Nguyễn Ngọc Tư giữa thời PR sách

15/10/2013 07:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(giaidauscholar.com) - Nguyễn Ngọc Tư sống ổn nhờ truyện ngắn, tạp bút, nhưng không phải vì thế mà tiểu thuyết hay thơ của cô cũng sẽ bán chạy, vì độc giả “ăn cũng biết no, đọc cũng biết ngán”.

Tiểu thuyết Sông của Tư đọc khá được, tương đối mới mẻ về cấu trúc và sắc sảo về thông điệp, thế nhưng không sắc bén bằng truyện ngắn hay tạp bút của Tư, nên dù PR khá sâu rộng nhưng không thật nhiều độc giả chịu mua. Hơn nữa, đọc một tiểu thuyết cần thời gian và tâm thế khá khác đọc truyện ngắn, tạp bút, nhiều độc giả cũng e ngại… mất thời giờ. Chưa nói, tâm lý nhiều đọc giả nghĩ rằng truyện ngắn, tạp bút thì mua Nguyễn Ngọc Tư, còn tiểu thuyết thì mua những tác giả khác.

Tất nhiên, với tên tuổi ăn khách và chiến lược phát hành tốt, ra mắt đúng dịp Triển lãm hội chợ sách quốc tế Việt Nam lần 4 tại Hà Nội, rồi nhiều cuộc giao lưu, đồng thời 60 nhà sách đăng ký nhận bán lẻ, đã có ít nhất 17.000 cuốn được tiêu thụ, một con số lý tưởng nếu so với nhiều quyển tiểu thuyết khác, nhưng chưa tương xứng với Tư.



Nguyễn Ngọc Tư

Mới đây Tư in tập thơ Chấm, công bằng mà nhận xét thì nó hay hơn nhiều tập thơ có trên thị trường (mà mỗi năm Việt Nam có hơn 1.000 tập thơ được xuất bản), nhưng lại không phải hay nhất. Nó cũng không xuất sắc hơn các truyện ngắn, tạp bút của Tư, nên không dễ tạo sức hút, bán khá chậm. Độc giả của thơ cũng khác với văn xuôi. Nên quan điểm của phía làm sách là để “hữu xạ tự nhiên hương”, chỉ in một hai đợt với số lượng giới hạn rồi thôi. Không tốn tiền và công sức cho PR, sách bán ít hơn nhưng có khi lãi lại “dễ thở” hơn, vì tiết kiệm được mức đầu tư ban đầu.

Và Chấm

Chưa nói, sách của Nguyễn Ngọc Tư hay Nguyễn Nhật Ánh là do NXB Trẻ “chuyên trị”, những nơi khác in chưa chắc bán được nhiều; có khi tác giả còn không chịu bán tác quyền, hoặc họ đã bị ràng buộc bản quyền. Nguyễn Nhật Ánh từng tự in sách cho mình, kết quả bán rất vất vả, vì không thuộc guồng máy phát hành, nên tên tuổi nào thuộc hệ thống PR nấy. Nhã Nam vào cuộc với thơ của Tư, vừa né được quán tính lớn về việc bán truyện ngắn, tạp bút của NXB Trẻ, vừa dễ khai thác được bản thảo, vừa có cơ hội làm nên “lịch sử”. In trang trọng, không tốn nhiều tiền cho PR, nếu chỉ bán được một hai ngàn quyển cũng chẳng sao, nhưng về ý nghĩa thì khá được: trở thành đơn vị đầu tiên in thơ Nguyễn Ngọc Tư, lịch sử xuất bản sẽ còn nhắc lại vài dòng. Dù muốn dù không thì Tư cũng đã có vị thế trong lịch sử văn học. Những đất nước có nền xuất bản và PR mạnh thì thường một NXB lớn sẽ khó để “lọt lưới” một tập thơ như thế này cho đơn vị khác.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm