Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Garcia Marquez cảnh báo chúng ta về tương lai

20/04/2014 07:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) - Là trí thức Việt Nam du học Cuba thập niên 80, gần cùng thời với nhóm dịch giả Garcia Marquez, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận thấy nhiều bài học từ tác gia vĩ đại này và nền văn hóa Mỹ Latin với Việt Nam hiện nay.

Nhóm dịch giả Việt Nam, trong đó có “nhà Marquez học” Nguyễn Trung Đức, đến Cuba thập niên 80. Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì học Ngữ văn tiếng Tây Ban Nha tại Cuba trong khoảng 1984-1989.

Ghi nhận ảnh hưởng sâu rộng của Trăm năm cô đơn và những tác phẩm khác đối với một thế hệ độc giả Việt Nam, Thể Thao & Văn hóa trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về những điều Việt Nam nên học hỏi từ nền văn hóa đầy bản sắc của Mỹ Latin, trong đó Garcia Marquez là một đỉnh cao.


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Có Nobel văn chương thì không cần World Cup nữa

* Cảm giác của ông khi nghe tin nhà văn Gabriel Garcia Marquez qua đời vào ngày 17/4?

- Nếu là thời trẻ thì tôi thấy mỗi cuộc ra đi đều để lại sự nuối tiếc. Nhưng riêng với Garcia Marquez, tôi thấy như một vị thánh đã hoàn thành sứ mệnh. Ông đã làm xong những gì ông cần làm cho văn học thế giới. Trong lịch sử giải Nobel, người ta ghi nhận chỉ có một số ít giải là thực sự có ý nghĩa với văn chương thế giới, trong đó có giải dành cho Garcia Marquez.

Có một câu chuyện xúc động, khi đất nước Colombia của Garcia Marquez đang chạy đua giành quyền đăng cai World Cup năm 1982 thì ông được trao Nobel. Và khi đó, Tổng thống Colombia thời đó đã tuyên bố họ không cần World Cup nữa, giải Nobel đó là đủ cho đất nước Colombia.

* Trên thế giới, có nhận định các dân tộc Mỹ Latin giữ được bản sắc, không bị biến thành Mỹ hay phương Tây chính nhờ nền văn hóa đặc sắc, trong đó văn chương của những tác gia như Garcia Marquez đóng vai trò lớn. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Đó là một nhận định đúng. Nền văn hóa Mỹ Latin khác biệt hoàn toàn, đặc trưng và đầy cá tính, luôn chứa đựng một sự sống mãnh liệt, cuồng nhiệt. Sự riêng biệt đó tạo ra bản sắc. Điều đó giúp họ chống lại sự xâm lăng văn hóa của Mỹ và phương Tây, bất chấp nhiều nỗ lực can thiệp. Cho đến bây giờ, văn hóa Mỹ Latin vẫn giữ được sự tươi nguyên, ít bị pha tạp.

Tôi đã đi nhiều nước như Cuba, Colombia, Venezuela để tham gia các liên hoan thơ và gặp những người bạn văn chương. Tôi nhận thấy không khí văn hóa ngập tràn trong đời sống của họ.

* Họ có quan trọng chuyện làm giàu không, thưa ông?

- Đó là một khu vực không quá mạnh về kinh tế. Họ muốn chống lại sự đồng hóa về văn hóa, kinh tế, chính trị nên chọn cách sống độc lập. Dường như trong sự độc lập đó có cả nỗi cô đơn. Tại sao những nước đó có nền kinh tế không phát triển bằng châu Âu hay châu Á sau này? Tôi nhận thấy, với họ, phát triển kinh tế không phải là mong ước lớn lao. Điều họ muốn hơn là bày tỏ bản thân bằng văn hóa.

* Hình như chính Garcia Marquez cũng vậy. Khi viết Trăm năm cô đơn, ông đã không làm ăn gì, để đến nỗi khi viết xong thì gia đình nợ đến 10.000 USD...

- Thực ra, với tài năng và danh tiếng của mình, Garcia Marquez có thể kiếm tiền dễ dàng: viết kịch bản phim, trả lời phỏng vấn, tham gia các chương trình truyền hình quan trọng của Colombia và thế giới. Nhưng ông không cần. Con người đó rất phiêu lưu, không bao giờ kìm hãm khát vọng của mình. Từ trẻ và khi còn làm báo, ông đi xuyên thẳng thế giới để khám phá những gì còn mù mờ và thách thức bản thân mình.

Ông không quá giàu có nhưng vẫn kiên quyết từ chối bán bản quyền làm phim Trăm năm cô đơn cho các hãng phim. Ông nghĩ rằng trình độ hiện nay của các nhà làm phim chưa đủ để chuyển tải đầy đủ tư tưởng của cuốn tiểu thuyết lên màn ảnh lớn. Ông đợi chờ một ngày nào đó trong thế kỷ 21 hay xa hơn nữa, sẽ có người làm sống lại Trăm năm cô đơn bằng một ngôn ngữ nghệ thuật khác.

Những gương mặt Việt Nam ngày nay đầy lo toan

* Cách giữ gìn bản sắc của các nước Mỹ Latin có phải là một gợi ý cho Việt Nam không?

- Tôi nói điều này, có thể nhiều người sẽ phản đối, nhưng tôi nghĩ họ sai. Mỹ Latin còn lại sự hấp dẫn đáng để đợi chờ, người dân được sống đúng với chính họ, mạnh mẽ và tự do. Khi xem họ hát, đọc thơ, nhảy múa, ăn uống, thể hiện tình cảm…, tôi thấy gương mặt họ ngập tràn hạnh phúc. Đi sang nước Mỹ hay nước Anh, tôi thấy trên gương mặt những người đi đường họ nỗi âu lo, vội vã và nhiều lúc như là kiệt sức.

* Vậy ông nhìn thấy gì ở những gương mặt Việt Nam trên đường phố hiện nay?

- Có một thời tôi nhìn thấy sự bình yên, thanh thản và chia sẻ, ngay cả trong thời chiến. Có thể bạn không tin nhưng hình ảnh đó vẫn còn trong ký ức của tôi, ở làng tôi, trên đường phố, ở khu lao động, những nơi công cộng... Nhưng bây giờ, những gương mặt đó đang từng ngày mất đi. Buổi tối khi đi ngủ, có thể có, nhưng đến buổi sáng khi chúng ta tràn ra đường, đôi mắt chúng ta như 2 hốc tối. Đầy lo toan, gấp gáp.

* Ông nói người Mỹ Latin có biểu hiện hạnh phúc, nhưng văn của Garcia Marquez đâu có vậy. Có đủ những chi tiết đau khổ, bạo liệt, những bi kịch lớn và kỳ quái, thậm chí khiến người đọc rùng mình. Tại sao vậy?

- Đúng vậy, Garcia Marquez không hiện thực hóa hay mơ mộng hóa đời sống ông đang sống. Ông cảnh báo chúng ta về tương lai, một sự hủy hoại đang lớn dần lên trong những thỏa mãn tạm thời của chúng ta giống như đứa trẻ cuối cùng của một dòng họ bị mọc đuôi lợn trong Trăm năm cô đơn. Một đời sống có thể suy tàn. Cảnh báo này không dành riêng cho bất cứ dân tộc nào, mà dành cho mọi dân tộc đủ sáng suốt để nghe thấy lời cảnh báo của ông.


Mi Ly (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm