Giá như Đàm Vĩnh Hưng đừng… 'nửa chừng xuân'

28/08/2013 11:01 GMT+7 | Âm nhạc

>>> Chuyên đề: Mổ xẻ & Khai thông phê bình âm nhạc

(giaidauscholar.com) - Cho đến nay, trên công luận đang tồn tại 2 hình ảnh đối nghịch: sự nể phục và yêu mến đối với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ác cảm về thái độ vô lễ của Đàm Vĩnh Hưng.

Từ khi bài trả lời phỏng vấn của nhạc sĩ (NS) Nguyễn Ánh 9 đăng tải trên báo điện tử VTC News, công luận “dậy sóng” thật sự và 1 ngày rưỡi sau đó, nó đã trở thành… sóng thần.

4 ngày trôi qua, đã có quá nhiều bình luận, quá nhiều bài báo nói đến NS Nguyễn Ánh 9 và Đàm Vĩnh Hưng (ảnh, trái), dù trong bài trả lời phỏng vấn, NS Nguyễn Ánh 9 đã “phê” rất nhiều ca sĩ.

Sự việc này có lẽ rồi cũng qua đi, nhưng “dư chấn” đáng nói của nó đối với đời sống âm nhạc có lẽ là văn hóa phê bình. Một nền âm nhạc tiến bộ là nền âm nhạc có một nền văn hóa phê bình lành mạnh. Văn hóa tiếp nhận phê bình kém, nó sẽ giết chết lực lượng phê bình.

Khâm phục Tuấn Hiệp, nể Thanh Lam…

Ai cũng nghĩ rằng cùng với Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thanh Lam sẽ bùng nổ, nhưng chừng nào Thanh Lam còn im hơi lặng tiếng, mọi người sẽ nghĩ rằng chị có văn hóa cao trong tiếp nhận phê bình. Cũng như năm ngoái sau sự “phản pháo” đến mức “cạch mặt” của Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Lam vẫn bình chân như vại, không một lời dù ngắn ngủi. Đáng nể thay!

Mỹ Tâm và Tuấn Hiệp cũng được NS Nguyễn Ánh 9 nhận xét trong bài phỏng vấn nói trên, nhưng khi trả lời báo Tuổi trẻ, Mỹ Tâm thật vô tư: “Chú (NS Nguyễn Ánh 9) nói gì thì cũng có sao đâu, chú cũng như ba mẹ mình mà”.

Đáng nói hơn Tuấn Hiệp viết hẳn một bài cám ơn sự góp ý của NS Nguyễn Ánh 9 trên VTC News, nơi đã đăng bài phỏng vấn “dậy sóng”.

Trên facebook của Đàm Vĩnh Hưng, có khoảng 250 ý kiến chia sẻ ủng hộ anh, điều đó cũng dễ hiểu bởi họ là fan của anh. Nhưng chỉ trong ngày 26/8, trên VietNamNet, trong 149 ý kiến chia sẻ cho bài NS Nguyễn Ánh 9: Tôi không còn tuổi để đối chất, tranh giành thì có đến 145 ý kiến khâm phục, đồng tình với những nhận xét của NS Nguyễn Ánh 9. Đó cũng là điều đáng quý.

Nói điều này để thấy rằng, tâm sự của NS Nguyễn Ánh 9 trên báo Tuổi trẻ là chí lý: “Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà… hay bất kỳ ca sĩ thành danh nào khác đều có khả năng thực lực riêng, có một hướng đi và chỗ đứng riêng. Quan trọng nữa là mỗi ca sĩ sẽ đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận công chúng mến mộ mình. Chính nét riêng của từng ca sĩ mới hình thành được một nền ca nhạc phong phú, đa dạng, phục vụ đông đảo đối tượng công chúng”.

Một nền âm nhạc tiến bộ là nền âm nhạc có một văn hóa phê bình lành mạnh. Văn hóa tiếp nhận phê bình kém, nó sẽ giết chết lực lượng phê bình.

Những lời nhận định của NS Nguyễn Ánh 9 về các “sao” chỉ là để “chia sẻ mong muốn của mình là được thấy những nghệ sĩ đứng trên sân khấu và thể hiện cho khán giả nghe được đúng cái tình cảm trong bài hát… Nhưng tôi chỉ đưa chút ý kiến của mình để hy vọng nền âm nhạc của nước mình sẽ phát triển”.

Khi Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng và công luận dậy sóng, có báo đã hỏi ông “có muốn rút lại những nhận xét gây sóng gió của mình không” nhạc sĩ vẫn khẳng định: “Như đã chia sẻ, đó là những ý kiến cá nhân của tôi, vì thế tôi không thay đổi”, dù ông đã lên tiếng xin lỗi các ca sĩ và khán giả của họ, nếu lời nhận xét của ông làm họ tổn thương.

Thẳng thắn nhận xét, sẵn sàng xin lỗi nhưng cương quyết giữ lời mình đã nói. Có thể thấy, NS Nguyễn Ánh 9 rất dũng cảm, có lập trường nhưng cũng rất nhã nhặn, văn minh  làm nhiều người khâm phục. Thật đáng quý có một nhạc sĩ như thế trong bối cảnh phê bình âm nhạc như hôm nay.

Tiếc cho Đàm Vĩnh Hưng

Khi bài phỏng vấn NS Nguyễn Ánh 9 được đăng trên VTC News sáng 24/8, ngay chiều hôm đó trên facebook của mình, Đàm Vĩnh Hưng đã trấn an các fan: “Các fan yêu dấu nên bình tĩnh, nói năng lịch sự, có hiểu biết và không được hỗn hào nhé…”. Hành động này được xem là văn minh, có văn hóa, biết tôn trọng tôn ti trật tự theo truyền thống đạo lý Việt Nam và góp phần đáng kể để xây dựng văn hóa phê bình vốn còn non yếu trong nền âm nhạc của chúng ta. Điều này, Đàm Vĩnh Hưng đã tạo thiện cảm cho rất nhiều người.

Thẳng thắn nhận xét, sẵn sàng xin lỗi nhưng cương quyết giữ lời mình đã nói. Có thể thấy, NS Nguyễn Ánh 9 rất dũng cảm, có lập trường nhưng cũng rất nhã nhặn, văn minh làm nhiều người khâm phục. Thật đáng quý có một nhạc sĩ như thế trong bối cảnh phê bình âm nhạc như hôm nay.

Nhưng 1 ngày sau đó, dường như không thắng nổi những “sân si”, Đàm Vĩnh Hưng viết 1 bức thư dài cho NS Nguyễn Ánh 9 và đăng lên facebook của mình. Trong đó, có những lời lẽ khó nghe dành cho vị nhạc sĩ đáng kính như: “kịch sĩ”, “ngụy quân tử”… lại còn đề nghị NS tháo “chiếc mặt nạ” xuống… Đó là thái độ vô lễ đối với một nhạc sĩ tên tuổi, có 60 năm tuổi nghề, một nhạc sĩ đáng tuổi cha chú của mình.

Là người của công chúng, lẽ ra Đàm Vĩnh Hưng phải là người mẫu mực lễ độ, để làm gương sáng cho nhiều người. Nhưng thật đáng tiếc, cái lễ độ… “nửa chừng xuân” của Đàm Vĩnh Hưng làm cho nhiều người thất vọng.

Điều đáng nói hơn với một “văn hóa” tiếp nhận phê bình như của Đàm Vĩnh Hưng - đó cũng là điều tồn tại khá lâu trong đời sống âm nhạc Việt Nam - khiến những người tâm huyết với âm nhạc lặng tiếng, buông xuôi để đời sống âm nhạc đi theo chiều hướng tự phát, một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của âm nhạc. Chúng ta chỉ thực sự lớn lên khi thấy được những yếu điểm của mình, nhưng nhiều nghệ sĩ xem cái tôi của mình quá lớn, mình là “ông hoàng”, là tất cả…

Mời độc giả đón đọc loạt bài: "Mổ xẻ & khai thông phê bình âm nhạc" trên Thể thao & Văn hóa từ ngày 29/8.

Thiên Lang
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm