05/06/2017 13:47 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Hè đến, nhiều gia đình phải đối mặt với nghịch cảnh con cái được nghỉ Hè mà bố mẹ vẫn phải đi làm. Và, sẽ thật sai lầm nếu chúng ta “nhốt” con em ở nhà cùng điện thoại thông minh, máy tính bảng và vô tuyến truyền hình.
Tiếp theo bài viết về chủ đề này trên Thể thao & Văn hoá (số ra ngày 1/6), nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã chia sẻ về chuyện nghỉ Hè của ông thời còn đi học và quan điểm học thêm, đọc sách và đi chơi như thế nào trong mùa Hè.
* Bạn đọc rất muốn biết mùa Hè của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thuở nhỏ như thế nào và những mùa Hè đó đã vào tác phẩm của anh ra sao?
- Mùa Hè của các nhân vật trong truyện của tôi cũng chính là mùa Hè thuở nhỏ của tôi. Quý ròm, Tiểu Long, nhỏ Hạnh trong bộ Kính vạn hoa, mùa Hè chủ yếu đi chơi, đi về quê hoặc tham gia các cuộc phiêu lưu thú vị như trong các tập Lang thang trong rừng, Bắt đền hoa sứ, Con mả con ma, Mùa Hè bận rộn... Bạn đọc còn có thể tìm thấy điều đó trong các tác phẩm khác của tôi viết về mùa Hè như Hạ đỏ, Bảy bước tới mùa Hè.
Trong Hạ đỏ, nhân vật Chương suốt mùa Hè toàn đi hái xoài, bắn chim, câu cá, tắm sông, đánh trận giả. Trong Bảy bước tới mùa Hè, nhân vật Khoa có ôm tập đi học Hè nhưng mục đích là được ngồi cạnh... cô bạn gái mình thầm thích chứ không phải do áp lực thành tích như tình trạng hiện nay.
* Thế thời của anh chuyện học Hè không phải do nhu cầu về nâng cao trình độ học tập sao?
- Hồi tôi học tiểu học hoàn toàn không có chuyện học sinh đi học Hè. Lên cấp 2, tới lớp 7 tôi mới lần đầu tiên ôm tập đi học Hè. Cũng không phải do nhà trường hay ba mẹ bắt đi mà do bạn bè rủ rê, ham vui mà đi. Lên cấp 3, bọn học trò chúng tôi mới bắt đầu học Hè có ý thức. Nhưng không phải học sinh nào cũng đi học Hè.
Hồi đó không có chuyện người người học Hè, nhà nhà học Hè như bây giờ. Chỉ học sinh nào quá yếu một môn nào đó mới đi học Hè môn mình yếu để lấy lại căn bản. Hoặc do quá yêu thích một môn nào đó, dù đã học rất giỏi vẫn thích đi học Hè, chủ yếu thọ giáo những bậc danh sư, để khám phá những kiến thức mới nhằm thỏa mãn niềm say mê.
Cả hai trường hợp trên, học sinh chủ động xin tiền ba mẹ để đăng ký học, chứ ba mẹ và thầy cô không bao giờ bắt ép. Thậm chí với những thầy cô dạy giỏi, bọn học trò ham học phải xúm lại năn nỉ để thầy cô mở lớp dạy cho mình.
* Trong nhịp sống đô thị hiện nay, gần như các em ít có khái niệm nghỉ Hè vì phải đi học thêm và vì cha mẹ quá bận rộn làm việc. Với tư cách một phụ huynh, anh có kinh nghiệm gì để chia sẻ với các bậc làm cha mẹ nhằm giúp các em có một mùa Hè đúng nghĩa?
- Tôi nhớ là tôi chưa bao giờ cho con tôi đi học Hè. Ở lớp, cháu học tốt rồi thì không nhất thiết phải bắt cháu học Hè. Học Hè, nếu có là để củng cố lại những kiến thức yếu kém. Chứ nếu học Hè với mục đích học trước chương trình của năm sau, theo tôi là vô nghĩa, thậm chí sai phương pháp sư phạm.
Những mùa Hè, tôi chỉ cho con tôi học đàn, học võ, học bơi và cháu rất thích. Tôi nghĩ với học sinh cấp 2, cấp 3, các em cần được rèn luyện không chỉ trí tuệ mà còn cả tâm hồn lẫn thể chất. Ngay cả trí tuệ cũng không nên nghiêng hẳn về nhồi nhét kiến thức mà nên dạy cho các em phương pháp tư duy - đó là công cụ quan trọng giúp các em phát huy óc sáng tạo và tính độc lập trong nghiên cứu khi đặt chân lên giảng đường đại học.
* Ngoài các cuốn sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được nhiều phụ huynh chọn cho con mình, thì trong Hè này anh khuyên các em nên đọc những loại sách gì, vì sao?
- Bên cạnh sách truyện, các em có thể đọc bất cứ loại sách gì các em cảm thấy thích thú. Ngoài giá trị mỹ văn, sách còn kích thích sức sáng tạo, óc khám phá, khả năng mơ mộng. Hồi bé, và ngay cả bây giờ cũng vậy, ngoài tác phẩm văn học, tôi vẫn thích đọc các sách về lịch sử, thiên văn, toán học, đặc biệt sách về các bài toán cổ.
* Nếu một gia đình muốn cho con đi nghỉ Hè, theo trải nghiệm của anh thì nên cho con đi đâu để tâm hồn các em được bồi đắp thêm, ít nhất là về văn hoá và tình yêu quê hương?
- Chín tháng vùi đầu vào bài vở căng thẳng, bây giờ là lúc các em cần được thư giãn để nạp lại năng lượng chuẩn bị cho năm học tiếp theo. Tôi nghĩ đưa các em về với thiên nhiên là tốt nhất. Ngoài việc được hít thở không khí trong lành, sống hòa mình với hoa lá cỏ cây, các em còn được chạy nhảy, chơi các trò chơi vận động ngoài trời thay vì ngồi một chỗ cắm mặt vào máy tính theo tôi là không tốt lắm.
Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất