Vụ tai nạn máy bay hồi tuần trước đã trở thành dấu chấm hết cho giấc mơ Mỹ của hai thiếu niên Trung Quốc, những người đều là con một của các gia đình giàu có.Trong ba tuần, những thiếu niên Trung Quốc này lẽ ra sẽ được chiêm ngưỡng cường quốc hàng đầu thế giới qua ánh mặt trời rực rỡ ở trại hè miền nam California, được học tập về văn hóa Mỹ cùng những thuật ngữ tiếng Anh vào buổi sáng, thăm những công viên địa phương vào buổi chiều và tham quan đại học Stanford và trại Google vào cuối tuần.
Để được hưởng thụ một mùa hè đặc biệt như vậy, các thiếu niên đến từ tỉnh Chiết Giang phải quá cảnh ở Seoul, Hàn Quốc, trước khi hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế San Francisco. Mọi chuyện có thể đã diễn ra êm đẹp như thế nếu chiếc máy bay chở các em không lao khỏi đường băng, trượt dài và bốc cháy. Hai trong số các học sinh đã tử nạn, trong khi các bạn cùng lớp hoảng loạn chạy trốn khỏi hiện trường vụ tai nạn.
Hai nạn nhân 16 tuổi được xác định là Ye Mengyuan và Wang Linjia, đến từ quận Giang Sơn, Chiết Giang, và dự định sẽ cùng hơn 30 học sinh khách tham gia trại hè ở Trường West Valley Christian, ngoại ô Los Angeles.
Các cô bé chỉ là hai trong số hàng nghìn trẻ em Trung Quốc, xuất thân từ những gia đình giàu có, được cha mẹ gửi tới Mỹ mỗi mùa hè, tham gia các lớp học ngôn ngữ và văn hóa phương Tây. Rất nhiều người trong số các em được tham gia trại hè của những trường đại học thuộc hệ thống Ivy League, bơi lội, ăn đồ nướng và luyện tập tiếng Anh.
"Hai cô bé đáng lẽ đã có một chuyến đi dễ dàng", Steve Haines, người điều hành Horizons USA, một trại hè cho học sinh quốc tế gần Philadelphia, nói.
Các sinh viên Trung Quốc đang dần khẳng định vị thế của họ trong các trường đại học Mỹ. Thậm chí điều này còn diễn ra ở những trường trung học, với gần 200.000 em trong năm học 2011-2012. Các bậc phụ huynh Trung Quốc thường có xu hướng gửi con mình tới những trại hè ở Mỹ, nơi được rất nhiều người trong số họ coi như một sự chuẩn bị hoàn hảo cho việc học đại học, hoặc thậm chí là trung học ở Mỹ.
Nhiều chuyên gia đang hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng, "trại hè" đang dần trở thành một từ khóa rất được quan tâm, nhờ vào sự đi lên của kinh tế Trung Quốc và tâm lý "sính Mỹ" của các bậc phụ huynh.
Một suất tham dự trại hè tại những ngôi trường uy tín có thể lấy đi của các bậc phụ huynh tối đa 12.000 USD, mặc dù mức giá từ 2.000 tới 7.000 USD dường như phổ biến hơn. Nhiều người thậm chí sẵn sàng trả một số tiền cao ngất cho những nhà môi giới để giúp con cái họ có được một chỗ trong những trại hè quốc tế ở Mỹ.
"Phần lớn các em đều nghĩ tới chuyện được học đại học ở đây", David Lin, giám đốc Hiệp hội Văn hóa Trung Quốc, tổ chức có trại hè ở San Bernardino, California, nói. "Nhưng cha mẹ các em cũng mong con cái họ có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống Mỹ".
Trại hè thường niên của ông Lin thường kéo dài hai tuần, với sự tham gia của 500 học sinh Trung Quốc. Phần lớn các em đều được sinh ra trong những gia đình khá giả, có cha mẹ là thương gia bất động sản, kỹ sư và bác sĩ. Trong thời gian tham gia những lớp học Anh ngữ và thể thao ở trại hè, các em còn được khám phá văn hóa địa phương và tới thăm Washington, Disneyland, cũng như các trường đại học hàng đầu nước Mỹ như Harvard, Yale hay M.I.T.
Một số trại hè còn tổ chức cả lớp học dự bị SAT để giúp con đường vào những trường trung học và đại học của các em thêm dễ dàng. Những trại hè khác cung cấp các khóa học đặc biệt về khoa học, báo chí hoặc văn hóa Mỹ.
Trường West Valley Christian, nơi nhóm các học sinh từ Chiết Giang dự định sẽ bắt đầu trại hè từ ngày 8/7, được một nhóm người Hàn Quốc tổ chức suốt 12 năm qua. Một số thành viên của nhà thờ, những người sẽ hỗ trợ các em trong thời gian diễn ra trại hè, đã rất bất ngờ và đau đớn trước sự ra đi của Ye Mengyuan và Wang Linjia, ông Derek Swales, quản lý nhà trường, cho biết.
Trường Cấp hai Giang Sơn, nơi hai cô bé xấu số đang theo học, nổi tiếng sở hữu nhiều học sinh giỏi. Rất nhiều người trong số các em đang theo học tại các trường đại học hàng đầu Trung Quốc và Mỹ, bao gồm Havard và Yale. Theo truyền thông địa phương, ngôi trường này từng nhiều lần tổ chức các trại hè tương tự, và mỗi học sinh phải trả khoảng 5.000 USD để có được cơ hội này.
"Các em rất nỗ lực học tập tiếng Anh và văn hóa Mỹ", ông Swales nói. "Bọn trẻ muốn nói tiếng Anh thật chuẩn và hiểu ý nghĩa của tất cả các thành ngữ".
Ông cho biết, động lực của tất cả học sinh đều rất đơn giản: để có một hồ sơ đẹp trong đợt tuyển sinh đại học ở Mỹ. "Lý do số một là để chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên", ông nói. "Cha mẹ các em sẵn sàng chi rất nhiều tiền để biến mong muốn của con cái họ thành sự thật".
Swales cũng cho hay, ông tin rằng các học sinh ở Chiết Giang hiện có thể trở về Trung Quốc thay vì đến Trường West Valley Christian, và nói thêm rằng nhà thờ sẽ tổ chức một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân vào tối thứ 5 tới.
Các học sinh khác hiện vẫn ở San Francisco, nơi Lãnh sự quán Trung Quốc đang phối hợp với nhà trường để giúp các em sớm được về nước, theo lời Wang Chuan, phát ngôn viên của Lãnh sự. Ông cho biết Lãnh sự quán cũng đang sắp xếp để giúp gia đình các nạn nhân bay tới San Francisco.
Ở Trung Quốc, truyền thông địa phương đưa tin rằng các bậc phụ huynh đang tập trung ở trường để chờ đợi tin tức của con cái họ.
Bởi chính sách một con của Trung Quốc, nên cả Ye Mengyuan và Wang Linjia đều là con một, cũng giống như hầu hết những người bạn đồng trang lứa. Gia đình Ye nói Mengyuan, tên của con gái họ, trong tiếng Trung có nghĩa là "giấc mơ có thật".
Theo Quỳnh Hoa
Vnexpress/ NY Times