22/09/2021 19:14 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Từ điển Tác giả văn học Việt Nam thế kỷ XX (NXB Hội Nhà văn, 2003) viết: “… thơ Đỗ Trung Lai đã vào độ chín, anh biết lọc ra chất thơ giữa vẻ lộn xộn của đời sống hiện thực. Anh đã có cái nhìn bao trùm xã hội, đã đề cập những vấn đề sống còn của con người”.
Một trong những vấn đề ấy là “Nếu trái đất thiếu trẻ con”. Đây cũng là tên bài thơ của Đỗ Trung Lai được đưa đưa vào sách Tiếng Việt 5 (tập 2), bộ giáo khoa tiểu học hiện hành.
Nhà thơ Đỗ Trung Lai cho biết, năm 1983 ông là phóng viên báo Quân đội nhân dân, được tham dự Liên hoan Hữu nghị Thanh niên Việt - Xô ở TP.HCM. Trong liên hoan này ông có dịp cùng Leonid Popov, phi công vũ trụ 2 lần được phong anh hùng Liên Xô, xem triển lãm tranh vẽ của thiếu nhi TP.HCM bày trong Cung Thiếu nhi. Ông viết thành thơ chuyện 2 người lớn khám phá vẻ đẹp của các bức tranh trẻ con.
Bài thơ rất rõ cấu tứ luận đề
“Tôi và Anh vào Cung Thiếu nhi/ Gặp các em/ Và xem tranh vẽ/ Thành phố Hồ Chí Minh rất nhiều gương mặt trẻ/ Trẻ nhất là các em.
Pô-pốp bảo tôi: "Anh hãy nhìn xem:/ Có ở đâu đầu tôi to được thế?/ Anh hãy nhìn xem!/ Và thế này thì "ghê gớm" thật:/ Trong đôi mắt chiếm nửa già khuôn mặt/ Các em tô lên một nửa số sao trời!"/ Pô-pốp vừa xem vừa sung sướng mỉm cười/ Nụ cười trẻ nhỏ.
Những chú ngựa xanh lại nằm trên cỏ/ Những chú ngựa hồng lại phi trong lửa/ Qua tấm lòng các em/ Cả thế giới quàng khăn quàng đỏ/ Các anh hùng là những - đứa - trẻ - lớn - hơn.
Ngộ nghĩnh là các em/ Sáng suốt là các em/ Tôi lặng người sau lời Pô-pốp:/ "Nếu trên trái đất này, trẻ con biến mất/ Thì bay hay bò/ Cũng vô nghĩa như nhau".
Bài thơ có nội dung thật hợp với tuần chủ điểm thứ 34 (trong chương trình 35 tuần) - chủ điểm Nhưng chủ nhân tương lai. Những chủ nhân tương lai của nước Việt, trong bài thơ này, những thiếu niên khăn quảng đỏ không nói hay về mình mà dành những điều ấy cho vị khách người lớn các em được đón tiếp.
Các em nói bằng ngôn ngữ hội họa của riêng các em. Trân trọng một cách hồn nhiên, bất chấp những mực thước, quy định của luật viễn cận hội họa, những điều sẽ khiến người lớn đắn đo, cân nhắc khi cầm bút vẽ. Trong tranh của các em, nhân vật 2 lần anh hùng vẫn rất người, dù khác thường: “Có ở đâu đầu tôi to được đến thế”, có ở đâu “Trong đôi mắt chiếm nửa già khuôn mặt/ Các em tô lên một nửa số sao trời”.
Các em vẽ ra những tưởng tượng, nghĩ suy, niềm tin của mình về nhân vật mình đang vẽ. Các em đặt vào nhân dạng chung cho mỗi người, phẩm chất cá nhân của người ấy và nhờ vậy nhân vật hội họa của các em có vóc dáng, kích cỡ cổ tích, ai cũng có thể đẹp hơn - “Cả thế giới quàng khăn quàng đỏ”, và trẻ ra - “Các anh hùng là những - đứa - trẻ - lớn - hơn”.
Bài thơ rất rõ cấu tứ luận đề, mở ra với chữ “nếu” để rồi đoạn kết phải xuất hiện chữ “thì”, vì thế, cần khai thác sâu hơn (ít nhất là với đối tượng học sinh giỏi) ý nghĩa đối lập trong nội hàm thơ ca của các động từ “bò” và “bay”. Đấy là 2 chữ chỉ vạch xuất phát và đích tới của sự tiến hóa. “Nếu trái đất thiếu trẻ em” loài người loạn chuẩn, không có tương lai. Cần có quyền trẻ em vì lẽ ấy! Trong “hiện thực” cuộc giao lưu văn hóa với một cường quốc, nước bạn không ít “vĩ nhân” (chữ của Đỗ Trung Lai dùng trong nguyên bản bài thơ, in trong tập Đêm sông Cầu) nhưng tác giả chọn một phi công du hành vũ trụ làm nhân vật của mình, vì chính anh phi công ấy là 1 trong những người có công mở đường để loài người bay lên!
Bài thơ viết theo thể tự do nhưng đủ vần để kết nối câu, để dễ đọc kiểu “vắt dòng”, giữ được nhạc điệu khi đọc. Ngay trong tuần kế tiếp, tuần cuối cùng của năm học, các em lại được học bài thơ lối tự do Trẻ em ở Sơn Mỹ của nhà thơ Thanh Thảo, đây là cơ hội để thầy cô giáo giúp học sinh phân biệt rõ, thơ cách luật truyền thống và thơ phi cách luật theo hướng tự do.
Năm học 2021 - 2022 này, sách giáo khoa Tiếng Việt mới cấp tiểu học, theo chương trình 2018 đã có tới lớp 2. Chỉ còn 2 năm nữa sách Tiếng Việt 5 với bài Nếu trái đất thiếu trẻ con sẽ được thay. Người viết bài, muốn giữ bài thơ này trong sách mới vì đây là bài có tứ hay, điệu mới, gắn với ngành khoa học tân tiến - du hành vũ trụ - và từng “đánh bạn” với một cường quốc. Nhưng nếu các nhà biên soạn sách mới, có giữ bài thơ này thì xin giữ nguyên như văn bản gốc. Đừng thay “phi công vũ trụ hai lần anh hùng Liên Xô” bằng chữ “Anh” viết hoa có phần khiên cưỡng, rồi mất công chú thích! Chẳng biết mong muốn này có kịp với tiến độ thay sách đang rất khẩn trương?
Dạy văn trong giờ chơi
Nhà thơ Đỗ Trung Lai chưa ra (hay là sẽ không ra?) tập riêng, xếp loại “văn học thiếu nhi” vì dù viết nhiều về thiếu nhi nhưng ông luôn viết theo cách mượn các em ở lứa tuổi ấy để viết và tạo các thông điệp cho mọi lứa tuổi bạn đọc. Ngay bài chúng ta vừa phân tích ở phần trên là một ví dụ. Mượn các em trong phòng tranh thiếu nhi để bàn chuyện ngoài vũ trụ, chuyện tiến hóa của loài người.
Ở một ví dụ khác, bài Ru cháu (tập Ơ thờ ơ, NXB Hội Nhà văn, 2013) thì là ru bằng những lời dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông: "Mạ vàng chữ, chữ thành ra vàng giả/ Chữ chui vào trong túi ba gang”, “Và ông hóa thành ông ba gang chữ/ Ba gang lời, danh hão cũng ba gang”. Ru cháu để tự hỏi: “Ông ru cháu hay ông ru mình vậy?”.
Tôi vẫn hình dung thi sĩ cựu chiến binh Đỗ Trung Lai như một người hát rong, người nặn tò he, người bán kẹp tóc, bông tai, sổ lưu niệm, sách best-seller… đợi học sinh ngoài sân trường, để dạy văn trong giờ chơi, qua đó dạy các em làm người. Như là cách ông dạy truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy. Bắt đầu là văn xuôi nói lối: “Ra em là Mỵ Châu đấy ư? Đúng rồi, em mới là người đàn bà khổ nhất giời Nam! Nàng ấy nghe, nét mặt có vui lên một chút. Khi tỉnh hẳn, chỉ còn mình tôi trong phòng. Trên bàn viết có mấy lông ngỗng trắng tinh. Lấy làm lạ, tôi cầm một chiếc lông ngỗng làm bút, viết bài thơ này tạ lỗi Mỵ Châu”.
Sau đó tới thông điệp thơ: “Cha ơi! Cha chọn rể/ Cha đắp lũy xây thành/ Mà sao khi nước mất/ Cha xử con tội hình?// Thần rùa biết cơ giời/ Cớ sao còn tặng nỏ?/ Sao nỡ trỏ vào em/ - Giặc đằng sau vua đó!// Chàng đã phụ đời ta/ Từ khi chưa gặp mặt/ Chuyện tình thành Cổ Loa// Đau trước ngày thứ nhất!// Sống cũng chẳng được nào:/ Nước mất! Tình cũng mất!/ Nhưng chết dưới gươm cha/ Thì ngàn năm oan nghiệt!// Nỗi oan này hóa ngọc/ Dưới chín tầng bể sâu/ Thần với người đâu cả/ Bao giờ thì biết yêu?”.
Biết sống đẹp và viết đẹp
Đang học năm cuối Khoa vật lý, Trường ĐHSP Hà Nội thì Đỗ Trung Lai nhập ngũ. Anh lính trẻ sau 2 năm ở đơn vị chiến đấu, về dạy vật lý ở một trung tâm văn hóa quân đội. Khi còn là binh nhất, Đỗ Trung Lai đã làm thơ, vẫn làm thơ khi là một sĩ quan của báo Quân đội nhân dân, tính chiến đấu trong thơ ông như một lẽ tự nhiên.
Nhưng trong "trường văn trận bút", ông “bắn” nhiều đạn khai sáng hơn là đạn triệt tiêu. Thơ của thi sĩ áo lính Đỗ Trung Lai ít cam go khốc liệt, nhiều ảo diệu, thăng hoa, đẹp một cách cổ điển trong hơi hướng duy mỹ. Bài thơ tiêu biểu cho phong cách này - Đêm sông Cầu - vừa in báo lần thứ nhất đã được nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đồng cảm biến thơ thành ca khúc Tình yêu bên dòng sông quan họ. Năm 1982 ca sĩ Thanh Hoa mang bài này đi tham gia Liên hoan Nhạc nhẹ quốc tế ở Cuba. Có thể nói tác phẩm đầu tay của Đỗ Trung Lai đã là tác phẩm để đời. Nhưng Đỗ Trung Lại còn có giải truyện ngắn hay - Người chơi đàn nguyệt ở Hàng Châu - in báo Văn nghê quân đội. Và năm 2008, Đỗ Trung Lai khiến nhiều người ngạc nhiên khi mở triển lãm Thơ - Tranh - Sách (dịch phầm Đường thi 800 trang) như là cách kết hợp những khả năng sáng tạo nghệ thuật mà mình có, nhằm đưa đến cho bạn đọc những rung cảm nghệ thuật tổng hợp hơn, nhờ vậy có nhiều khoái cảm thẩm mỹ hơn.
Vài nét về Đỗ Trung Lai Nhà thơ Đỗ Trung Lai sinh năm 1950, nhập ngũ 1972, nguyên Trưởng phòng báo Quân đội nhân dân cuối tuần, nguyên Phó Tổng biên tập thường trực báo Tiếng nói Việt Nam. Ông vào Hội Nhà văn Việt Nam 1991, là tác giả của 12 đầu sách gồm thơ, truyện, dịch thuật và biên soạn. Đỗ Trung Lai hiện sống tại Hà Nội. |
(Còn tiếp)
Trần Quốc Toàn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất