Nguyễn Quang Thiều: Người ngang qua cánh đồng hội họa

07/01/2021 06:47 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Duyên cớ đến với hội họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - hệt như một cuộc tình sét đánh. Chỉ một vệt màu vàng rực bừng lên bất chợt cũng đủ đánh thức tâm cảm của nhà thơ, cuốn đi theo những miên man trong thế giới của màu sắc. Kể từ ấy, Nguyễn Quang Thiều vẽ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: 'Chúng tôi đặt cược vào nhà văn trẻ'

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: 'Chúng tôi đặt cược vào nhà văn trẻ'

Sáng 25/11, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức bế mạc. Theo kết quả Đại hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh đảm nhiệm cương vị cố vấn, còn hai Phó chủ tịch lần lượt là nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Bình Phương.

10h sáng nay, 7/1, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sẽ ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên của mình mang tên Người thổi sáo tại Trung tâm Art Space (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42, phố Yết Kiêu, Hà Nội).

Duyên hội họa từ vệt vàng hoa cải

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chơi thân thiết với nhiều họa sĩ tên tuổi như: Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Hoàng Phượng Vỹ… nhưng ông không bao giờ nghĩ mình có thể vẽ như một họa sĩ chuyên nghiệp.

Thế rồi, hội họa đến với Nguyễn Quang Thiều thật đơn giản, hệt như định mệnh. Năm 2005, một người bạn của nhà thơ là dịch giả, họa sĩ Phạm Long Quận từ Cuba về đã gửi tranh, toan và màu vẽ tại nhà ông. Một buổi trưa, lên sân thượng, ông lấy 1 tuýp màu bóp nhẹ lên toan. Một màu vàng lộng lẫy hiện ra và cuốn ông đi. Khi ấy Nguyễn Quang Thiều cảm thấy xúc động khôn cùng.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trước triển lãm "Người thổi sáo"

Màu vàng có sức quyến rũ vô cùng với Nguyễn Quang Thiều. Đó là một màu vàng gợi nhắc tuổi thơ và đã bao lần hiển hiện trong thơ ca, trong văn chương của ông

“Hồi học cấp 3, tôi thường đi men theo sông Đáy" - ông nhớ lại - "Vùng đất ven sông ấy là một vùng chuyên trồng rau cải. Đến những ngày cuối Đông, một màu hoa cải vàng rực hiển lộ. Và tôi, một cậu bé đi trong thế giới hoa vàng rực đó,để rồi sau này tôi viết Mùa hoa cả bên sông với những câu chuyện cũ và mới của sông Đáy”.

Với tác giả của Mùa hoa cải bên sông, màu vàng luôn gợi ra bao cảm xúc về một miền ký ức quê hương, xứ sở. “Mẹ tôi biết tôi mê hoa cải. Khi còn sống, mẹ vẫn thường trồng cải trong vườn. Năm nào cũng vậy, đến cuối năm, mẹ đều để dành hai đến ba luống cải ven tường. Khi hoa cải nở, mẹ luôn nhắn cho người con trai của mình biết, để tôi về quê xem hoa cải. Tôi đứng trước vườn trong một buổi chiều mùa Đông hanh, hoa cải dâng lên một màu vàng rực đẹp đến bàng hoàng” - ông nhớ lại.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Cậu bé làng Chùa” của Nguyễn Quang Thiều

Biết Nguyễn Quang Thiều chạm ngõ hội họa bằng một cơn bùng nổ sắc màu, họa sĩ Phạm Long Quận đã thúc giục nhà thơ vẽ, “vẽ đi, vẽ đi”. Như bị thôi miên, Nguyễn Quang Thiều vẽ…

Và chỉ 5 tháng, sau vào tháng 5/2005, Nguyễn Quang Thiều được nhà văn Hoàng Minh Tường lôi vào cuộc triển lãm có tên Nhà văn vẽcùng các nhà văn, họa sĩ Trần Nhương, Đỗ Minh Tuấn và Đoàn Lê. Trong triển lãm, nhà thơ trưng bày 14 bức, trong đó 3 bức tặng bạn bè và số còn lại đã bán hết. Số tiền bán tranh đã giúp ông xây một ngôi nhà nhỏ hai tầng ở làng Chùa cho bố mẹ.

Kể từ triển lãm Nhà văn vẽ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không vẽ và ông cũng nghĩ sẽ không bao giờ vẽ nữa. Bởi muốn vẽ thì phải học nhưng năm đó ông đã 48 tuổi, đã quá muộn để có thể đi học ở đâu đó về mỹ thuật. Thế là ông bỏ vẽ hoàn toàn trong suốt 7 năm.

Chú thích ảnh
Bức tranh Người thổi sáo đầu tiên được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ

Tình cờ vào một ngày của năm 2012, ông Trịnh Văn Sỹ, một thành viên của nhóm Nhân sỹ Hà Đông, mời mấy anh em đến nhà chơi. Vừa bước vào phòng khách nhà ông Sỹ, Nguyễn Quang Thiềusững người. Trước mắt ông là những bức tranh giấy ông vẽ từ 7 năm trước (năm 2005) hiện giờ được đóng khung treo trang trọng. Và câu chuyện ông Trịnh Văn Sỹ kể lại đã làm Nguyễn Quang Thiều xúc động khôn nguôi.

Mấy tuần trước khi mất, nhà thơ Dương Kiều Minh (nguyên Chủ tịch Hội VHNT Hà Tây) gọi ông Sỹ đến để đưa những bức tranh giấy của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nói: “Bác Thiều vẽ những bức tranh này và vứt đi. Tôi đã nhặt và giữ lấy. Bây giờ tôi không thể còn sống lâu được nữa. Tôi biết bác rất quý trọng bác Thiều nên đưa bác giữ”.

Nhà thơ Dương Kiều Minh là hàng xóm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Họ thường ngồi uống trà với nhau vào những ngày nghỉ. Những lúc ấy, Nguyễn Quang Thiều hay lấy giấy ra vẽ rồi bỏ đi vì biết rằng đó chỉ là trò nghịch như của một đứa trẻ. Nhà thơ Dương Kiều Minh lặng lẽ nhặt những bức vẽ mà Nguyễn Quang Thiều bỏ đi và mang về giữ cẩn thận.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Cùng năm đó, ông Trịnh Văn Sỹ xây xong nhà thờ và có ý ngỏ muốn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ tặng một bức tranh. Nguyễn Quang Thiều lưỡng lự vì đã bỏ vẽ 7 năm. Nhưng chiều bạn, ông đã đi mua chỉ một cái toan và một vài tuýp sơn dầu nhỏ bằng ngón chân cái. Ông đã vẽ bức Người thổi sáo. Và đến triển lãm cá nhân đầu tiên của mình, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng lấy tên Người thổi sáo.

Cõi mơ trong thế giới “Người thổi sáo”

Người thổi sáo vừa là tên triển lãm vừa là hình tượng nghệ thuật chủ đạo trong tranh của Nguyễn Quang Thiều. Hình tượng này liên quan đến một câu chuyện trong đời thật của nhà thơ.

Đó là những ngày tháng ông mang một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra.Một sáng có một người thổi sáo mù đi qua nơi ông ngồi uống cà phê ở thị xã Hà Đông. Ông nói người thổi sáo mù hãy thổi cho mình một khúc nào đó mà ông ta muốn thổi nhất. Người thổi sáo mù ấy đã nhìn ông rất lâu bằng đôi mắt mù và nâng sáo lên thổi. Giai điệu của khúc sáo ấy đã khiến cho những phiền muộn trong lòng ông bấy lâu đột nhiên tan biến.

Những tháng ngày sau, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã luôn ngồi ở quán cà phê vỉa hè ấy để mong gặp lại người thổi sáo mù. Nhưng ông không bao giờ thấy ông ấy đi qua nữa.

Chú thích ảnh
Bức tranh giấy của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bị vứt bỏ và được cố nhà thơ Dương Kiều Minh nhặt lại cất giữ cẩn thận

“Khi âm nhạc từ ống sáo của người thổi sáo mù vang lên, phải nói rằng, thứ âm nhạc đócó thể rất vụng về nhưng nó đã thay đổi tôi" - ông nhớ lại - "Tiếng sáo của người thổi sáo mù giống như một chiếc chìa khóa, một cơn gió thổi nhẹ, một hạt mưa nhẹ lướt nhưng đã làm hạt cây chìm sâu trong bóng tối của lòng tôi được mở ra. Tôi đã sống khác đi”.

Tiếng sáo của người thổi sáo mù ám ảnh, đeo đuổi Nguyễn Quang Thiều trong mọi khoảnh khắc sáng tạo hội họa. “Tôi vẽ những bức tranh có hình ảnh cây sáo. Các ống sáo được vẽ đầu tiên, có đầy đủ nốt, sau dần có một số nốt và có cả những bức tranh những ống sáo không cần lỗ. Âm thanh mà những ống sáo mang đến là một thứ âm nhạc đặc biệt, sáo không lỗ nhưng vẫn có thể nghe thấy âm nhạc ngập tràn” - nhà thơ chia sẻ.

Trong tranh ông, tiếng sáo khi réo rắt khi du dương, lúc trầm, lúc bổng như gợi ra những âm thanh, những hơi thở của cuộc đời, của phận người nhưng ẩn sâu vẫn là khát vọng của người nghệ sĩ về một cuộc sống thanh bình, an yên biểu lộ trong những đường nét bay bổng và màu sắc ảo huyền.

Chú thích ảnh
Bức tranh Người thổi sáo 12 trong triển lãm Người thổi sáo

Ngoài hình tượng người thổi sáo còn có rất nhiều hình tượng nghệ thuật khác được Nguyễn Quang Thiều chọn. Đó là hình tượng con chim gắn với tuổi thơ, biểu tượng của thiên nhiên và một thế giới thanh bình. Đó là bình gốm đã ăn sâu vào đời sống của nhà thơ, là ký ức về nếp nhà có căn bếp với những bình gốm, lọ sành ngập trong khói bếp. Tất cả những hình tượng của đời sống này theo đuổi Nguyễn Quang Thiều trong những sáng tác hội họa.

“Trong quan niệm của tôi có 3 bình gốm quan trọng. Một số tranh tôi cũng thường vẽ 3 bình này, gồm: Một bình đựng nước, một bình đựng chữ và một bình ngũ cốc. Chỉ với 3 bình đó, nhân loại sẽ tạo thành những con người, tạo thành nhân loại, tạo thành văn hóa. Nếu thế gian có tàn lụi, không còn bất kể thứ gì, chỉ cần một người mang đến cho tôi 3 bình ấy, tôi có thể xây dựng lại mọi thứ trong một tinh thần mới”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ - Ảnh: ANTG

Có thể nói, Người thổi sáo là một thế giới trong giấc mơ. Ví dụ như bức tranh Cậu bé làng Chùa, ông vẽ một cậu bé trong sáng, đang ngước lên nhìn một cái cây đầy những chùm quả tỏa sáng và một con chim đỏ rực đuôi dài đến sát đất và ở dưới là ngũ cốc và đồ gốm. Ông tâm sự: "Cũng giống như người đời mơ về một cuộc sống thanh bình. Tôi cũng vậy, tôi chỉ mơ về một cuộc sống thanh bình, với những màu xanh lam, màu vàng của lúa, màu đỏ của con chim thần. Bức tranh Cậu bé làng Chùa được triển lãm lần đầu tiên vào năm 2005, được nhiều người yêu thích và được bán trôi nổi trên thị trường, mặc dù tôi không phải là một tên tuổi trong hội họa”.

Danh họa bậc thầy Picasso từng nói: “Những sự tình cờ hé lộ con người”. Có lẽ con người hội họa của Nguyễn Quang Thiều cũng được hé lộ từ những sự tình cờ. Nguyễn Quang Thiều chạm ngõ hội họa từ chỉ một vệt màu vàng và cũng được hội họa cất tiếng gọi trở lại khi những bức tranh của chính mình được lưu giữ bởi một người hàng xóm liên tài. Có lẽ, những sự tình cờ này đã dẫn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vào thế giới của màu sắc và ông biết ông không bao giờ có thể rời xa thế giới ấy được nữa. Để rồi nhà thơ chắc nịch khẳng định: “Tôi không phải là một họa sỹ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị”.

Con đường hội họa của Nguyễn Quang Thiều

Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957, là nhà thơ, nhà văn, dịch giả, bắt đầu vẽ ở tuổi 48 (2005).

Triển lãm chung lần đầu tiên với các nhà văn tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2005 với tên gọi “ Nhà văn vẽ’’. Sau đó ngừng vẽ cho tới năm 2012 vẽ lại.

Tham dự triển lãm nhiều lần với nhóm họa sĩ G39.

Triển lãm “Người thổi sáo” là triển lãm cá nhân đầu tiên, diễn ra từ ngày 7 – 15/1 tại Trung tâm Art Space (Trường đại học Mỹ Thuật, số 42, phố Yết Kiêu, Hà Nội).

Triển lãm gồm hơn 53 bức tranh với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel. Bức tranh khổ lớn nhất là 150cm x 180cm và bức nhỏ nhất là 50cm x 70cm. Hầu hết số tranh trong triển lãm này nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ trong 3 năm gần đây còn lại là những bức khác được mượn lại của những người đã sở hữu chúng.

Vẽ để được sống nhiều hơn

Bước vào hội họa, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quan niệm vẽ không để trở thành họa sĩ chuyên nghiệp mà đơn giản chỉ cho bản thân được sống thêm trong một thế giới riêng khác, sống đắm mê trong sáng tạo và sau cùng, làm dài rộng thêm cho cuộc đời để được sống nhiều nhất.

Chỉ coi mình là “người đi ngang qua cánh đồng hội họa” nên nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có cách thức sáng tạo hội họa cũng chẳng giống ai. Ông thường vẽ không có phác thảo. Ông đứng trước toan và quết nhát màu đầu tiên lên toan và cứ thế cuốn theo màu sắc ấy.

Tự nhận là một người lúng túng, vụng về khi đặt chân vào thế giới hội họa, thế nhưng, Nguyễn Quang Thiều lại may mắn được một người bạn thân thiết, họa sĩ Lê Thiết Cương, dặn rằng: “Hãy vẽ đi, đừng hỏi ai điều gì cả. Hãy vẽ tất cả những gì mà ông muốn vẽ, hãy vẽ tất cả những gì mà ông cảm giác. Ông đừng lệ thuộc. Ông đừng đi học vào độ tuổi này nữa”.

Không chỉ có họa sĩ Lê Thiết Cương, nhiều người bạn họa sĩ khác của ông bằng cách này hay cách khác đều muốn ông vẽ, buộc vẽ, phải vẽ. Họa sĩ Đào Hải Phong cho bút, cho màu, họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ thì cho toan, rất nhiều toan… đều như những thông điệp thúc giục nhà thơ: “Hãy vẽ đi!”.

Nguyễn Quang Thiều cứ vẽ và không dám xưng danh là họa sĩ bởi lẽ với ông đó là một điều xa xôi. Quan trọng nhất với tác giả Người thổi sáo vẽ vẫn là niềm đắm mê bất tận. “Tôi làm tất cả mọi thứ: vẽ tranh, làm thơ, dịch sách, viết tiểu thuyết, viết truyện thiếu nhi, viết kịch, làm báo, nấu ăn, trông cháu, làm đèn cù,… làm tất cả nhưng không phải để tôi trở thành tất cả. Tôi làm tất cả vì tôi muốn được sống một cách nhiều nhất. Tôi luôn nghĩ một ngày mình cần 48 tiếng đồng hồ để làm tất cả những điều mình muốn. Mặc dù công việc bận mù mịt nhưng không có điều gì có thể dừng tôi lại trong sáng tạo, chìm đắm trong thế giới của ngôn ngữ, của màu sắc bởi vì như thế tôi mới được sống tốt nhất”.

Không coi hội họa là sự nghiệp, cũng chẳng phải là một cuộc dạo chơi, với Nguyễn Quang Thiều hội họa là một phương tiện để người nghệ sĩ như ông được sống nhiều hơn. “Khi làm một bài thơ tôi nhìn thấy thế gian trong một góc, tôi vẽ tiếp một bức tranh tôi nhìn thấy thế gian thêm một góc khác, tôi sáng tác âm nhạc tôi nhìn tiếp thêm một góc nữa, tôi chơi đàn bầu tôi nhìn thấy tiếp tục một góc nữa,… tất cả như cách tôi muốn nhìn thế gian này đầy đủ hơn. Đó là sự sáng tạo nghệ thuật đến tận cùng”.

Cho đến những ngày cuối cùng chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đầu tiên Người thổi sáo, Nguyễn Quang Thiều vẫn chìm đắm trong một cõi riêng để hoàn thiện những bức tranh sau cùng, “một ông già 63 tuổi, mỗi đêm trước khi ngủ, vẫn phải “lẻn” vào phòng vẽ để ngó lại xem những bức tranh của mình, hút một điếu thuốc và muốn thức để vẽ tiếp tục. Tôi lúc nào cũng phải thăm nhưng bức tranh của mình như thăm một người thân mặc dù nó đang dang dở, nó đang nguệch ngoạc. Tôi nhớ chúng mặc dù chưa vẽ thêm. Đó là sự hạnh phúc”.

“Rất nhiều thứ của tôi đã già cỗi nhưng khi đứng trước một trang giấy hay toan vẽ, tôi như một chàng trai 18 tuổi, cho đến bây giờ tôi vẫn đắm mê. Tôi cứ thế vẽ, vẽ xong, tự thấy bức tranh xấu, tôi lại vẽ tiếp, hết ngày này qua ngày khác, tranh thủ vẽ”.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm