16/10/2013 13:05 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Như TT&VH đưa tin, từ 14-18/10 tại Nhà triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn, Q.1), nhà thơ Bùi Chí Vinh đã có cuộc bày tranh lần thứ hai trong “sự nghiệp” cầm cọ “non trẻ” của anh.
Bùi Chí Vinh bắt đầu vẽ tranh “chuyên nghiệp” từ đầu năm 2012, thì đến tháng 10 cùng năm anh đã mạnh dạn thực hiện triển lãm nhân dịp sinh nhật của mình. Bùi Chí Vinh cầm tinh con ngựa (1954) nên triển lãm cả hai lần đều có tên Ngày sinh của ngựa.
Chơi sang
Ai trong đời cũng có ngày sinh nhật của mình, nhưng mừng sinh nhật bằng cách mỗi năm triển lãm tranh một lần như Bùi Chí Vinh quả là chơi sang. Bởi trong thời buổi khó khăn này, việc vẽ tranh đã tốn kém, lại còn đi thuê hội trường để bày nữa, không phải chơi sang thì là gì?!
Ngày sinh của ngựa lần này Bùi Chí Vinh trưng bày đến 55 bức tranh được anh vẽ trong hai năm qua. Gần như duới mỗi bức tranh đều có một bài thơ đuợc “đóng khung, lộng kiếng” trang trọng. Hôm khai mạc triển lãm với khoảng 200 khách tham quan, gần như các vị khách đều dừng lại rất lâu trước mỗi bức tranh để… đọc thơ. Nhiều ý kiến nói vui rằng, Bùi Chí Vinh vẽ tranh là để “minh họa” thêm cho các dòng thơ của anh hoặc Bùi Chí Vinh đã chuyển thơ thành… họa.
Ngay cả tên triển lãm cũng được tác giả diễn giải bằng bài thơ Ngày sinh của ngựa: “Ngày ta sinh ra Nguyễn Huệ đã băng hà/ Nên con ngựa tử vi không nguời cưỡi/ Ta sút chuồng phá bỏ yên cương/ Lặng lẽ ruổi đời mình lên núi…”.
Thật vậy, thi sĩ tự bạch về việc vẽ tranh của mình cũng bằng thơ: “… Đằng sau mỗi bức tranh có khi toàn nước mắt/ Trò đời à? Hễ thấy ghét là yêu”.
“Cây cọ” chuyên nghiệp
Trong tình hình rất nhiều gallery phải đóng cửa và nhiều họa sĩ không buồn vẽ nữa. Vậy nhưng trong ngày khai mạc, bốn bức tranh của Bùi Chí Vinh đã có người mua.
Bùi thi sĩ từng nói về chuyện vẽ của mình: “Tôi không học vẽ ngày nào nhưng mê hội họa từ nhỏ. Năm 9 tuổi tôi đã từng đoạt giải Hội họa Thiếu nhi châu Á tổ chức tại Malaysia với bức tranh màu nước mang tựa Quang Trung hành quân. Trong tranh tôi vẽ hoàng đế Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh giặc Tàu xâm lược qua cách hành quân độc nhất vô nhị trong lịch sử chiến tranh, đó là cứ hai nghĩa quân Tây Sơn lại cáng một người nằm trên võng để bảo đảm có đủ thời gian ăn ngủ cho cuộc tiến binh thần tốc. Đáng tiếc là sau giải thưởng hy hữu đó tôi lại chuyển qua làm thơ, viết văn và đi luôn con đường đó cho đến hôm nay”. Hóa ra ngoài tài thơ, Bùi thi sĩ còn từng là “thần đồng” hội họa.
Nhà sưu tập tranh quá cố Lê Thái Sơn từng nói với TT&VH khi xem tranh Bùi Chí Vinh tại nhà riêng: “Tôi xem tranh của Bùi Chí Vinh và thật ngạc nhiên khi ông nhà thơ này chưa học qua trường lớp nào lại vẽ tranh được như vậy. Bố cục và cách dùng màu của Bùi Chí Vinh khiến tôi nghĩ đến những người học mỹ thuật bài bản. Nhưng hơn hết, tranh Bùi Chí Vinh có đời sống riêng khiến người xem có cảm xúc. Vẽ được như vậy rất khó, nhất là những bức tranh màu nước chỉ vẽ một lần không thể sửa, càng khiến tôi nghĩ ông nhà thơ này là một cây cọ chuyên nghiệp có thể tiến xa. Nhất định tôi sẽ sưu tập tranh của Bùi Chí Vinh”.
Rất tiếc, nhà sưu tập Lê Thái Sơn đã qua đời sau cơn tai biến trước khi kịp bổ sung tranh Bùi Chí Vinh vào bộ sưu tập đồ sộ của anh.
HOÀNG NHÂN
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất