14/12/2014 12:50 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Trong bối cảnh mà các nhà thơ muốn tác phẩm của mình ra mắt bạn đọc, phải tìm cách tự lo kinh phí xuất bản rồi chỉ để tặng, thì Nguyễn Phong Việt bán được rất nhiều thơ. Tập thơ đầu tay bán được 30 ngàn bản, tập thứ hai 20 ngàn bản và tập thơ Như một dòng chảy ngược, sinh ra để cô đơn! (Đinh Tỵ & NXB Văn Học) vừa ra mắt với 4 ngàn bản in. Có thể nói thơ Nguyễn Phong Việt là một hiện tượng của phát hành.
Có nhiều kiến giải cho hiện tượng này, chúng ta thử tìm hiểu xem lý do tại sao?
Dùng mạng xã hội làm “nóng”?
Nếu nói rằng Nguyễn Phong Việt có dây dưa nhiều đến truyền thông qua các vai trò như: phóng viên của báo Mực Tím, người bán hàng trên mạng, nên ít nhiều anh sẽ vận dụng những cách thức PR để bán thơ của mình. Hoặc cũng có thể, lượng phát hành hàng chục ngàn bản chỉ là con số “ảo"… Tất cả đều không đúng, bởi lượng tiêu thụ như con số nêu trên là sự thật.
Vào Facebook hoặc trang fanpage của Nguyễn Phong Việt, mỗi nơi có chừng 11 ngàn người theo dõi, nhưng người đọc và tỏ ra hào hứng với những gì anh post lên thì chừng vài chục đến trăm người. Anh cũng chẳng dùng “mánh” gây chuyện để câu “like”. Như thế không thể nói Phong Việt dùng mạng xã hội để làm “nóng” tên tuổi cũng như thơ mình.
Nguyễn Phong Việt
Đôi khi, nhìn anh chàng sinh năm 1980 trông nam tính đến thế, lại là người nắm giữ trái tim của một cô nàng thơ nổi loạn đến nổi tiếng là Lê Thị Thanh Xuân - cựu thành viên của nhóm năm nhà thơ nữ Ngựa trời xưa - không thể nghĩ Phong Việt viết thơ “sến” kiểu đằm thắm học trò đầy tính nữ đến vậy. Phải chăng Phong Việt đã đẩy vào thị hiếu độc giả trẻ tuổi non tâm hồn là hướng đi để tìm kiếm lượng độc giả đông đảo?… Giải mã điều đó cũng là tìm căn nguyên cho “hiện tượng” xuất bản của thơ Phong Việt.
Phong Việt xuất hiện phần lớn là ở những trang bán sách, hoặc trang mạng in thơ của anh, thảng hoặc xuất hiện bài giới thiệu tập thơ, nhưng phần lớn được xếp vào mục “giải trí” dành cho giới trẻ mười mấy đôi mươi tuổi.
Nguyễn Phong Việt ít trả lời phỏng vấn, nếu có, thì câu trả lời cũng chung chung và không hào hứng gì khi các câu hỏi chủ yếu xoáy vào tò mò hỏi căn nguyên cho số lượng xuất bản đồ sộ mà văn xuôi còn ước mơ chứ đừng nói đến thơ còn đang nằm chờ tác giả dư dả, tự đầu tư in ấn.
Tất cả đang dần định vị trí cho Nguyễn Phong Việt là thơ “học trò”. Anh ít khi xuất hiện ở những trang báo dành cho độc giả “không còn trẻ”, càng không thấy ở nơi chuyên bình luận về văn chương học thuật.
Như một dòng chảy ngược, sinh ra để cô đơn!
Nỗi lòng của đám đông?
Thế nhưng tất cả dường như chỉ nằm ở sự tò mò những thứ nằm ngoài văn chương. Người ta tìm mọi cách xét đoán và giải thích cho các thắc mắc nhằm giải mã “hiện tượng” thơ bán chạy của Nguyễn Phong Việt. mỗi khi vào buổi ra mắt tập thơ mới của anh. Còn đơn giản nhất là cầm lên tập thơ của tác giả mà đọc thì không mấy ai.
Mỗi lựa chọn thì đều có nguyên cớ, dù có thể thơ Nguyễn Phong Việt không chủ ý hướng về số đông, thì thơ của anh cũng dễ dàng dành cho số đông đọc hiểu. Có lẽ từ việc sau khi đạt ba giải thưởng “Bút mới” của báo Tuổi trẻ, cùng ảnh hưởng nhu cầu từ đám đông, mà Nguyễn Phong Việt không có ý định làm mới thơ mình, đi vào tìm kiếm biểu đạt sáng tạo ngôn ngữ văn chương.
Đọc thơ Nguyễn Phong Việt vào thời điểm này, cũng không khác gì với Nguyễn Phong Việt từng làm trưởng nhóm bút trên báo Mực Tím. Và dĩ nhiên anh từng tự nhận “tôi chỉ là người viết nghiệp dư” để giải thích sự thiếu chuyên nghiệp về sáng tạo trong thơ mình. Thế nhưng chẳng cần tìm cách làm mới tạo ra cái lạ, Nguyễn Phong Việt dùng những câu thơ đơn sơ, trong một giai điệu giản dị, cốt yếu làm sao để bày tỏ được tâm hồn và tinh thần cá nhân.
Từ tập thơ mới nhất - Như một dòng chảy ngược, sinh ra để cô đơn! có thể thấy Nguyễn Phong Việt đã sâu hơn vào bên trong con người mình. Anh tìm kiếm sự bình yên đằng sau cái chết, chia ly, cần một nửa cho việc hoàn thiện linh hồn, ý thức thực tại đang diễn ra…
Không có khoảng cách cho việc hiểu hay khó hiểu, vì đọc là cảm nhận rõ ràng tác giả muốn nói gì. Đồng thời, những điều Nguyễn Phong Việt trăn trở từ tiếng khóc chào đời con thơ, sự cô đơn, ngày mưa, tiếng chuông gió, buổi sang tự soi gương… cũng là điều tất cả mọi người có tính hướng nội đều cảm nhận như thế.
Người ta đọc thơ để tìm niềm đồng điệu. Vậy nên khi tác giả - tác phẩm - độc giả có sự liên kết cảm xúc tự nhiên, thì tác giả bán được nhiều thơ cũng có thể hiểu được.
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất