17/06/2020 07:49 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Có thể gọi cuốn tiểu luận Nhìn - thấy - yêu - hiểu (NXB Thế giới - Nhã Nam) của Nguyễn Quân là một trong những cẩm nang về nhận thức luận nghệ thuật, về sống bởi/vì/trong/cùng… nghệ thuật. Nó là một bổ khuyết vào bộ 4 cuốn về lý thuyết nhận thức luận nghệ thuật của nhà phê bình này.
Còn về các sách từ điểm nhìn phê bình với mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Quân từng xuất bản bộ 4 cuốn là Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại (1982), Mỹ thuật của người Việt (1989, viết chung với Phan Cẩm Thượng), Mỹ thuật ở làng (1992, viết chung với Phan Cẩm Thượng), Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 (2008).
Nhà phê bình mỹ thuật - họa sĩ Nguyễn Quân có cuộc trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về chuyện nhìn - thấy - yêu - hiểu trong nghệ thuật, nhân cuốn sách cùng tên vừa phát hành ít lâu.
* Thưa ông, nói thật ngắn gọn, trước một tác phẩm hoặc hiện tượng nghệ thuật, nhìn - thấy - yêu - hiểu khác nhau như thế nào? Phải chăng sẽ có tỷ lệ đa số nhìn mà không thấy, yêu mà không hiểu?
- Đó là mặc cảm của số đông ít sống, ít tương tác với tác phẩm nghệ thuật, là định kiến của giới phê bình và nghệ sĩ mà thôi, ở đâu, thời nào cũng vậy cả. Thực ra, nhận thức bất cứ cái gì cũng là làm 4 việc nhìn - thấy - yêu - hiểu (NTYH) cùng lúc, tương liên nhau. Xem, mua một bức tranh ai cũng nhìn một cái gì đó thú vị với mình, hồi tưởng, liên tưởng, đồng cảm, ham muốn, tiếc nuối… một cái gì đó trong hoặc ngoài tranh, thêm vào một chút hiểu biết về tác giả, lịch sử, nghề nghiệp... thì càng tốt. Giác ngộ ra một “sự thật” hoặc “chân lý” nào đó là sướng nhất khi sống với nghệ thuật. Thí dụ như ngộ ra vẻ dịu dàng, nhẫn chịu mà ấm áp của phụ nữ Việt Nam ở ngay mẹ hoặc vợ mình khi xem tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh chẳng hạn. Rào cản chỉ là sự thiếu tự tin của người xem với các hoạt động nhìn - thấy - yêu - hiểu của chính mình mà thôi.
* Tuy nhiên, với cảm thụ nghệ thuật mà nếu không đạt đến mức độ hiểu thì sẽ là một khiếm khuyết lớn. Mà để hiểu, liệu có dễ không?
- Hiểu không phải bậc nhận thức cao nhất, mà chỉ là 1/4 có tính duy lý của nhận thức. Tất nhiên, không đọc hiểu, không có kiến thức nghệ thuật thì đáng tiếc, nhưng hiểu mà không yêu còn đáng sợ hơn. Hiểu nghệ thuật - tức có những nhận thức, kiến thức có thể trình bày bằng ngôn ngữ suy luận, logic, thực chứng - không khó, chỉ cần xem nhiều, đọc nhiều như đọc các bài địa lý thôi. Thấy, tức giác ngộ một chân lý nào đó trong tác phẩm, nhớ một tác phẩm cụ thể nào đó mới là khó và khoái thú nhất. Giáo dục nghệ thuật là sống nghệ thuật, chứ không phải kể lể, giảng giải khô khan về nghệ thuật. Nghệ thuật ẩm thực là khoái thú nếm, ngửi, ăn uống, yêu thích thực, chứ không phải chỉ là các công thức nấu ăn hoặc kiến thức dinh dưỡng.
* Tại sao ông nói đây sẽ là cuốn sách cuối cùng khép lại điểm nhìn lý thuyết nhận thức luận về nghệ thuật. Trong 4 cuốn này, ông đã đề ra và luận giải rất nhiều vấn đề, nếu chỉ kể một vấn đề mà ông thấy trọn vẹn hoặc tâm đắc nhất, sẽ là... ?
- Cuốn này khép lại bộ 4 cuốn lý thuyết nhận thức luận nghệ thuật là Ghi chú về nghệ thuật (1980/1990), Tiếng nói của hình và sắc (1986), Con mắt nhìn cái đẹp (2004). Hai cuốn ở giữa là nhận thức thực hành, được dùng cho đào tạo, thực hành sáng tác, nghiên cứu mỹ thuật kiến trúc và thiết kế cụ thể. Hai cuốn Ghi chú về nghệ thuật và Nhìn - thấy - yêu - hiểu bao gồm cái tôi “tâm đắc nhất” là một lý thuyết, một mô hình nhận thức luận tự đủ của riêng tôi...
Con người ta là một ngôi nhà có một tầng trệt của ý thức, với 5 cửa ra vào là 5 giác quan; một tầng hầm không đáy của tiềm thức, vô thức, bản năng; một sân thượng không biên giới, hòa nội giới với ngoại giới, tiểu ngã với đại ngã, nơi của thăng hoa, sáng tạo, giác ngộ và cực khoái. Nhìn - thấy - yêu - hiểu là cái cầu thang xoáy xuyên suốt 3 tầng, là bổn dạng sống của cái ta gọi là nội giới, tinh thần, linh hồn...
* Không có phê bình là không có mỹ thuật đích thực. Theo ông vì sao Việt Nam luôn lơ là phê bình?
- Với truyền thông và thị trường thì có thể là như vậy, nơi phê bình là ứng dụng các nhận thức lý luận, lịch sử cho các mục đích thực dụng như tuyên truyền, quảng cáo, thương mại... thậm chí giáo dục nghệ thuật. Ông tuyên truyền không đăng bài tôi chê tượng đài dù nó xấu thật. Chủ phòng tranh và tác giả không dùng bài tôi chê tranh họ sắp triển lãm. Một ông sưu tập dọa đánh anh phê bình vì nói ra nghi ngờ tính nguyên bản của bức tranh sắp chọn đấu giá; cả ông du lịch và bà di sản cũng vậy... Phê bình gắn với các lợi ích và giá trị khác nhau, không phải quan tòa thẩm mỹ hoặc cán cân công lý của thị trường, truyền thông.
Nhận thức phê bình là chất xúc tác, chứ không phải là ánh sáng chỉ đường. Tôi nghĩ, phê bình đích thực, bất vụ lợi, thì chỉ chiếm 10-20% các bài viết về nghệ thuật, đã là may lắm rồi. Phê bình đích thực nằm ở các sách lý luận và lịch sử, mà chỉ ở các sách tốt nhất mà thôi. Đó là sự bình thường ở mọi nước, mọi thời.
Khách quan nhìn nhận thì trong các ngành khoa học xã hội nhân văn, ngành lịch sử lý luận, phê bình nghệ thuật là một trong vài ngành phát triển tốt ở ta từ năm 1975 tới nay. Cá nhân tôi làm phê bình bằng nhìn - thấy - yêu - hiểu nghệ thuật thì không gặp những lơ là, ngăn trở nào. Nếu họ chậm in hoặc không in bài của mình, thì cũng bình thường. Họ phản đối, chê bai, vu vạ hoặc hiểu nhầm mình, cũng bình thường nốt.
* Gần nửa thế kỷ theo dõi, ông có nhận ra vài đặc điểm nào khác biệt, hoặc “không giống ai” của mỹ thuật Việt Nam?
- Xuyên suốt lịch sử mỹ thuật Việt Nam luôn có những giá trị nhân văn không đâu có, “không giống ai”, đáng tự hào, có vị trí trong bản đồ, lịch sử nghệ thuật thế giới. Thí dụ gốm Lý - Trần - Mạc, tượng đá Champa, điêu khắc gỗ đình chùa thế kỷ 16-19, trang trí thế kỷ 19, tranh mỹ thuật Đông Dương nửa đầu thế kỷ 20, nghệ thuật hiện thực XHCN giữa thế kỷ 20, nghệ thuật thời Đổi mới cuối thế kỷ 20… Tất nhiên, mỹ thuật Việt Nam không có ảnh hưởng ra thế giới như Ấn Độ, Ai Cập, châu Âu, Nhật Bản, Anh, Mỹ... nhưng không phải vì thế mà mặc cảm hoặc viển vông.
* Vậy theo ông thì tiền đồ hoặc tương lai của mỹ thuật Việt Nam thế nào?
- Tôi rất lạc quan về nghệ thuật đương đại của chúng ta, sắp tới sẽ có thêm nhiều tài năng trẻ. Nếu giáo dục, truyền thông và thị trường nghệ thuật phát triển tốt, thì tình trạng có vẻ như hòa tan, a dua, hời hợt và trưởng giả hóa… sẽ bớt dần đi, sẽ lộ diện các giá trị mới, bậc thầy mới, không giống ai, của giai đoạn mới.
* Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất