Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa sau hỏa hoạn: Và chuông Bourdon lại được ngân vang

10/12/2024 07:47 GMT+7 | Văn hoá

Những người có mặt trong buổi lễ đánh dấu sự trở lại của Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ có cảm giác như được quay ngược về thời quá khứ xa xôi, với cảm giác kinh ngạc khi ánh sáng từ các cửa sổ chiếu sắc màu vạn hoa lên những bức tường màu kem nhạt.

Đây là hình ảnh nhà thờ từng có khi được hoàn thành vào năm 1345, sừng sững giữa lòng Paris - thành phố có 200.000 dân vào thời điểm đó.

Hoàn thành lời hứa

Và tiếng chuông, tiếng chuông lại được ngân lên…Chuông Bourdon - được đúc vào năm 1683, do vua Louis XIV bảo trợ, được coi là 1 trong những chiếc chuông đẹp nhất ở châu Âu - vang lên ở cung Fa thăng như đã từng trong nhiều thế kỷ qua.

Có thể nói, Nhà thờ Đức Bà là thành tựu to lớn vào thế kỷ 12 và 13. Còn việc nhà thờ được phục hồi sau trận hỏa hoạn tàn khốc đe dọa phá hủy toàn bộ công trình là thành tựu to lớn của thế kỷ 21.

Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa sau hỏa hoạn: Và chuông Bourdon lại được ngân vang - Ảnh 1.

Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa cho công chúng tham dự buổi thánh lễ đầu tiên vào chiều tối 8/12

Lễ khai mạc chính thức diễn ra vào thứ Bảy tuần trước, được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron miêu tả là dấu hiệu của "niềm tự hào nước Pháp", vừa mang tính ngoại giao vừa mang tính tôn giáo.

Điện Élysée của Pháp đã mời 100 khách VIP, trong đó có tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, Giáo hoàng không có mặt vì đã nhận lời mời đến thăm đảo Corsica vào tuần qua.

Ông Macron đã dự kiến sẽ phát biểu trước những người quan trọng tại quảng trường bên ngoài nhà thờ, vì tôn trọng luật từ năm 1905 của Pháp là tách biệt nhà nước và nhà thờ. Tuy nhiên, mưa to và gió lớn đã buộc ông phải vào trong nhà thờ phát biểu. Ông là tổng thống đầu tiên làm vậy.

Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa sau hỏa hoạn: Và chuông Bourdon lại được ngân vang - Ảnh 2.

Ông Trump tham gia lễ tại Nhà thờ Đức Bà Paris hôm thứ Bảy

Còn nhớ, vào đêm 15/4/2019, khi đứng bên ngoài nhà thờ bị phá hủy, ông Macron đã cam kết sẽ hồi sinh nhà thờ trong 5 năm. Khi đó, khói vẫn đang bốc lên từ tòa nhà tan hoang, mái nhà bị phá hủy, đỉnh tháp bị sập, kéo theo cả khối đá cổ… lời hứa bấy giờ tưởng là một nhiệm vụ bất khả thi, một lời hứa được đưa ra chỉđể an ủi thành phố, đất nước và thế giới đang rối bời. Vậy mà, nó đã thành hiện thực. Việc nhà thờ thực sự đã vươn lên như phượng hoàng từ tro tàn, sau 5 năm 8 tháng, là kết quả của nỗ lực phi thường, được thúc đẩy bởi quyết tâm của Tổng thống Pháp, sự hỗ trợ của cộng đồng toàn cầu, đặc biệt là tinh thần hợp tác của các nghệ nhân nghề thủ công truyền thống.

Trong 5 năm qua, nhà thờ đã được miêu tả là "công trình xây dựng của thế kỷ". Sau vụ hỏa hoạn, các viên chức di sản và kiến trúc sư người Pháp đã lập ra thời gian biểu chi tiết để trùng tu.

Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa sau hỏa hoạn: Và chuông Bourdon lại được ngân vang - Ảnh 3.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris

Trước khi việc sửa chữa có thể bắt đầu, giàn giáo xung quanh đỉnh tháp vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn bị nhiệt độ thiêu đốt, phải được tháo ra và di dời. Trong khi đó, công trình và khu vực xung quanh - bị nhiễm các hạt chì nhỏ từ mái nhà thờ - cần được vệ sinh.

Dự án cũng cần 1.000 cây sồi để tái tạo khung lưới gỗ đỡ mái chì của nhà thờ và để xây dựng lại đỉnh tháp. Khoảng 250 công ty đã được tuyển dụng, cùng với 2.000 công nhân và nghệ nhân -các thợ mộc đục dầm và thợ nề cắt đá - để thay thế những viên đá bị hư hỏng bằng các công cụ truyền thống.

Chi phí cho dự án là 700 triệu euro, được huy động từ 850 triệu euro tiền quyên góp đổ về từ khắp nơi trên thế giới sau vụ hỏa hoạn. Theo ông Philippe Jost, người giám sát quá trình tái thiết (sau khi Jean-Louis Georgelin, người được ông Macron chọn để điều hành dự án, qua đời trong một vụ tai nạn leo núi vào tháng 8/2023) số tiền 150 triệu euro còn lại sẽ được sử dụng để tiến hành "các cuộc cải tạo khẩn cấp bên ngoài" cho nhà thờ.

Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa sau hỏa hoạn: Và chuông Bourdon lại được ngân vang - Ảnh 4.

Elon Musk trong số các vị khách tại Nhà thờ Đức Bà Paris

Chào đón toàn thể thế giới một lần nữa

Trong khi các vị khách VIP đã vào trong nhà thờ tránh bão, các giáo sĩ vẫn đứng ngoài để duy trì nghi lễ tôn giáo như đã lên kế hoạch.

Đứng bên ngoài nhà thờ Đức Bà, Đức Tổng giám mục Paris gọi lớn: "Đức Mẹ, xin hãy mở cửa". Bên trong có thể nghe thấy 3 tiếng gõ cửa. Ba lần Đức Tổng Giám mục Laurent Ulrich đã gọi và gõ cửa nhà thờ. Cả 3 lần ca đoàn nhà thờ đều đáp lại bằng Thi thiên 121: "Tôi ngước nhìn lên núi, nơi đó có sự cứu giúp".

Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa sau hỏa hoạn: Và chuông Bourdon lại được ngân vang - Ảnh 5.

Các giáo sĩ và khách mời tập trung bên trong Nhà thờ Đức Bà trước buổi lễ đánh dấu ngày mở cửa trở lại

Sau câu trả lời thứ 3, cánh cửa mở ra để lộ Đức Tổng giám mục, mang theo cây gậy mà ông đã dùng để gõ vào cánh cửa, vốn được làm từ 1 thanh gỗ còn sót lại sau vụ hỏa hoạn năm 2019.

Tiếp theo là tràng pháo tay kéo dài dành cho những người lính cứu hỏa Paris đã dập tắt đám cháy cách đây 5 năm và cho Philippe Jost, người giám sát dự án trùng tu sau cái chết của ông Georgelin.

"Tôi đứng trước các bạn trong thánh lễ để bày tỏ lòng biết ơn của nước Pháp với tất cả những người đã cứu, giúp đỡ và xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris. Và lòng biết ơn đối với tất cả những người có mặt khi chúng ta trao lại Nhà thờ Đức Bà cho người Công giáo, Paris, người Pháp và toàn thế giới" - Tổng thống Pháp Macron phát biểu trước những người có mặt - "Chuông của Nhà thờ Đức Bà lại reo lên. Nó đã đồng hành cùng lịch sử của chúng ta…".

Ông Macron ca ngợi lòng dũng cảm của những người lính cứu hỏa, đặc biệt là những người đã ngăn chặn ngọn lửa lan đến tháp chuông phía Bắc bởi nếu tháp chuông bị phá hủy thì chắc chắn cả công trình sẽ sụp đổ theo.

Nhà thờ Đức Bà Paris mở cửa sau hỏa hoạn: Và chuông Bourdon lại được ngân vang - Ảnh 6.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bìa trái) chào đón tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump tại Điện Elysee ở Paris hôm thứ Bảy

"Chúng tôi quyết định xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà đẹp hơn bao giờ hết trong 5 năm. Điều đó đã thành hiện thực nhờ tình bằng hữu kỳ diệu từ mọi châu lục, mọi tôn giáo, mọi vận mệnh… Chúng tôi đã khám phá lại những gì các quốc gia vĩ đại có thể làm, hiện thực hóa điều không thể" - ông nói - "Thế giới thấy nhà thờ được xây dựng lại và chúng ta phải giữ nó như bài học quý giá về sự mong manh, khiêm nhường và ý chí".

Sau đó, Đức Tổng Giám mục tiến hành nghi lễ tôn giáo với lời: "Hãy đánh thức cây đàn organ. Hãy để lời ngợi khen Chúa được vang lên".

Sự hồi sinh của đàn organ cũng là một điều kỳ diệu. Được làm bởi Aristide Cavaillé-Coll vào thế kỷ 19, nó đã sống sót sau vụ hỏa hoạn nhưng 8.000 ống của nó đã phải tháo dỡ, làm sạch và lắp ráp lại sau khi bị dính các hạt chì từ mái nhà và đỉnh tháp sập cũng như nước được sử dụng để dập tắt đám cháy. Việc lên dây, mất 6 tháng, được thực hiện vào ban đêm khi tiếng búa và cưa của những thợ xây dựng đã dừng lại.

Buổi lễ kết thúc bằng việc màn đồng ca Te Deum - giai điệu có từ thế kỷ 4 và được cho là của Thánh Ambrose, Giám mục Milan (339 - 397).

Tại lễ Cung hiến Bàn thờ mới vào sáng hôm sau, Chủ nhật 8/12, Đức Tổng giám mục Ulrich nói: "Nhà thờ Đức Bà Paris đã tìm lại được vẻ đẹp lộng lẫy của nó. Dù mang đức tin hay không, bạn vẫn được chào đón tham gia vào niềm vui của những người mang đức tin, để khám phá nhà thờ của họ".

Thánh lễ đầu tiên mở cửa cho công chúng được tổ chức lúc 18h Chủ nhật. Những người sùng đạo muốn tham dự thánh lễ này và các thánh lễ tiếp theo tại nhà thờ phải đặt chỗ. "Chúng tôi rất mong muốn được chào đón toàn thể thế giới một lần nữa dưới mái vòm của nhà thờ"-theo lời Đức Tổng Giám mục.

Đôi nét về Nhà thờ Đức Bà Paris

Notre Dame - Nhà thờ Đức Bà Paris là nhà thờ Công giáo, nằm ở quận 4 của Paris, Pháp. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1163 và hoàn thành vào giữa thế kỷ 14, là biểu tượng được công nhận rộng rãi của Paris nói riêng và nước Pháp nói chung. Nhà thờ được nhận thánh tích Vương miện gai vào năm 1239, trở thành Đền thờ Lý trí sau Cách mạng Pháp năm 1789 và chứng kiến lễ đăng quang của Napoleon Bonaparte với tư cách là hoàng đế vào năm 1804.

Những năm 1790, nhà thờ bị phá hủy nặng nề. Cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1831 Nhà thờ Đức bà Paris của Victor Hugo đã truyền cảm hứng đề nhà thờ được trùng tu từ năm 1844 đến năm 1864, dưới sự giám sát của Eugene Viollet-le-Duc.

Là một trong những địa danh chính của Paris, nhà thờ đón khoảng 13 triệu du khách mỗi năm trước vụ hỏa hoạn. Ban quản lý nhà thờ dự kiến sẽ có 15 triệu du khách vào thời điểm hiện tại.

An Bình (theo Guardian)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm