18/02/2022 19:01 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Nhà văn Văn Giá cho biết, trong chương trình học tập của các học viên lớp viết văn (Đại học Văn hóa Hà Nội), chúng tôi thường xuyên mời các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình nổi tiếng đến trò chuyện, vừa để học viên được tiếp xúc, giao lưu với nhà văn, vừa được học tập các tri thức liên quan đến lao động sáng tạo tác phẩm.
Nhà thơ Y Phương đã có buổi nói chuyện thân tình với lớp Viết văn, cung cấp nhiều tri thức về văn học và dân tộc học thú vị.
Dưới đây là bản gỡ băng và ghi chép lại bài nói chuyện của nhà thơ Y Phương (tháng 7/2014) do thầy trò lớp Viết văn thực hiện.
1. Thưa các bạn, trước hết là tôi xin nói đôi điều về bản thân tôi.
Trong Sách giáo khoa nhà trường có nói thân thế tôi là người gốc Tày 100%, người Tày ở Cao Bằng. Không biết các anh các chị ở đây có ai là người gốc Tày không?
Thực ra, văn hóa Tày và văn hóa Việt có sự giao thoa nhau. Tôi không thấy một sự khác nhau nào đáng kể. Có điều là cái sự ăn uống thì có khác. Vì người Tày sống ở miền núi, khí hậu lạnh, họ uống rượu như người ở dưới xuôi ta uống nước. Nhưng thực ra là họ uống rượu nhạt. Cho nên nhiều người nói là người miền núi hay gắn với sự say sưa, cái sự nghiêng ngả.
Người Tày hiện nay ở Việt Nam có khoảng hơn 2 triệu người, được phân bố ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Hiện nay, một bộ phận người Tày đang di cư dần vào các tỉnh phía Nam.
Người Tày của chúng tôi là Tày Đoóc. “Đoóc” nghĩa là mục. “Tày Đoóc” có nghĩa là chịu mục, không chịu thay đổi thân phận của mình. Các anh chị đi vào các cánh rừng già thường gặp các cây gỗ ngổn ngang, chúng chịu mục chứ không chịu mang về để thay đổi số phận. Ý muốn nói đó là văn hóa Tày, nó bảo thủ lắm. Tất cả đồ vật dùng trong nhà dưới đáy đều là hình vuông. Người Việt đáy túi thường lượn hình tròn, tiết diện của nó rất ít. Cho nên, tính năng động của người Việt cao, nó thích ứng nhanh với mọi điều kiện. Đối với người Tày, từ cái mâm, cái thúng dưới đáy đều hình vuông, phản ánh văn hóa người Tày là kém thích ứng, “chịu mục”. Kết cấu xã hội người Tày ít biến động hơn dưới xuôi. Đó là sự khác biệt thứ nhất.
Cái khác biệt thứ 2: Nếu cây tre là hình tượng điển hình của người Việt thì với người Tày, cây vầu là hình tượng điển hình. Cây vầu chỉ biết có mình nó. Tính cộng đồng, liên kết của người Tày kém, ai biết người nấy. Có lẽ xuất phát từ địa hình núi đá, không như miền xuôi liên kết với nhau dễ. Vì điều kiện vật chất như thế, hình dáng thể xác con người không nõn nà xinh đẹp như người miền xuôi, nó thô ráp.
Nhưng ở chỗ chúng tôi không hề có người đi ăn xin và trước đây không có hiện tượng ăn cắp. Chính vì vậy, trong bài thơ “Nói với con”, tôi muốn nói với các con truyền thống của cha ông ta nghèo khó, khổ, vất vả nhưng không bao giờ đánh mất mình. Đó là sự thật. Hôm nay, tôi kiếm một gánh củi, hôm sau mang ra chợ bán rồi mua mấy bìa đậu phụ, hai cút rượu, thế là xong, không tính toán, không thực dụng như người Việt. Người Việt là: “Trông trời, trông đất, trông mây /Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm/ Trông cho chân cứng đá mềm/Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”.
Trong truyện cụ Ngô Tất Tố có nói tới cách chia phần của người Việt và cách ứng xử với người bề trên, thấy bị ảnh hưởng nặng nề từ Nho giáo. Ở người Tày, miếng gan, lòng mềm bao giờ cũng dành cho các cụ lớn tuổi, cái đùi dành cho con trẻ. Trai trẻ không được đụng tới các phần trên. Đó không phải là kiểu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” mà rất cụ thể.
2. Thực ra, tôi là người gắn bó với quê hương từ khi sinh ra, lớn lên, đi bộ đội, đi học xong tôi lại trở về quê hương. Văn hóa người Tày nhuộm từ gan bàn chân tới đầu chân tóc, nên tôi thường ứng xử theo lối văn hóa của người Tày.
Tôi bắt đầu cầm bút vào năm 1972, khi tôi đang ở bộ đội. Đi bộ đội thường có tổ chức báo tường. Chùm thơ của tôi không ngờ được đưa lên báo tường. Khi đoàn cán bộ bên Văn nghệ Quân đội đến và đọc, họ thấy hay và chép để lấy về in tạp chí. Khoảng những năm 1972 - 1973, tôi có bài thơ đầu tiên được in. Đó là một sự ngạc nhiên trong đời.
Từ bài thơ đó dẫn dụ cả cuộc đời tôi vào văn chương. Đến bây giờ tôi cũng không biết có phải là văn chương đích thực không, vì văn chương đích thực nó phải cao siêu, thánh thiện hơn. Thơ văn của tôi từ núi đá, không có trên 6 dưới 8 êm đềm như văn hóa Việt.
Văn chương truyền thống của chúng tôi có từ xa xưa, khi người Việt có chữ Nôm (Hán Nôm) thì người Tày chúng tôi có Nôm Tày. Văn hóa Việt và văn hóa Tày đan xen nhau. Các cụ nhà tôi, 80 năm trước lên Cao Bằng, có “quan hệ ngoài luồng” với chị em ở Cao Bằng, nên bây giờ phân tích dòng máu người Tày thuần ở Cao Bằng không chắc là thuần 100%, bởi vì đã gần một thế kỷ trôi qua. Bây giờ có làng, có vùng nói tiếng nửa nọ nửa kia. Ở đó, người Việt không thể hiểu được người Tày nói gì, và ngược lại. Ví dụ như người Tày có con trâu trắng buộc ở gốc tre, kết cấu làng, nhà cửa của họ cũng giống như người Việt, cũng lợp tranh như làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ. Khi anh chị lên đó nghe người Tày nói lại không hiểu được tí gì. Họ nói nửa nọ nửa kia. Ví dụ có một cô giáo đi gánh thóc, học trò hỏi: “Cô ơi cô, cô đi phát thóc nờ?”. Có lẽ mối quan hệ giữa người Tày và người Việt có quan hệ sâu xa hơn, không phải là từ thời nhà Mạc mà từ thời An Dương Vương định cư ở vùng Đông Anh. Nguồn gốc của vùng Đông Anh là đồi Con Én.
Căn cứ vào ngôn ngữ sử dụng hàng ngày, “xin xỏ” (“xin” của người Việt, “xỏ” của người Tày Thái), “chó má” cũng vậy…cho nên văn hóa người Việt và người Tày rõ ràng có sự giao thoa từ xưa. Người Tày có cách xưng hô hoàn toàn như người Việt. Nhưng người Nùng lại khác: anh nào đẻ trước là anh, anh nào đẻ sau là em. Người Tày giống người Kinh: anh nào bé xác nhưng con nhà bác vẫn là lớn hơn.
Văn minh lúa nước không biết anh nào lâu đời hơn. Thực ra, chữ “Tày” do chữ “cái cày” mà ra. Người Tày không phân công lao động như dưới xuôi: “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” mà ai cũng biết cày, phụ nữ có khi còn cày giỏi hơn đàn ông, đàn ông có khi lại cấy giỏi hơn phụ nữ. Xuất phát từ thực tế đời sống, tôi thấy thế này: Ở xã hội người Tày con người biết lao động rất sớm. 8 tuổi, tôi đã biết đi cày.
3. Tôi xin trở lại bài thơ Nói với con trong sách Ngữ văn 9 được sử dụng trong nhà trường. Đó cũng là một bất ngờ lớn đối với tôi.
Tôi viết bài thơ năm 1980, khi đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh. Đời sống cán bộ công nhân viên khi đó còn khó khăn. Trong điều kiện, hoàn cảnh như thế, người tốt kẻ xấu bộc lộ cá tính, nhân cách. Tâm trạng của tôi khi ấy là chỉ muốn dặn dò con cái là xã hội bây giờ nhiễu nhương như thế, nhiều kẻ đánh mất mình, vi phạm pháp luật, cho nên các con phải biết giữ mình, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình.
Tôi xin nói thêm một chi tiết nữa trong câu thơ: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”. Câu thơ từ nghĩa đen mà ra chứ không phải nghĩa bóng. Kết cấu nhà cửa của chúng tôi là nhà sàn, dưới gầm sàn nhốt gia súc. Mỗi nhà có một cầu thang. Cầu thang ngày xưa làm bằng đá nguyên khối được đẽo thành những bậc lên xuống, sau này mới xây bằng gạch.
Chân kê cột cũng làm từ đá nguyên khối được đẽo ra và kê để tránh mối mọt. Nghĩa đen là thế. Thực ra cũng là một văn hóa đá, đá vôi chứ không phải đá kim cương đâu ạ! (Cười). Tôi muốn dặn dò con cái khi con tôi vừa mới được 1 tuổi. Trước khi bài thơ đi vào sách giáo khoa, bản gốc của bài thơ nó khác chút. Tính tôi hay táy máy, tôi sửa lại nhưng không ngờ bản sửa lại không hay bằng bản gốc. Sách Ngữ văn lại lấy bản sửa.
Có bạn băn khoăn về câu thơ: “Cao đo nỗi buồn / Xa đo chí lớn”. Thực ra, cũng không có gì xa xôi cả, cũng không ủy mị than phiền. Khi đau quá hay khi đợi chờ người yêu chẳng hạn thì thật khó tránh buồn. “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn” cũng giống như “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Sự đi xa để học hỏi, để biến đổi mình. “Còn quê hương thì làm phong tục” là một sự thật. Ví dụ như Tết nhất cũng là một phong tục của người Việt mình. Đối với người Tày, mỗi tháng có một cái Tết con, trong 1 năm có 2 cái Tết lớn: Tết Nguyên đán và Tết Rằm tháng 7.
Ở dưới xuôi, Tết Rằm tháng 7 không quan trọng như đối với người Tày. Tết này tưởng nhớ tới một vị anh hùng dân tộc người Tày. Trong một dịp Tết, mỗi người làm một cái bánh làm lương khô, có ý nghĩa tưởng nhớ thời kỳ cha ông ta đã ăn lương khô đánh giặc xâm lược nước Việt ta.
Một Tết lớn nữa là Tết mùng 3/3, tết Thanh minh. Đúng ngày này, dù ai đi đâu về đâu, ở Pháp hay ở Mỹ đều phải trở về để thắp hương cúng bái, thăm mộ tổ tiên ông bà. Đồ lễ có cả đồ ăn thức uống: Xôi ngũ sắc, vịt quay, cá rán… Sau khi thắp hương cúng bái tổ tiên xong, con cháu quây quần ngồi ăn, uống chén rượu, các cụ 1 chén, mình 1 chén. Đó là biểu tượng mối tương quan giữa thế giới dương và thế giới âm. Người Việt không có nhưng người Tày lại có cái này.
Nhưng có một cái chúng tôi học người Việt, người Kinh là ngày giỗ. Chúng tôi không coi trọng ngày giỗ mà chỉ coi trọng 2 ngày Tết Nguyên đán và Tết mùng 3/3. Tôi thấy ngày giỗ của người Việt rất văn minh, nó tưởng nhớ ngày mất của ông bà cha mẹ. Tôi
4. Tôi cũng xin nói với các bạn về phong tục cưới xin của người Tày. Bây giờ cưới xin hiện đại rồi, không như ngày xưa phức tạp lắm. Xã hội người Tày khép kín. Chị em mặc áo chàm dài, có thắt đầu gối và thắt đáy lưng. Các cụ ngày xưa muốn cầm tà áo, tức là cầm tay của chị em rất khó. Phải mất 9 con lợn. Ngay cả khi đã là vợ chồng rồi cũng rất khó để được ở với nhau. Sau khi cưới rồi, anh ở nhà anh, tôi ở nhà tôi, đến khi nào có con rồi tôi mới về nhà anh. Thế thì dễ gì mà có con được?
Người Tày chúng tôi là thuần nông. Cứ đến vụ, bà mẹ chồng lại lóc cóc cắp cái nón cái túi sang nhà con dâu xin con sang bên này giúp mẹ một buổi làm đồng ngày mai. Đến tối, tưởng là cô dâu ngủ lại nhà chồng nhưng không, sau khi rửa chân tay sạch sẽ rồi thì cô con dâu lại cắp cái nón xin mẹ chồng: Thưa mẹ, con xin về nhà mẹ đẻ con! Thế thì còn làm ăn gì được nữa! (Cười).
Có những ngày cả 2 vợ chồng bố mẹ xui các con đi vào rừng chặt củi. Thế là anh mừng 1 thì chị mừng 10. 2 anh chị mài dao đi vào rừng nhưng có phải để chặt củi đâu!
Sau đó 9 tháng 10 ngày thì họ sinh đứa con đầu. Đứa bé đầu thường mang màu sắc núi rừng. Khi người mẹ mang bầu được 7 tháng thì có một cái lễ. Đến khi 9 tháng 10 ngày thì làm một cái lễ đặt tên. Lúc bấy giờ, cô con dâu mới về hầu hạ nhà chồng.
Đó là thời trước tôi, thời anh chị tôi. Thời tôi lại khác. Cưới xong thì cô dâu ở luôn nhà chồng. Dân làng họ cũng xì xào lắm. Chứ không như hồi xưa, cô dâu chú rể cưới nhau không được ngủ chung giường, chung nhà, không được động phòng.
Xã hội hiện đại bây giờ có sự tiến bộ trông thấy rồi. Nhưng mà ở những vùng sâu vùng xa thì phong tục này vẫn còn.
Chung Sơn - Lê Ngọc (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất