lai sang Arsenal, một câu hỏi được đặt ra: Liệu có phải người hâm mộ bóng đá sắp được chứng kiến một cầu thủ Việt Nam thi đấu ở Premier League, tranh giành những danh hiệu cao quý như "niềm tự hào châu Á" Park Ji-Sung?



Ảnh: Lương Xuân Trường (giữa) có khuôn mặt khá giống (đẹp trai hơn) Park Ji-Sung.

Lương Xuân Trường là một trong 4 người được triệu tập sang Arsenal. Trường đến từ Tuyên Quang, năm nay 17 tuổi, vị trí sở trường là tiền vệ trung tâm. Trường có khuôn mặt khá giống với Park Ji-Sung. Chắc hẳn gần 90 triệu người Việt Nam đều chờ mong Trường trở thành Park Ji-Sung của Việt Nam. Hãy thử tưởng tượng hình ảnh Trường, hay 3 cầu thủ trẻ khác sang Arsenal, giương cao chức vô địch Premier League (đáng tiếc là 7 năm rồi Arsenal trắng tay) hay tranh tài cùng Lionel Messi, Cristiano Ronaldo ở trận chung kết Champions League...

Đó chỉ là giấc mơ? Hiện tại thì đúng là mơ. Nhưng trước hết, phải dám mơ đã chứ. Dám mơ rồi mới dám hành động. Như Hàn Quốc, 15 năm trước họ đã mơ về thành công ở World Cup, mơ về cầu thủ của họ đá ở Premier League, cho gã khổng lồ M.U. Hãy nhớ bộ truyện tranh Tsubasa nổi tiếng, chứa đựng giấc mơ của người Nhật Bản, mơ cầu thủ của họ sẽ đá cho các CLB lớn và đạt thành công ở các sân chơi danh giá. Từ những giấc mơ ấy mới có hiện thực Park Ji-Sung hay Shinji Kagawa.

Trước đây chúng ta thường lấy lý do thể hình hạn chế của người Việt, quá thấp bé nhỏ con, để biện minh cho những thất bại. Nhưng bây giờ, hãy nhìn đi, chính những cầu thủ quá cao to mới "lỗi thời". Nếu không có Pique và Busquets, chiều cao trung bình của Barca hiện tại chỉ xấp xỉ ĐT Việt Nam hay bất kỳ CLB nào ở V-League. Kagawa chỉ cao 1m72, nặng 63 kg trong khi Xuân Trường của chúng ta cao 1m76, nặng 62,5kg.

Cầu thủ của chúng ta trước đây không được đào tạo bài bản, chủ yếu trưởng thành từ bóng đá đường phố. Nhưng bây giờ, với mô hình của học viện HAGL, với mô hình liên kết với các CLB lớn, vấn đề này bước đầu được khắc phục.

4 cầu thủ trẻ của chúng ta trước mắt chỉ sang Arsenal tập luyện khoảng 3, 4 tuần. Có thể không ai được giữ lại để đá lâu dài cho đội trẻ Arsenal. Nhưng còn sang năm, hai năm sau, 3 năm sau hay 15 năm sau như Hàn Quốc?

Cái gì cũng có lần đầu tiên, giấc mơ nào cũng cần bước chân đầu tiên. Như 10 năm về trước, việc xuất hiện một lò đào tạo cầu thủ trẻ có liên kết với CLB như Arsenal chỉ tồn tại trong giấc mơ. Giờ không những thành hiện thực mà các cầu thủ trẻ của chúng ta còn sang đó tập luyện.

Khi đã có bước chân đầu tiên, hãy mạnh dạn tiến bước và tin tưởng vào giấc mơ. Cứ đi rồi sẽ thành đường, sẽ đến đích.

Hãy cứ mơ đi. Không ai đánh thuế giấc mơ, kể cả trong thời buổi kinh tế khó khăn.

LÊ ĐỒ

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, bao lâu nữa Việt Nam sẽ có cầu thủ đá ở Premier League?



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm