Chân dung khốn cùng của Jack London tại khu ổ chuột Anh

10/04/2016 14:19 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) – Về cuốn sách viết trong thời gian khốn cùng ở Anh, Jack London nói rằng rằng: “Trong tất cả các cuốn sách của tôi, tôi thích nhất là The People of the Abyss. Không cuốn nào ghi dấu trong tim tôi sâu đậm đến vậy”.

The People of the Abyss (tạm dịch: Người nơi vực thẳm) lấy chất liệu từ cuộc sống nghèo khổ ở khu ở chuột East End (Anh). 

Cuốn sách viết bằng trái tim

Năm 1903 – cùng năm phát hành cuốn tiểu thuyết phiêu lưu nổi tiếng The Call of the Wild (Tiếng gọi nơi hoang dã) – tác giả người Mỹ Jack London cũng ra mắt tập tài liệu mang tên The People of the Abyss, ghi lại những gì ông thấy khi sống ẩn danh tại khu ổ chuột East End (London, Anh). 


Jack London chụp cảnh người chen chúc như cá hộp để nhận bữa ăn cứu tế

Vào đầu thế kỷ XX, tại London, khác hẳn với vẻ tráng lệ ở nơi bậc đế vương sống trong cảnh trăm hoa đua nở, thì ở khu ổ chuột East End, những người nghèo đang phải chen lấn nhiều giờ để lấy 1 bữa ăn sáng cứu tế. Chính tại đây, Jack London đã rũ bỏ bộ quần áo thường ngày của mình, thay vào đó là những mớ rẻ rách đầy dầu mỡ, để hòa mình vào cuộc sống tại đây.

Sau 84 ngày trải nghiệm cuộc sống thực tại khu “vực thẳm” ở London, Jack London đã viết The People of the Abyss, cuốn sách mà ông yêu thích nhất trong sự nghiệp đồ sộ của mình. “Không cuốn nào ghi dấu trong tim tôi sâu đậm đến vậy”, London chia sẻ.

“Tôi đã tận mắt nhìn mọi thứ, thay vì qua lời rao giảng của những người thậm chí chưa từng nhìn thấy, hoặc qua lời của những người đến rồi đi trước kia”, ông viết trong lời tựa cuốn sách.

Cuộc dấn thân này của London đã tạo cảm hứng cho nhà văn lừng lẫy George Orwell, người 30 năm sau đó giả thành kẻ cầu bất cầu bơ ở Paris và London để hiểu thêm về cuộc sống. 

Những kẻ khốn cùng

Trong chương đầu tiên của The People of the Abyss, London viết về việc mình đã phải thuyết phục những người bạn, cảnh sát trưởng, đại lý du lịch, đại sứ quán Mỹ và một người lái xe về ý định “chìm mình vào East End”. Ông viết trong sách:


Ngồi sát bên nhau cho đỡ lạnh

“Anh không muốn sống ở đó đâu" Mọi người nói, với vẻ hiển nhiên không tán thành trên mặt. "Tại sao, đó là nơi ở của những kẻ không đáng một xu".

"Đó chính là nơi tôi muốn thấy", tôi ngắt lời… "Tôi là người lạ ở đây, và tôi muốn anh nói giúp tôi những gì anh biết gì về East End, để tôi có đôi chút gì đó trước khi bắt đầu".

"Nhưng chúng tôi chẳng biết gì về East End cả. Nó ở đằng kia, đâu đó". Và họ vẫy tay mơ hồ về về phía mặt trời vào một dịp hiếm hoi có thể nhìn thấy nó mọc”.

Cuốn sách tiếp tục với giọng điệu cứng rắn đó. Tại quận Stepney thuộc khi East End, tác giả đã chứng kiến “một khu ổ chuột bất tận… Tại chợ, những ông già bà cả lảo đảo tìm trong thùng rác những khoai tây, đậu, rau củ đã thối, trong khi đám trẻ con bâu quanh đống hoa quả hỏng…”.

Thành phố London đã khiến tác giả người Mỹ bị sốc bởi số lượng người ngủ vạ vật ngoài đường. “Một số đứng ngủ gật gù, một nửa nằm dài trên các bậc đá trong tư thế rất khốn khổ… da bầm đỏ lộ ra ở những chỗ quần áo rách nát”.

Tuy nhiên, ở chính nơi này, London bị ấn tượng bởi cảnh lũ trẻ con nhảy múa nô đùa. Gương mặt xinh đẹp của chúng tương phản một cách đáng ngạc nhiên với những bộ quần áo bẩn thỉu, rách rưới chúng mặc.


Lũ trẻ nô đùa ở East End


Hai phụ nữ say rượu đánh nhau trên phố

Nhưng rồi, ông viết: “Có một Pied Piper (PV: người tuýt còi) đã mang chúng đi hết. Chúng biến mất. Chẳng bao giờ còn được nhìn thấy hay nghe tin về chúng. Bạn tìm chúng một cách vô ích giữa những đám người trưởng thành. Nhưng ở đây bạn chỉ thấy những thân hình còi cọc, những khuôn mặt xấu xí, với đầu óc dốt nát và lãnh đạm”.

Ông chỉ trích hệ thống chính trị “không khác gì một đống phế liệu” đã gây ra sự suy thoái, dẫn tới những cảnh đời khốn khổ này.  

Và những khung hình ám ảnh

Không chỉ tả lại cuộc sống nơi đây bằng ngòi bút sắc bén của mình, Jack London cùng chiếc máy ảnh Kodak đã lang thang khắp khu ổ chuột, ghi lại bằng hình ảnh những khuôn mặt đờ đẫn vì nghèo đói, những cảnh người nằm sát nhau ngoài đường cho đỡ lạnh…

Bản thân London là người yêu nhiếp ảnh. Từ giữa năm 1900 tới 1916, ông đã chụp tới hơn 12.000 bức ảnh, được lựa chọn để in thành cuốn sách ảnh The Paths Men Take


Cảnh sát kiểm tra một người ngủ ngoài đường

Ngoài những bức ảnh về cảnh người nơi vực thẳm, sách còn có những hình ảnh trong cuộc chiến Nga – Nhật năm 1904 khi ông là phóng viên chiến trường, cảnh quê hương San Francisco bị tàn phá do động đất năm 1906 hay chuyến lênh đênh của ông dọc Nam Thái Bình Dương năm 1907…

Jack London không phải người đâu tiên đắm mình vào vũng bùn xã hội để nhìn rõ phía tối của cuộc sống. Trước đó, Friedrich Engels, Henry Mayhew và cả Charles Dickens cũng đã làm tương tự. Tất cả họ đều để lại những tư liệu có giá trị lớn, gây ấn tượng mạnh mẽ cho tới tận ngày nay.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm