06/05/2017 07:47 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn lớn của làng văn học Việt Nam. Ông đã để lại một gia tài văn chương phong phú và một sự nghiệp hoạt động văn hóa, cách mạng đa dạng.
Ông viết nhiều thể loại: truyện ký, kịch với nhiều để tài: từ đề tài lịch sử, Thăng Long - Hà Nội, chiến tranh vệ quốc đến đề tài dành cho thiếu nhi. Thể loại nào, đề tài nào của Nguyễn Huy Tưởng cũng mang giá trị vượt thời gian.
Nhà văn tài hoa
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ra trong một gia đình nho giáo ở làng Dục Tú, Từ Sơn, Bắc Ninh, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.
Nguyễn Huy Tưởng đến với văn chương khá muộn. Không có được yếu tố thiên bẩm trời cho, Nguyễn Huy Tưởng đã có những bước đi cẩn trọng, vững vàng bằng chính sự nỗ lực, rèn luyện, kiên trì của bản thân; bằng tấm lòng sôi nổi đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn mượn văn chương để tỏ lòng yêu nước.
Thuở là học sinh trường Bonnal - Hải Phòng, giữa những ngã rẽ của cuộc đời, Nguyễn Huy Tưởng đã xác định rõ con đường đi của mình bằng một tuyên ngôn dứt khoát: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi”.
Và từ đó, mối cơ duyên với văn chương đã bắt đầu nảy nở, bén rễ trong tâm tư, suy nghĩ của chàng trai làng Dục Tú, xứ Đông Ngàn, Kinh Bắc. Văn chương đã trở thành một công cụ, phương tiện, động lực hữu hiệu trong việc tuyên truyền, đấu tranh, cổ vũ cách mạng.
Từ những câu thơ chân thật, thô mộc, giản dị, tự nhiên trong “Nhất điểm linh đài”, đến những trang văn hồn hậu trong “Thái Bình diên yến”, ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng ngày càng trở nên sắc sảo trong việc thể hiện tâm tư, tình cảm, giãi bày tâm trạng và phản ánh những vấn đề bức thiết của cuộc sống.
Với Nguyễn Huy Tưởng, con đường đến với văn chương không hề đơn giản, dễ dàng mà nhà văn luôn phải vật lộn với từng câu chữ, đấu tranh với những tư tưởng thấp hèn, thử nghiệm qua nhiều thể loại để định hình phong cách, sở trường. Nhiều lần Nguyễn Huy Tưởng coi “văn chương chính là kẻ thù của ta vậy”, nhưng ông vẫn quyết tâm, không ngừng kiếm tìm để tạo ra những “giọt mật”, những vẻ đẹp thánh thiện dâng tặng cuộc đời.
Sống đã rồi hãy viết - đó là quan niệm sống, quan niệm sáng tác của lớp văn sĩ hiện thực cùng thời, hướng về cuộc sống hiện tại để miêu tả, phản ánh với vai trò là “người thư ký trung thành của thời đại”, “cần phải viết truyện gần sự thực. Cần phải có sự sống tràn trề”.
Và quan niệm “nghệ thuật vị nhân sinh” ấy đã chi phối đến cảm hứng sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng. Ông luôn hướng về cuộc sống, con người để miêu tả, phản ánh, ghi lại những giai đoạn, thời kì hào hùng của lịch sử dân tộc, những chuyển biến dữ dội của đời sống cách mạng, kháng chiến với những con người tiêu biểu cho thời đại. Hàng loạt những tác phẩm viết về đề tài lịch sử trong quá khứ, trong hiện tại của nhà văn đều xuất phát từ những vấn đề của cuộc sống thực tiễn đặt ra.
Nguyễn Huy Tưởng không có tác phẩm riêng bàn về văn chương nghệ thuật. Nhưng qua những trang “Nhật ký” được ghi chép cẩn thận trong suốt 30 năm sống - hoạt động cách mạng và sáng tác, với trên 1.700 trang in, đã đề cập những chuyện đời, chuyện nghề, những tâm tư tình cảm... đều được nhà văn ghi lại bằng những trang văn sinh động, chân thực, giản dị, thấm đẫm xúc cảm, tình người.
Bên cạnh đó, qua lời thoại của nhân vật chính trong các tác phẩm cụ thể, nhà văn cũng gửi gắm, ký thác những tư tưởng, những bức thông điệp để đối thoại với chính mình và với cuộc đời. Đặc biệt, trong lời Đề tựa vở kịch “Vũ Như Tô”, ông đã nói lên những tâm sự, quan điểm thành thực của một tâm hồn đôn hậu, luôn khắc khoải trong trái tim, suy nghĩ về giấc mộng “xây Cửu Trùng đài” cho nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Với tư cách là nhà văn, từng tham gia công tác quản lý văn hóa, văn nghệ của Đảng, Giám đốc đầu tiên của Nxb Kim Đồng, những quan điểm của Nguyễn Huy Tưởng về văn chương nghệ thuật luôn rõ ràng, dứt khoát, thể hiện tư tưởng nhân văn, tiến bộ.
Người viết lịch sử bằng các tác phẩm văn học
Là cây bút thành công ở đề tài lịch sử, sự nghiệp văn chương Nguyễn Huy Tưởng chiếm một vị trí quan trọng trên văn đàn, tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng bạn đọc bởi lối tiếp cận, miêu tả, phản ánh lịch sử một cách độc đáo. Nhắc đến ông, bạn đọc thường nhắc tới tên gọi rất đỗi thân quen “nhà chép sử bằng các tác phẩm văn học”.
Nhà nghiên cứu-nhà phê bình văn học, tiến sĩ Nguyên An từng nhận xét: Nếu không có Nguyễn Huy Tưởng thì văn học hiện đại Việt Nam, nhất là ở mảng lịch sử-truyền thống, sẽ vơi đi sự bề thế, vẻ kỳ vĩ, tráng lệ và chất bi thương hào hùng. Ông còn cho rằng, Nguyễn Huy Tưởng đã mở đầu một một cách thích đáng cho dòng văn chương viết về truyền thống, về lịch sử trung đại Việt Nam trong nền văn chương hiện đại Việt Nam.
Bởi vậy ở nhiều vở kịch, tiểu thuyết, bút ký, nhật ký... và đặc biệt là ở các vở kịch như “Vũ Như Tô”, “Bắc Sơn”; tiểu thuyết “Đêm hội Long Trì”, “Sống mãi với Thủ đô”... được coi là những dấu mốc quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác văn chương của ông. Ở đấy chất văn và chất sử hòa quyện làm một, chẳng thể nào phân định rạch ròi được. Những vấn đề mà ông đặt ra trong tác phẩm của mình cứ mãi xoáy sâu vào tâm thức người đời và sẽ còn vang vọng mãi tới xa sau.
Nguyễn Huy Tưởng là nhà văn đã dành trọn đời để sáng tác về các đề tài lịch sử, kháng chiến, về thủ đô Hà Nội, nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nói đến mảng văn chương viết cho tuổi thơ như: “Tìm mẹ”, “Thằng Quấy”, “Cô bé gan dạ”, “Chiến sĩ ca nô”… đặc biệt là những truyện lịch sử như: “An Dương Vương xây thành Ốc”, “Kể chuyện Quang Trung”, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”... đã góp phần không nhỏ làm nên một văn hiệu thực sự đáng kính trọng mang tên ông.
Cho đến nay, đã có rất nhiều cuộc Hội thảo của các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học về những giá trị tư tưởng trong tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng, nhưng mỗi lần mọi người lại tìm thấy giá trị trong văn chương của ông với một cái nhìn mới mẻ, gần gũi với thời đại hơn.
Với văn hóa dân tộc một Nguyễn Huy Tưởng chân thành, đôn hậu, cởi mở, hết lòng yêu thương, nhân ái với bạn bè bởi ông đã chọn một cách sống đẹp của nhà văn: "Đừng viết cái gì sai với sự thực của con người/Dù là dưới hình thức phục vụ. Người là thật. Phải thật với người".
Ông mất ngày 25-7-1960 tại Hà Nội. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996.
Hồng Quảng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất