18/06/2013 15:56 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) -"Rất nhiều nhà báo hiện thời lấy thông tin qua mạng xã hội, phỏng vấn nhân vật qua chat. Sự nhanh nhạy này cũng rất tốt. Song cũng có nhiều bất cập" - Đó là đánh giá của nhà báo Hữu Thọ trong trong tọa đàm khoa học “Sự thâm nhập của các phương tiện truyền thông mới vào Việt Nam và ứng xử của các nhà báo trẻ” diễn ra tại Hà Nội hôm nay (18/6).
Theo nhà báo Hữu Thọ, nguyên nhân chủ yếu của những lỗi này là các báo đã quá tin vào nguồn mạng xã hội. Trong khi đó, mạng xã hội giờ thông tin rất nhiều nhưng nhiễu. Nếu phóng viên không kiểm chứng, việc sai sót tất sẽ xuất hiện.
Bùng nổ mạng xã hội, loạn thông tin
Nhà báo Hữu Thọ chia sẻ: “Do viễn thông phát triển, thông tin hiện thời được truyền đi rất nhanh và nhiều. Điều này cũng tạo nhiều thay đổi trong giao tiếp cũng như truyền thông. Rất nhiều nhà báo hiện thời lấy thông tin qua mạng xã hội, phỏng vấn nhân vật qua chat. Sự nhanh nhạy này cũng rất tốt. Song cũng có nhiều bất cập”.
Theo nhà báo Hữu Thọ, thông tin mạng hiện thời giúp phóng viên có thể tác nghiệp nhanh nhưng bài viết khô khan, không sinh động, thiếu những tình tiết “kim cương”. Những tình tiết “kim cương” mang tính chất định hướng cho cả bài viết này sẽ không thể xuất hiện khi phóng viên không lăn xả tới hiện trường mà chỉ chăm chăm tìm thông tin trên mạng.
Đồng quan điểm với nhà báo Hữu Thọ, phóng viên Hải Lộc (đang công tác tại VTV5) cho rằng: trong thời buổi mạng xã hội phát triển, việc cần làm của báo chí không còn là thuần đưa tin. Nhiệm vụ của báo chí chính thống là kiểm chứng nguồn tin để đưa ra những thông tin chân thật nhất.
Phóng viên Hải Lộc lấy ví dụ về vụ nổ kho chứa pháo hoa ở sân vận động Mỹ Đình năm 2010. Ngay khi vụ việc diễn ra, những hình ảnh và clip lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt. Đi kèm với chúng là những lời bình luận, và những phỏng đoán về nguyên nhân vụ nổ.
“Lúc đó, thông tin thực sự nhiễu. Có những ý kiến hết sức tiêu cực về vụ việc. Tuy nhiên, ngay tối hôm đó, VTV phát tin chính thức về nguyên nhân vụ cháy và những lý giải của nhà chức trách, mọi việc hoàn toàn lắng dịu”- Anh Lộc nói.
Không nên coi mạng xã hội là nguồn tin!
Phần đông tác giả trong tọa đàm đều đồng tình với quan điểm coi mạng xã hội là nguồn nguồn "câu view" như một số tờ báo mạng hiện nay đang làm là sai hòan toàn.
“Hơn thế, việc bám vào các trang mạng xã hội để làm tin sẽ dẫn đến những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng. Ví như “câu chuyện cảm động về em bé 9 tuổi Haruo Soma trong vụ động đất, sóng thần”. Sau khi thông tin này được đăng tải trên báo Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định, thông tin một số báo trong nước đăng câu chuyện cảm động về em bé 9 tuổi Haruo Soma do “viên cảnh sát gốc Việt” Hà Minh Thành kể là bịa đặt”- TS Nguyễn Thành Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Báo Chí, Hội Nhà báo Việt Nam nói.
Theo ông Lợi, bên cạnh vụ việc về động đất, sóng thần Nhật Bản, còn rất nhiều vụ việc báo chí bị “hớ” khi lấy tin nguồn mạng xã hội.
Tiêu biểu như vụ vợ cũ của Nguyễn Thanh Sơn (Chồng mới của diễn viên Hồng Ánh) “chửi” Hồng Ánh trên Facebook hay thông tin Đại tướng Kim Jong Un bị ám sát trên mạng xã hội đều được phóng viên “xào xáo” thành bài. “Điều này không chỉ sai về nguyên tắc thông tin mà sai đạo đức làm báo”- Ông Lợi nói.
Còn theo nhà báo Đông Hà (báo Thể thao & Văn hóa), ngoài việc trang bị đầy đủ các thiết bị cùng kỹ năng tác nghiệp đa phương tiện, việc tìm kiếm nguồn tin trên mạng là rất quan trọng. Đây là điều tối cần thiết khi “làm báo thời facebook”, tuy nhiên, việc kiểm định nguồn tin mới là vấn đề "mấu chốt" với người làm báo.
Phạm Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất