16/04/2019 13:22 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhà thờ Đức Bà Paris, kiệt tác trung cổ 850 tuổi, có lẽ là nhà thờ nổi tiếng nhất thế giới, nơi hành hương của người Công giáo La Mã từ khắp nơi trên thế giới và là biểu tượng của nước Pháp. Nhưng kiệt tác gothic này đã bị thiêu hủy do đám cháy xảy ra vào khoảng 18h 50' ngày 15/4 giờ địa phương tức 23h 50' ngày 15/4 giờ Hà Nội ở phần đỉnh ngọn tháp, sau đó lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ.
Đám cháy xảy ra khi cộng đồng Công giáo đang chuẩn bị tổ chức Lễ Phục sinh, dự kiến vào ngày 21/4 tới.
Tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ ở giữa sông Seine, 2 tòa tháp lớn của nhà thờ, cửa sổ hoa hồng độc đáo, những trang trí điêu khắc phong phú và miệng máng xối (hình thú hoặc đầu người theo kiến trúc gothic) là trung tâm của một trong những đô thị dễ nhận biết nhất trên hành tinh.
Nhà thờ Đức bà được xây dựng vào năm 1163 trên địa điểm của một nhà thờ cũ và trước đó là một ngôi đền ngoại giáo dưới triều đại của Vua Louis VII, với viên đá nền móng do Giáo hoàng Alexander III đặt. Công trình này là mồ hôi công sức của hàng ngàn người lao động trong gần 2 thế kỷ, trước khi được hoàn tất vào năm 1345.
Sử dụng các kỹ thuật kiến trúc đầy cách tân để khẳng định vị thế này càng gia tăng của nước Pháp như một cường quốc châu Âu, công trình này có các trần nhà cao vút, các trụ và cửa ra vào nổi bật với nhiều chân dung vị vua trong Kinh cựu ước, một biểu hiện sự hùng vĩ của hoàng gia.
Công trình này dài hơn một sân bóng đá với ngọn tháp phần lớn bằng gỗ, đã đổ sụp sau vụ hỏa hoạn đêm qua, từng hiện sừng sững trong bầu trời Paris.
Mái của nhà thờ hoàn toàn bằng gỗ đan hình mắt cáo, với mỗi xà rầm được làm bằng cả một cây sồi và đây là nguyên nhân chính để hiểu được tại sao mái nhà thờ bốc cháy dữ dội và bị thiêu hủy nhanh chóng trong hỏa hoạn đêm qua.
Tính tổng cộng có 5.000 cây sồi đã được sử dụng để xây dựng nhà thờ. Theo tư liệu lịch sử, Vua Henry VI của nước Anh đã đăng quang ở nhà thờ vào năm 1431 trong thời kỳ giữa Chiến tranh Trăm năm (Hundred Years War). Henry VI là vị vua Anh duy nhất lên ngôi ở cả 2 quốc gia.
Năm 1558, Nữ hoàng Mary của Scotland đã kết hôn với Hoàng thái tử Pháp Francis II tại nhà thờ và năm 1572 Vua Henry IV tương lai của Pháp cũng kết hôn tại đây.
Trải qua những thời khắc vinh quang nhưng Nhà thờ Đức bà cũng đã trải qua nhiều thảm họa và thật ngạc nhiên là công trình này đã tránh được các cuộc hỏa hoạn cho đến thảm họa xảy ra đêm qua.
Năm 1548, trong thời kỳ đỉnh cao của thời Cải cách Kháng nghị (hay Cải cách Tin lành – Reformation), nhiều bức tượng đã bị phá hủy. Tới những năm 1790, trong Cuộc Cách mạng Pháp, rất nhiều báu vật của nhà thờ đã bị cướp, 28 bức tượng bị chặt đầu.
Nhiều chuông trong nhà thờ đã bị nung chảy để làm đạn đại bác.
Khi Napoleon lên nắm quyền lực, Nhà thờ Đức bà có nguy cơ bị phá hủy hoàn toàn nhưng ý nghĩa của nó đã được người Corse (Napoleon được sinh ra ở Ajaccio thuộc Corse) ghi nhận. Napoleon đã lên ngôi Hoàng đế ở đây vào năm 1804 trong buổi lễ do Giáo hoàng Pius VII chủ trì.
Nhà thờ một lần nữa rơi vào tình trạng suy tàn song lần này đại thi hào Pháp Victor Hugo đã đưa Nhà thờ Đức bà trở lại tâm trí người dân với cuốn tiểu thuyết ăn khách The Hunchback Of Notre Dame (thằng gù Nhà thờ Đức bà Paris – 1831). “Chắc chắn Nhà thờ Đức bà Paris, cho đến ngày nay, là một tòa lâu đài hùng vĩ và tuyệt vời” – Hugo viết.
“Công trình này vẫn cao quý theo thời gian, người ta không thể làm gì nhưng hối tiếc, cảm thấy phẫn nộ trước vô số sự xuống cấp và tàn phá với công trình đồ sộ này, cả do thời gian và bàn tay con người, bất kể Charlemagne, người đặt viên đá đầu tiên và Philip Augustus, người đặt viên đá cuối cùng”.
Sự mô tả đầy lãng mạn của Hugo, với những quan sát của ông về những thiệt hại mà Nhà thờ Đức bà đã phải gánh chịu, đã góp phần mang lại sự phục hồi mới cho công trình của Vua Louis-Philippe.
Người gác chuông lưng gù Quasimodo vẫn là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong nền văn học thế giới.
Nhà thờ Đức bà Paris đã đứng vững qua nhiều cuộc chiến tranh thế giới và cuộc xâm lược của phát xít Đức, thật kinh ngạc là nó không phải chịu bất cứ tổn thất đáng kể nào. Cuộc chiến đấu giải phóng Paris hồi tháng 8/1944, nhà thờ đã phải hứng chịu nhiều viên đạn và nhiều tấm kính thời trung cổ đã bị hư hại.
Sau đó nhà thờ là nơi diễn ra cuộc lễ lớn đánh dấu Paris thoát khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức với sự tham dự của Tướng Charles De Gaulle. Đám tang của Charles De Gaulle cũng được tổ chức ở đây hồi năm 1970.
Cho tới ngày 15/4, Nhà thờ Đức bà vẫn là điểm thu hút nhiều khách tham quan nhất Paris. Nhà thờ Đức bà đón khách miễn phí này đón 12 triệu du khách/năm, gấp đôi do với lượng khách tham quan tới Tháp Eiffel.
Hôm nay Paris phải đón nhận nỗi đau không thể tưởng tượng được phá hủy đi một trong những đỉnh cao nhất của di sản kiến trúc phương Tây.
Việt Lâm
Theo Daily Mail
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất