02/08/2011 07:30 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH Cuối tuần) - Bước ra khỏi giới hạn một bảng xếp hạng ca khúc ở một đài phát thanh khu vực, trở thành một “quyền lực” thực sự trong giới tổ chức biểu diễn ca nhạc, Làn sóng xanh đã “đẻ” ra hàng loạt các hiện tượng âm nhạc và cả những bi kịch âm nhạc. Đã từng có một cuộc “tổng kiểm tra” thư bạn đọc để xác minh tính khách quan, trung thực của bảng xếp hạng. Đã từng có ý kiến kết tội… Đã từng có công văn chính thức của Hội Âm nhạc TP.HCM phản đối… Những điều này cho thấy Làn sóng xanh đã từng “vỗ sóng” mạnh như thế nào đối với đời sống ca nhạc cả nước trong khoảng 5 năm đầu xuất hiện.
Quyền lực
Tuy nhiên, người đầu tiên nhìn thấy “quyền lực tiềm ẩn” của Làn sóng xanh khi vừa chào đời, lại không phải là “cha đẻ” của Làn sóng xanh, Đài TNND TP.HCM. Mà là một nhóm cộng sự của Bến Thành Audio - Video lúc bấy giờ có Giám đốc Huỳnh Tiết, Phó giám đốc Tô Văn Anh Kiệt, biên tập âm nhạc Đỗ Quang, MC Thanh Hải (hiện nay là Giám đốc công ty Bạn yêu nhạc MFC)… Giờ đây, Đông Quân, MC quen thuộc một thời của Làn sóng xanh (cùng với Huyền Thanh), khi nhớ lại “thời oanh liệt” vẫn không quên lời cảm ơn tới ê-kíp này.
Ở thời điểm “quyền lực thuộc về các hãng băng đĩa” như lúc ấy (những năm thập niên 1990), chứ không phải chỉ làm nhiệm vụ phát hành “thuê” cho ca sĩ như hiện nay, ý tưởng nắm lấy Làn sóng xanh chính là một quyết định mang tính chiến lược khôn ngoan của Bến Thành Audio - Video. Bởi lẽ lúc đó, TTBN Trẻ và hãng phim Trẻ đã khẳng định vị thế bằng series Mưa bụi, rồi tới series những ca khúc về Hà Nội; Vafaco đã tạo nên hiện tượng Top Hits với Thu Phương - Huy MC, Khánh Du, Ba con mèo, Tam ca Áo trắng…, chỉ có Bến Thành là… chưa biết làm gì. Đỗ Quang lúc bấy giờ cũng vừa chia tay với nhạc sĩ Nguyễn Hà (“linh hồn” của Top Hits) để về với Bến Thành Audio - Video. Thế là Bến Thành “chấm” ngay Làn sóng xanh khi làn sóng vừa ra mắt và Đỗ Quang có một vai trò rất quan trọng trong chiến lược này (đây cũng là một hiện tượng và một bi kịch của showbiz Việt thời kỳ huy hoàng của thập niên trước, chúng tôi sẽ đề cập cụ thể trong những kỳ sau của loạt bài Showbiz Việt - Ánh sáng & Bóng tối). Ê-kíp này đã quyết định bỏ tiền (của Bến Thành Audio - Video, và cả tiền túi của một số cá nhân) đưa Top ten Làn sóng xanh ra khỏi studio ở số 3 Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM, ra thẳng sân khấu Lan Anh và không bao lâu thì “tiến quân” ra Hà Nội.
Như đã nói, bảng xếp hạng đầu tiên của Làn sóng xanh được công bố là bảng xếp hạng tháng 9/1997, như vậy tính tới hết năm 1997, bảng xếp hạng này mới chỉ có 4 tháng tuổi. Vậy nhưng, để chớp lấy thời cơ, ê-kíp thực hiện live show Làn sóng xanh đã quyết định tổ chức ngay live show Làn sóng xanh 1997, diễn ra tại sân Lan Anh vào tháng 4/1998 và ngay cuối năm 1998 làm tiếp live show thứ hai - Làn sóng xanh 1998. Cả hai live show này đều do một tay Đỗ Quang làm đạo diễn. Cho tới nay, hai live show này, nhất là live show Làn sóng xanh 1997 vẫn là những đêm diễn đặc biệt nhất, ấn tượng nhất của chương trình này. 12-13 năm sau, trên một vài mạng xã hội, vẫn còn thấy có người đi “xin” đĩa live show Làn sóng xanh 1997.
Lam Trường là “cái đinh” của live show Làn sóng xanh 1997. Khi anh xuất hiện trong cái lồng chim trên sân khấu, nhạc dạo giai điệu của ca khúc Tình thôi xót xa, thì ở dưới 4.000 ghế ngồi sân khấu Lan Anh, từng làn sóng người ồ lên, hát theo từng câu nhạc. Cũng xin nhắc lại, ca khúc Chị tôi của nhạc sĩ Trọng Đài (lời thơ Đoàn Thị Tảo) do ca sĩ Mỹ Linh trình bày là ca khúc đứng đầu bảng xếp hạng đầu tiên của Làn sóng xanh, nhưng Tình thôi xót xa của nhạc sĩ Bảo Chấn qua giọng hát Lam Trường mới là ca khúc giữ kỷ lục vị trí số một bảng xếp hạng. Tháng 9/1997 Tình thôi xót xa mới đứng vị trí thứ 6, đến tháng 10 leo lên vị trí thứ 3, qua tháng 11 đã lên số 1 và ở đó liên tục nhiều tháng trời.
Sau Đỗ Quang, Huỳnh Phúc Điền “tiếp quản” vị trí tổng đạo diễn live show Làn sóng xanh và là đạo diễn ở lại lâu nhất với chương trình này. Một trùng hợp đáng buồn là cả hai đều ra đi khá đột ngột ở tuổi còn đang sung sức, tuy nhiên đó lại là một câu chuyện khác…
Vượt khỏi giới hạn studio, Làn sóng xanh nhanh chóng trở thành một “quyền lực” trong giới tổ chức biểu diễn không chỉ ở TP.HCM. Các ca sĩ, nhạc sĩ mong chờ giây phút được xướng tên trong bảng phong thần này tới mức, không một ca sĩ nào “dám” bỏ sô Làn sóng xanh. Dù đang lưu diễn tít tận đâu, chỉ cần một cú điện thoại gọi về diễn ở Làn sóng xanh là, kể cả các ngôi sao số một thị trường, cũng tức tốc về ngay! Làn sóng xanh gần như độc tôn sân khấu nhạc trẻ. “Quyền lực” này từng được xem là nguyên nhân bóp chết Top Hits, một live show nhạc trẻ đình đám khác mà chủ sậu là nhạc sĩ Nguyễn Hà và hãng đĩa Vafaco. Thực tế thì Top Hits ra đời trước cả Làn sóng xanh. Tháng 7/1997 ba đêm diễn Top Hits tại Nhà hát Bến Thành nhẵn vé, tới mức nhà tổ chức quyết định đưa ca nhạc ra nhà thi đấu - sân khấu Phan Đình Phùng. 5.600 vé cũng bay vèo. Ngôi sao cũng đủ cả: Mỹ Linh, Lam Trường, Quang Linh, Thu Phương - Huy MC, Tam ca Áo trắng… Top Hits còn làm thêm được một live show vào năm 1998 nữa trước khi chấm hết. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, cái chết sớm của Top Hits chủ yếu bởi làn sóng “nhạc ngoại lời Việt” sớm bạc đầu. Những Unbreak My Heart, My Heart Will Go On, Lemon Tree,… vừa nóng đã nguội trước làn sóng những ca khúc Việt Nam mà Làn sóng xanh đang nắm giữ. Cái gì lạc hậu hơn sẽ phải nhường bước, đó là quy luật khó tránh.
Cạnh tranh & gáo nước lạnh
Và chính sự lan tỏa vượt ngoài phạm vi địa phương của Làn sóng xanh khiến nhiều người “nóng mũi”. Năm 2002, dòng nhạc “não tình” bắt đầu xuất hiện, Làn sóng xanh nhận được những lời chỉ trích của giới chuyên môn về chất lượng âm nhạc của những ca khúc có vị trí cao trong bảng xếp hạng. Hội Âm nhạc TP.HCM đã làm công văn gửi các cơ quan hữu trách phê bình khá gay gắt “chất lượng âm nhạc” của Làn sóng xanh. Hình thức lấy phiếu bình chọn của Top ten Làn sóng xanh một lần nữa bị đặt dấu hỏi. Tổng thư ký hội lúc đó, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, từng phát biểu: “Việc bình chọn chỉ lấy ý kiến từ một bộ phận công chúng, không qua hội đồng khoa học nào - điều này nằm ngoài hoạt động của hội nên chúng tôi cũng không quan tâm lắm. Nếu có làm (đưa ra bảng xếp hạng ca khúc Việt Nam - PV) thì hội sẽ làm một cách khác”. Và một trong những đơn vị “nóng mũi” lúc này là VTV, người đã để “trượt” bảng xếp hạng Bài hát Việt Nam 5 năm trước (chi tiết đã nói trong bài viết kỳ 1: 1997 - Một năm “lịch sử”), nên nhà đài quyết định tung ra một bảng xếp hạng khác mang tên VTV - Bài hát tôi yêu, một manh nha “MTV Việt Nam”, thay vì bầu chọn ca khúc dạng audio như Làn sóng xanh, là bầu chọn ở dạng video clip.
Hình thức mới mẻ, và tại thời điểm ấy MTV châu Á đang được hâm mộ ở Việt Nam, VTV - Bài hát tôi yêu ngay lập tức tạo nên làn gió mới, tưởng có thể “hạ bệ” Làn sóng xanh. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, hình thức vậy mà không phải vậy. Do “thời của video clip” chưa tới, nên thay vì video clip do chính ca sĩ và nhà sản xuất album thực hiện, có nhiệm vụ “đẩy” album có ca khúc được dàn dựng video clip lên hàng “best seller”, tức thì ở đây VTV là nhà đầu tư, tổ chức sản xuất toàn bộ các video clip dự thi và tác phẩm thì do chính VTV lựa chọn. Thế nên mới có chuyện, Lê Kiều Như khi ấy vốn chỉ là gương mặt quảng cáo cho một sản phẩm điện tử, bỗng dưng xuất hiện tại VTV - Bài hát tôi yêu lần thứ ba và đoạt giải! Sự có mặt của giọng ca non yếu này tại một sân chơi đẳng cấp quốc gia, đó là năm 2005, cho tới giờ vẫn là một “bí mật” của làng showbiz, lúc đó có một số tin đồn rằng Lê Kiều Như vào được chương trình này nhờ sự ưu ái của một nhạc sĩ có máu mặt. Chuyện này thực hư chưa rõ, nhưng rõ nhất là VTV - Bài hát tôi yêu đã không thể “phóng” Lê Kiều Như lên hạng một ca sĩ tử tế chứ chưa nói tới gắn sao. “Hiện tượng” của VTV - Bài hát tôi yêu nay đã trở thành “thảm họa” cho cả 3 giới: văn chương (khi cho ra mắt cuốn Sợi xích), nhiếp ảnh (khi công bố bộ ảnh nude khiến nghệ sĩ Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, phải nhận xét rằng bộ ảnh “hết sức bất bình thường”), và đương nhiên là cả giới nhạc (khi ca khúc Đừng yêu em do cô trình bày trong chương trình Thế giới Vpop đã “đánh ngất” tất cả khán giả có mặt tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM, khiến khán giả nghe phải “phát điên” vì chất giọng yếu ớt, như “vịt đực” và đương nhiên, nó được xếp vào top “thảm họa” 2009).
Mỹ Tâm trong thời điểm thu ca khúc Nhé anh, bài hát đã đưa
cô lên bệ phóng và trở thành Nữ hoàng pop Việt năm 2002
Trở lại với VTV - Bài hát tôi yêu, ngoài việc tuyển chọn tác phẩm dự thi không được bình thường cho lắm, thì hệ thống giải thưởng cũng được lập nên không theo chuẩn quốc tế nào, như ngoài giải bình chọn của khán giả, còn có giải bình chọn của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải của Hội đồng nghệ thuật, và thay vì công bố một bảng xếp hạng top ten có thứ hạng rõ ràng thì lại là những giải thưởng cào bằng. Chính điều này đã tạo nên sóng gió cho VTV - Bài hát tôi yêu ngay trong lễ trao giải năm đầu tiên. Ca sĩ Phương Thanh công khai từ chối tới nhận giải và lên tiếng chỉ trích cách làm việc của ban tổ chức. VTV - Bài hát tôi yêu đã không thể trở thành “MTV Việt Nam” như mong đợi, tuy nhiên đó là thực tế được thừa nhận khi chương trình phải khép cửa vào năm 2005, còn khi vừa ra đời, năm 2002, nó mang theo nhiều kỳ vọng của cả công chúng lẫn các nghệ sĩ. Cuộc đăng quang năm đầu tiên, 2002, ghi nhận sự chiến thắng giòn giã của 3 clip nhận được cả 3 giải của chương trình, đó là Nhé anh (nhạc sĩ Nguyễn Hà - ca sĩ Mỹ Tâm - đạo diễn Huỳnh Phúc Điền), Ngày xưa ơi (Yến Dung - Tik Tik Tak - đạo diễn Phạm Việt Thanh), Và cơn mưa tới (Bảo Chấn - Mỹ Lệ - Phạm Hoàng Nam). Trong ba clip thắng tuyệt đối này, Nhé anh thực sự là một “clip chuẩn” khi nó chính là một trong những bệ phóng quan trọng giúp Mỹ Tâm chạm tới danh hiệu “Nữ hoàng pop”.
Nhưng chỉ 2 tháng sau khi vinh quang trên bục nhận giải thưởng ở Nhà hát Hòa Bình, thì Nhé anh rơi vào vòng xoáy dư luận với nghi vấn: Nhé anh “đạo” một bản nhạc Thái Lan do ca sĩ người Thái có tên Nicole trình bày. Nó báo hiệu một cơn giông lớn đang sắp ập tới với làng nhạc Việt.
Kỳ 3: Nhân vật nhiều “ẩn số”
P.T.T.T
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất