20/08/2014 12:28 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(giaidauscholar.com) - Chứng kiến sự bát nháo xô bồ của một Hà Nội hơn chục năm qua, chúng ta vẫn hay phản ứng bằng cách đưa ra những so sánh về “văn hóa Hà Nội”,”nếp sống, nếp nhà Hà Nội “ hoặc “người Hà Nội cũ”. Nhưng, về bản chất, văn hóa Hà Nội có phải là một thứ gì bất biến, để rồi mãi dừng lại ở sự luyến tiếc của một số người hoài cổ?
Một người Hà Nội, đương kim Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, đồng thời là thành viên Hội đồng giám khảo của giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vẫn được Thể thao & Văn hóa tổ chức đều đặn trong 6 năm qua, nhà thơ Bằng Việt có quan điểm riêng của mình.
* Lâu nay chúng ta nói khá nhiều về văn hóa Hà Nội và sự suy thoái của nó. Nhưng theo nhà thơ, đó có phải là một khái niệm hơi cảm tính không - bởi trong lịch sử, Hà Nội cũng là vùng đất hấp thụ rất mạnh văn hóa từ những cộng đồng di cư tới nó?
- Tôi nghĩ, đó là câu chuyện của cách nhìn. Là thủ đô ngàn năm, Hà Nội là mảnh đất “trăm hương đổ về”, luôn tập hợp tinh hoa văn hóa từ những vùng đất khác. Bởi thế, văn hóa Hà Nội không có tính bản địa mạnh như một vài tỉnh của đồng bằng sông Hồng hoặc các tỉnh miền Trung. Ngược lại, những nếp sống, lối nghĩ, phong tục tập quán… hội tụ về Hà Nội sẽ rất sớm được chắt lọc giữ lại nếu đủ giá trị, để rồi lâu dần trở thành thuộc tính.
Đó là cái mạnh, và cũng là điểm yếu của văn hóa Hà Nội. Mạnh, vì nói theo cách của cố GS Trần Quốc Vượng, đó là nền văn hóa ưu việt để “hội tụ, kết tinh, lan tỏa” tinh hoa văn hóa của cả nước. Yếu, bởi một nền văn hóa không có nhiều dân cư bản địa nhưng lại luôn tiếp nhận những yếu tố mới thì sẽ phải liên tục trăn trở vật vã để gạn đục khơi trong, giữ những nét hay và đào thải những gì không phù hợp với mình.
* Nghĩa là trước đây, văn hóa Hà Nội vẫn có sự ổn định và nhất quán dù thường xuyên tiếp nhận những cộng đồng cư dân mới với lối sống, lối nghĩ riêng. Vậy, việc chúng ta đổ lỗi cho “người nhập cư” làm văn hóa Hà Nội xuống cấp như hiện nay là có công bằng không?
- Cũng phải thừa nhận rằng trong quá khứ, Hà Nội chưa bao giờ lại có sự thay đổi đột ngột về thành phần cư dân như hiện tại. Lượng người dồn về quá lớn trong khi một phần lượng dân cư bản địa trước 1954 chuyển đi vì nhiều lý do khiến những thói quen về nếp sống, nếp nghĩ từng có ở Hà Nội đang gặp một thách thức quá lớn. Cũng phải kể tới việc quản lý đô thị, quản lý văn hóa yếu kém khiến Hà Nội không thể “Hà Nội hóa” những công dân mới một cách chủ động như xưa nữa.
Nhưng, đó không hẳn là vấn đề. Chúng ta đừng bất công, tách rời sự xuống cấp của văn hóa Hà Nội với sự xuống cấp văn hóa đang diễn ra ở bất cứ vùng đất nào. Để khắc phục được sự thật ấy thì lại là một câu chuyện rất dài - khi mà chúng ta đang trả giá cho việc bỏ lỏng giáo dục, cũng như việc một thời đặt những giá trị truyền thống về đạo hiếu, gia đình, mối quan hệ trên dưới… xuống sau những giá trị khác. Hà Nội, như đã nói, là nơi tiếp nhận trực tiếp nhất những thay đổi về cách nhìn, cách nghĩ đang diễn ra trong xã hội. Bởi thế, sự chông chênh bi quan mà những người yêu Hà Nội nói tới cũng là điều dễ hiểu thôi.
* Nhưng, nói ngược lại, với sự thay đổi theo thời gian, chúng ta cũng cần phân biệt rõ đâu là những yếu tố mà văn hóa Hà Nội cần giữ, đâu là những yếu tố không còn phù hợp - hoặc dù muốn giữ nhưng lại nằm ngoài khả năng của chúng ta?
- Đó là thực tế, cho dù câu trả lời không thể xác định trong một sớm một chiều. Ngay như chuyện cách dạy con trong gia đình, bạn bè tôi cũng có rất nhiều băn khoăn. Dạy con phân biệt những cái đúng - sai, xấu - đẹp trong xã hội đã đành, nhưng có nên bắt trẻ nhỏ phải tuân thủ đầy đủ tất cả những lề thói mà một gia đình Hà Nội cũ từng có về cách ăn, cách mặc, cách sống, cách nghĩ? Bởi, những điều ấy dường như có một khoảng cách nhất định so với nhịp sống của xã hội bây giờ, và một đứa trẻ khi bước ra cuộc sống bên ngoài thì chắc chắn sẽ tự biến đổi cho hợp thời.
Cắt nghĩa, lý giải một cách thật chuẩn xác về những gì đang diễn ra tại một Hà Nội luôn biến đổi theo từng ngày là điều không dễ chút nào. Nói rộng ra, tôi nghĩ đó cũng là một trong những lý do khiến chúng ta chưa thỏa mãn với những sáng tác về Hà Nội trong thời gian qua. Hà Nội của các cụ Bùi Xuân Phái, Vũ Bằng, Thạch Lam… bình lặng và thuần khiết hơn- trong khi tác giả và cả người đọc bây giờ vẫn chưa thoát khỏi mớ bòng bong trong cách cắt nghĩa về một Hà Nội đa chiều (cười).
* Vậy, cá nhân ông - một nhà thơ đang sống giữa Hà Nội - thì có bi quan về những gì đang diễn ra không?
- Đúng hơn, ở tôi có sự sốt ruột. Sốt ruột bởi trong khi chờ giải quyết những vấn đề vĩ mô về văn hóa Hà Nội, chúng ta lẽ ra có thể làm ngay những việc nhỏ trước mắt để giữ lại một Hà Nội hợp lý hơn cho mình. Ở góc độ ấy, chính giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của TT&VH lại có tác động khá lớn để đưa những giá trị tinh thần của Hà Nội về với quỹ đạo cần có.
6 lần tổ chức, năm nào cũng vậy, tôi luôn đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác khi nhìn vào danh mục các đề cử của giải. Hội đồng giám khảo chưa bao giờ rơi vào cảnh phải vắt óc… đi tìm hạng mục để trao thưởng, mà chỉ đơn thuần làm công việc bình chọn, suy xét để có sự tôn vinh xứng đáng nhất. Dù là hạng mục cho tác phẩm, ý tưởng, việc làm… thì người ta vẫn nhìn ra ở đó những con người tâm huyết với Hà Nội và yêu Hà Nội theo cách riêng của mình. Nghĩa là, trong sự biến động của những khái niệm về Hà Nội hiện nay, thì chúng ta vẫn không thiếu những cá nhân có đủ suy nghĩ sâu sắc để hướng về cái đẹp của con người và vùng đất mà mình đang sống…
* Xin cảm ơn ông.
Sơn Tùng (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất