07/04/2013 11:50 GMT+7 | Đọc - Xem
(giaidauscholar.com) - Chiến tranh, từng giờ phút đối diện với cái chết, bất cứ khi nào cũng chạm mặt với người chết và liệu khi ấy, con người có thể thả trôi cho đầu óc mộng mơ? Với Hoang tâm (Phương Đông & NXB Hội Nhà văn), Nguyễn Đình Tú tiếp tục tuyến truyện kể về người lính, không chỉ có mơ, mà còn vương đầy màu sắc ảo huyền của chiến chinh.
Hoang tâm được viết trong 15 tháng, tại Nhà số 4 (nghĩa là trong khuôn viên tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế), nơi mà Nguyễn Đình Tú đang làm Trưởng ban văn xuôi.Khó tính, thẳng toẹt và gây sốc
Thoạt đầu gặp Tú, nhìn ánh mắt hiền sau cặp kính trắng, khuôn mặt sáng, dáng người tròn đậm, cứ ngỡ anh là người dễ gần, dễ mến. Thế nhưng để gần Nguyễn Đình Tú rồi mến anh, phải cần một quãng thời gian gặp gỡ chuyện trò.
Tú có kiểu nói “thẳng toẹt” vào mặt đối phương, nhất là về khoản nhận xét mỗi truyện ngắn. Với người nhạy cảm, anh rất dễ gây sốc. “Thà để cho người không có khả năng văn chương biết rõ họ đang chọn nhầm nghề mà dừng lại, còn hơn là gây ảo tưởng với những khen ngợi để rồi cuộc đời họ chìm nghỉm giữa đống chữ, rơi xuống vực thất vọng”. Anh từng nói với tôi như vậy, giữa những ngày nắng nóng cháy mặt Hè năm 2005, khi tôi ngồi trong căn phòng làm việc của anh, trên bàn con thường cắm một lọ hồng vàng, và đối diện là cái gương gắn trên cửa tủ gỗ, khi không có gì để nói với tôi, anh thường nhìn chăm chăm vào đó.
Các nhân vật trong tiểu thuyết của anh có thể từ cuộc sống bước vào, cũng có thể là do anh sáng tạo ra, nhưng tựu trung, họ luôn mang nhiều bi kịch. Không đau đớn về thân thể cũng là tâm hồn, không thương tích trên người thì cũng thương tích về ký ức. Điểm giống nhau nữa, các nhân vật dù vẻ bề ngoài gai góc, thì bên trong vẫn mang cái âm tính giàu lãng mạn chất nữ, hay chiêm nghiệm, ưa phán xét, giải thích.
Giống như nhân vật chính trong Hoang tâm, dù đang “án ngữ một con đường mòn vắt qua biên giới” (tr.22), sẵn lòng nã súng nếu thấy bóng kẻ thù, thì vẫn “ra quả đồi phía sau lô cốt của tiểu đội để ghi nhật ký. (…) Chiều vùng biên có màu trời rất dễ làm cho tâm hồn người ta lên men. Và đó là lúc câu chữ trở nên dồi dào để Anh có thể mặc sức trút lên trang giấy”. (tr.23-24).
Không gian lịch sử của Hoang tâm xoay quanh chiến tranh biên giới Tây Nam. Người lính lúc nào cũng phải tập trung mọi giác quan, ánh mắt thì hừng hực cháy, trái tim nóng rẫy và tay thì nắm chắc lấy súng. Nếu đối phương không chết thì nghĩa là mình gục ngã, không có bất cứ sự khoan nhượng nào giữa lửa đạn. Thế nên, lúc được chùng cơ thể xuống, não được thư giãn, sẽ là câu chuyện huyền hoặc về một loài hoa nhuốm máu Lòng Hào, hoặc cảm nhận mọi vật, hơi người xung quanh đến tận cùng. Tất cả để tinh thần không nao núng, hay tệ hơn là rơi vào căng thẳng hoảng loạn.
Tâm linh huyền hoặc
Sau khi đọc hết 5 tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú: Hồ sơ một tử tù, Bên dòng sông Sầu Diện, Nháp, Phiên bản, rồi đến Kín, tôi từng nói với anh về việc dù truyện của anh có thay đổi nội dung và kết cấu đến đâu thì giọng văn của anh không hề thay đổi, nhịp chảy trong văn cũng thế, đến cả mạch văn cũng xuyên suốt, điều đó làm tôi có cảm giác đọc 5 tiểu thuyết như 5 phần của một trường thiên tiểu thuyết.
Nghe xong, Nguyễn Đình Tú không mang vẻ hài lòng. Anh bảo, sau mỗi cuốn tiểu thuyết, anh luôn suy ngẫm, tìm tòi để viết sâu và hay hơn cuốn trước. Cho đến Hoang tâm, tôi mới thấy điều này ở sáng tác của anh. Cái sâu ở đây có thể thấy là thay vì đứng nhìn từ bên ngoài sự việc, anh bắt đầu đi vào bên trong nhân vật, để thấy rõ hơn những chuyển dịch tinh thần lẫn tâm hồn. Và yếu tố huyền hoặc tâm linh mang chiều kích phác họa một thế giới nội tâm cũng được đẩy mạnh hơn, thay vì chỉ để biện minh cho một vấn đề nào đó mà chính tác giả khó thể giải thích.
Đi vào trong chiến tranh, thay vì nói “tham gia chiến tranh”, người lính trong Hoang tâm bắt đầu hiểu là nên “đi xem chiến tranh”. Rõ ràng nhân vật Anh cầm súng, giết địch, sau đó lặng ngắm từng chi tiết một cái thây người chết, rồi lại đi vào một góc riêng ghi chép lại tỉ mỉ. Ngay cạnh đó lại là một Anh khác, đi từ phía bên trong nhân vật, chỉ làm mỗi vai trò duy nhất là quan sát. Quan sát không phán xét. Quan sát không phân tích. Quan sát không suy nghĩ. Quan sát vì đơn giản hiện tượng đang diễn ra như là chính nó. Quan sát đơn giản là cảm nhận.
Buổi trình diễn - ra mắt tiểu thuyết Hoang tâm sẽ được tổ chức vào hồi 14h00, thứ Tư ngày 10 tháng 4 năm 2013 tại Hội trường (tầng 2) Thư viện Hà Nội, số 47 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Dẫn chương trình: Nhà thơ - nhà biên kịch - đạo diễn Phan Huyền Thư. Với sự tham gia của nghệ sỹ violon Đoàn Phương Thảo |
Nhưng chính từ sự quan sát ấy, dù đã đi ra khỏi chiến tranh, người lính ấy vẫn sống với từng mẩu ký ức bám chặt lấy mỗi nếp nhăn não bộ, không làm thế nào để tẩy xóa được. Kể cả khi ôm chặt cô gái điếm có cái tên phiếm chỉ Son Phấn trong tay, anh vẫn thiếu vẻ từng trải của một gã trai đã dạn dày sương gió biên thùy.
Chiến tranh, là cái sống, cái chết của những thân phận người, những kiếp người. Sự quyết đoạt sự sống từ người khác chỉ là mảy may gang tấc cho khoảnh khắc nâng súng lên và ngắm bắn. Và từ cõi chết trở về, hiếm ai có thể biết sống một cách đúng nghĩa, dù là chỉ nhắm mắt quên ký ức và thưởng thức hiện tại. Rồi khi hiện tại lại trở thành ký ức, thì lại quay quắt nhớ.
Cứ cho cuộc đời nhiều biến động không ai ngờ, nhưng không dừng lại thuần túy chỉ quan sát, thì có sống để mãi vật vờ là thây sống, thế nên, mới gọi là Hoang tâm.
Việt Quỳnh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất